Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

59 người túc trực 1 HS thi Sử: Chuyện xưa nay hiếm

“Tôi rất thông cảm cũng như nể phục các em học sinh này", GS.TS Đỗ Thanh Bình (khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ.

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp năm nay chỉ có hơn 11% thí sinh đăng ký dự thi. Vì vậy, chiều ngày 3/6 trong ca thi môn này, nhiều hình ảnh về những hội đồng thi chỉ có một thí sinh đã được đăng tải trên báo chí khiến các chuyên gia của lĩnh vực này chạnh lòng.

59 người túc trực một thí sinh thi Sử

Đoàn Thị Nga là thí sinh duy nhất dự thi môn Lịch sử tại HĐCT trường THPT Thái Lão, Nghệ An. Tuy nhiên, Nga vẫn không cảm thấy lạc lõng và tự tin mình làm bài tốt.

 

Tại hội đồng thi trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), môn Lịch sử có một thí sinh dự thi. Đó là em Đoàn Thị Nga (số báo danh 130159, phòng thi số 1) - học sinh lớp 12A4, trường THPT Thái Lão.
Tại hội đồng thi trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), môn Lịch sử có một thí sinh dự thi. Đó là em Đoàn Thị Nga (số báo danh 130159, phòng thi số 1) - học sinh lớp 12A4, trường THPT Thái Lão. Toàn hội đồng có 59 người, trong đó có 37 giám thị coi thi, còn lại là bảo vệ, phục vụ, lực lượng công an, quân đội. Sau khi kết thúc môn Vật lý, toàn bộ ở lại cùng túc trực với môn Lịch sử - dù chỉ có một thí sinh thi. Ảnh: Phạm Hòa.

Là người đã từng dự đoán trước sự việc này, nhưng khi tận mắt chứng kiến cảnh hội đồng thi 59 người túc trực một thí sinh, PGS.TS Phạm Xanh (khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) vẫn phải thốt lên: “Tôi quá xót xa cho các em và những người dạy Sử”. Là người tâm huyết gắn bó với môn học này nên thầy Phạm Xanh cảm thấy rất buồn khi nghe được những thông tin này.

PGS.TS Phạm Xanh. Ảnh: Tiền Phong.

Còn GS.TS Đỗ Thanh Bình (khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng chia sẻ: “Tôi cho rằng hiện tượng này đúng là xưa nay hiếm. Là tôi, một mình đi thi cũng thấy kinh! Tôi tin các giám thị chắc chắn sẽ không gây áp lực cho thí sinh này. Nhưng do không có bạn bè thi cùng, lại là kỳ thi quan trọng trong cuộc đời nên chắc chắn em cũng có những áp lực vô hình”.

Theo hai chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng này là do thí sinh năm nay được phép lựa chọn môn thi tốt nghiệp.

PGS.TS Phạm Xanh cho biết: “Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay bố mẹ và các học sinh đều muốn vào những ngành kiếm tiền nhiều, làm giàu nhanh nên mới xảy ra tình trạng này. Số lượng học sinh lựa chọn khối C thấp đã diễn ra trong suốt 12 năm qua mà ngành giáo dục không có giải pháp nào, bên cạnh đó xã hội cứ đổ tội cho giáo viên, sách giáo khoa là không đúng. Hiện tượng này khiến cả nước nhìn thấy rõ, cảm nhận rõ thực trạng đáng buồn của môn Lịch sử”.

 “Tôi rất cảm ơn các em. Các em đã mạnh dạn lựa chọn theo sở thích, đam mê, ước mơ của mình mà không theo đám đông", PGS.TS Phạm Xanh.

GS.TS Đỗ Thanh Bình lý giải việc các em ít đăng ký thi môn Lich sử xuất phát từ nhiều lý do. “Thứ nhất các em có quyền lựa chọn nên sẽ chọn cái gì có lợi nhất cho mình. Nhiều em dù không học giỏi các môn tự nhiên nhưng vẫn chọn vì thi theo kiểu trắc nghiệm nếu không biết có thể khoanh bừa mà vẫn không bao giờ bị điểm 0. Còn môn Lịch sử không thể làm như vậy được, các em phải học, hiểu thì mới có thể làm được.

Tôi cho rằng nếu các môn tự nhiên cũng thi theo hình thức tự luận có thể nhiều em lại quay sang chọn các môn xã hội. Hoặc Lịch sử cũng thi theo hình thức trắc nghiệm có thể cũng sẽ được các thí sinh lựa chọn nhiều hơn”, ông cho biết.

Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp rất gần với tuyển sinh đại học, nên các em phải lựa chọn môn thi theo định hướng nghề nghiệp, thuận tiện cho việc ôn tập.

Trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, môn Lịch sử tại trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) có 18 người trong hội đồng thi phục vụ cho một em. Đó là Khánh Linh học sinh lớp 12D1. Ảnh: Quyên Quyên.

Đối với các thí sinh đã lựa chọn môn Lịch sử năm nay, PGS.TS Phạm Xanh chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn các em. Các em đã mạnh dạn lựa chọn theo sở thích, đam mê, ước mơ của mình mà không theo đám đông. Mặc dù hội đồng thi chỉ có một mình nhưng tôi tin các em sẽ thi đỗ, thậm chí đạt điểm cao”.

Còn GS.TS Đỗ Thanh Bình. Ảnh: Pháp luật Việt Nam.

Còn GS.TS Đỗ Thanh Bình (khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ: “Tôi rất thông cảm cũng như nể phục các em học sinh này. Chúng ta nên cổ vũ các thí sinh này bởi đó là những em dũng cảm”.

GS.TS Đỗ Thanh Bình cũng cho rằng: “Việc 59 người túc trực một thí sinh thi Lịch sử là điều bình thường. Bởi dù ít hay nhiều, nhưng nếu có học sinh dự thi thì vẫn phải thành lập hội đồng có đủ ban bệ, không thể vì ít mà làm sai quy chế”.

Cả hai chuyên gia này đều nhận định nếu Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp theo phương án này, môn Sử vẫn sẽ được ít thí sinh lựa chọn, thậm chí sang năm còn ít hơn năm nay vì các em đã được biết ngay từ đầu. Những hình ảnh hội đồng thi chỉ có một thí sinh này sẽ tiếp tục lặp lại.

Hai nữ sinh thi Sử được gọi là 'thanh niên cứng của năm'

Lời phong tặng dí dỏm của dân mạng dành cho hai nữ sinh này chứng tỏ bạn trẻ đang đánh giá cao lựa chọn đặc biệt này.

 

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch cho rằng: “Trường hợp một thí sinh thi Sử ở hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Hà Nội). Điều đó là rất lãng phí, 20 cán bộ phải phục vụ cho một em học sinh dự thi. Vì vậy, cần phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, dần dần phải phân cấp, phân quyền cho các địa phương”.

Theo ông Thạch cách dạy Lịch sử hiện nay bắt học sinh thuộc lòng các sự kiện khiến các em không thể nhớ hết được. Lịch sử rất gần với chính trị. Nếu học sinh nói sai lại vi phạm về chính trị nên các em rất sợ đưa ra quan điểm. Vì vậy, học sinh ít lựa chọn môn thi này là đúng.

Nếu Bộ GD-ĐT không đổi mới sách giáo khoa, cách dạy của người thầy thì tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra vào các năm sau.

Ông Thạch chia sẻ: “Theo tôi nên dạy sử theo hướng cho các em tham gia vào sinh hoạt thực tiễn, được đóng vai vào các sự kiện đã qua của dân tộc như vậy sẽ thu hút học sinh hơn”.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm