Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 việc làm nhỏ có thể mang đến lợi ích không ngờ cho tim

Bên cạnh duy trì lối sống lành mạnh, việc cười thường xuyên hay duy trì thói quen biết ơn cũng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.

Viết nhật ký biết ơn cũng là một trong những cách giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch. Ảnh: Shutterstock.

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia, được xem là "kẻ giết người số một" trên thế giới. Tại Mỹ, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trong nhiều thập kỷ. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch.

Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục luôn được xem là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, ngoài những phương pháp quen thuộc, còn có một số thói quen ít ai ngờ tới nhưng mang lại lợi ích đáng kể cho tim và phổi.

Nhúc nhích ngón chân

Theo New York Post, việc ngồi lâu có thể làm chậm lưu thông máu, đặc biệt là ở tĩnh mạch chi dưới, khiến máu ứ đọng và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu). Nếu cục máu đông di chuyển lên phổi, nó có thể gây thuyên tắc phổi, một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Một cách đơn giản nhưng hiệu quả để kích thích tuần hoàn máu là nhúc nhích ngón chân thường xuyên. Các chuyên gia khuyến nghị nên cử động ngón chân trong khoảng 30 giây mỗi giờ, đặc biệt nếu bạn phải ngồi làm việc liên tục hoặc di chuyển đường dài bằng máy bay, ôtô. Việc này giúp cải thiện lưu thông máu, tăng lượng oxy đến các cơ quan và giảm áp lực lên tim trong quá trình bơm máu đi khắp cơ thể.

Ngồi thẳng lưng

Tư thế ngồi có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hô hấp và hiệu suất hoạt động của tim mạch. Ngồi gù lưng hoặc cúi người về phía trước khiến lồng ngực bị nén lại, làm giảm không gian cho phổi mở rộng, từ đó hạn chế lượng không khí lưu thông.

Về lâu dài, tình trạng này có thể giảm lượng oxy trong máu, buộc tim phải co bóp nhiều hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt oxy, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Duy trì tư thế ngồi thẳng lưng, đặc biệt là khi làm việc hoặc lái xe, giúp tối ưu hóa dung tích phổi, tăng khả năng trao đổi khí và giảm tải áp lực lên hệ tuần hoàn.

Ngoài ra, tư thế đúng cũng hỗ trợ cột sống và hệ cơ xương, giúp giảm nguy cơ đau mỏi lưng và vai gáy - những vấn đề thường gặp ở người làm việc văn phòng hoặc ngồi lâu.

Cười nhiều hơn

Tiếng cười không chỉ giúp cải thiện tâm trạng, mà còn có tác động trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Khi bạn cười, các cơ hoành và cơ bụng co lại, giúp đẩy không khí ra khỏi phổi mạnh hơn, tăng cường trao đổi khí và cải thiện tuần hoàn oxy.

Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng cười có thể giúp hạ huyết áp, giảm căng thẳng và cải thiện lưu thông máu. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy những người có thói quen cười thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 40% so với những người căng thẳng và ít cười.

Căng thẳng kéo dài, đặc biệt là sự tức giận hoặc lo lắng quá mức, có thể làm tăng hormone cortisol - yếu tố gây viêm và tác động tiêu cực đến hệ tim mạch. Vì vậy, dành thời gian để thư giãn, xem phim hài hoặc tham gia các hoạt động mang lại tiếng cười không chỉ giúp cải thiện tinh thần, mà còn tăng cường sức khỏe tim mạch một cách tự nhiên.

Duy trì thói quen biết ơn

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng căng thẳng mạn tính có thể làm tăng nồng độ cortisol, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ hô hấp và tim mạch. Khi mức độ căng thẳng tăng cao, cơ thể sẽ ở trạng thái "chiến đấu hoặc bỏ chạy", khiến nhịp tim tăng nhanh, huyết áp cao và dễ dẫn đến các vấn đề tim mạch về lâu dài.

Một trong những cách giúp kiểm soát căng thẳng hiệu quả là duy trì thói quen biết ơn. Việc viết nhật ký biết ơn, suy nghĩ về những điều tích cực trong ngày hoặc thể hiện lòng trân trọng với những gì mình đang có giúp cải thiện tâm trạng, giảm stress và hỗ trợ hệ hô hấp hoạt động tốt hơn.

Những người thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn có xu hướng có nhịp tim ổn định hơn, huyết áp thấp hơn và ít gặp các vấn đề rối loạn hô hấp. Điều này giúp giảm áp lực lên tim, làm tăng hiệu quả bơm máu và cải thiện chức năng tuần hoàn trong cơ thể.

Thực hành kỹ thuật thở mím môi

Thở mím môi là một phương pháp kiểm soát nhịp thở giúp cải thiện hiệu quả hô hấp, đặc biệt hữu ích trong những tình huống căng thẳng hoặc khi hoạt động thể chất.

Cách thực hiện:

  • Hít sâu bằng mũi trong 3-4 giây
  • Mím môi nhẹ và thở ra từ từ trong 5-6 giây, giống như đang thổi tắt nến

Kỹ thuật này giúp kéo dài thời gian thở ra, tạo điều kiện để phổi đào thải CO2 tốt hơn, đồng thời giảm áp lực lên tim trong việc bơm máu đi khắp cơ thể. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn hoặc rối loạn hô hấp cũng được khuyến khích áp dụng kỹ thuật này để tăng hiệu suất hô hấp và cải thiện khả năng hấp thụ oxy.

Thở chậm và sâu không chỉ giúp tăng cường tuần hoàn máu, mà còn kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, giúp cơ thể thư giãn và giảm nhịp tim, từ đó giúp trái tim hoạt động hiệu quả hơn.

Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.

Có dấu hiệu ung thư giai đoạn cuối nhưng người đàn ông không hay biết

Thời điểm đến bệnh viện thăm khám, người đàn ông 56 tuổi được chẩn đoán ung thư thận diễn tiến đến giai đoạn cuối, đường kính khối u lên đến hơn 11 cm.

Thời điểm ăn sáng tốt nhất cho người bệnh tiểu đường

Những người mắc bệnh tiểu đường không nên vội vã ăn sáng ngay từ sáng sớm, mà nên đợi 1-2 giờ sau khi thức dậy.

Món khoái khẩu của nhiều người Việt vô tình nuôi sán trong gan

Thanh niên 20 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ, kéo dài ở vùng hạ sườn phải. Bác sĩ siêu âm thấy có nhiều khối áp xe rải rác ở gan, là ổ của ký sinh trùng.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm