1. "Không có gì nghiêm trọng cả": Trẻ con thường khóc hoặc tan vỡ vì những thứ có vẻ rất nhỏ. Nhưng điều này có thể khiến cha mẹ khó chịu, nhất là khi cha mẹ nghĩ rằng trẻ có thể đối phó, nên họ hạ thấp cảm xúc của trẻ. Tuy nhiên, đằng sau những giọt nước mắt ấy lại là những cảm xúc rất thật và quan trọng đối với trẻ. Việc cha mẹ vội vàng phủ nhận hoặc xem nhẹ những cảm xúc này có thể khiến trẻ cảm thấy mình không được lắng nghe. Cha mẹ cũng đang vô tình gửi đi thông điệp rằng cảm xúc của trẻ không đáng để quan tâm. Ảnh: Freepik. |
2. "Con không bao giờ làm gì nên hồn": Việc nói với con rằng "Con luôn làm thế này" hoặc "Con không bao giờ làm được việc" là một cách đánh giá chung chung và không công bằng. Khi sử dụng những câu nói như vậy, cha mẹ đang phủ nhận những nỗ lực của con và không tạo cơ hội cho chúng thay đổi. Thay vào đó, hãy cố gắng hiểu rõ từng hành vi của con trong từng hoàn cảnh cụ thể. Ảnh: Freepik. |
3. "Con khiến cha/mẹ buồn khi làm như vậy": Câu nói này thường được các bậc phụ huynh sử dụng để mong con mình thay đổi hành vi. Tuy nhiên, trẻ có thể cảm thấy mình là nguyên nhân khiến cha mẹ buồn, chúng sẽ cảm thấy tội lỗi và áp lực rất lớn. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ trở nên thu mình, thiếu tự tin và sợ hãi khi mắc lỗi. Điều quan trọng là cha mẹ cần đặt ra và duy trì giới hạn mà không để cảm xúc lấn át. Cha mẹ cần nhớ những cảm xúc đó là của bản thân, không phải của trẻ. Ảnh: Freepik. |
4. "Con lớn rồi, phải biết suy nghĩ chín chắn hơn chứ": Khi bạn nói điều gì đó như "con phải biết chứ", bạn đang cố gắng khiến trẻ cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ để thay đổi. Tuy nhiên, điều đó khiến trẻ em trở nên đề phòng, thậm chí ít lắng nghe hơn. Nó cũng làm sụt giảm sự tự tin của trẻ. Thay vì đổ lỗi, cha mẹ hãy cùng con tìm ra cách giải quyết vấn đề. Khi làm như vậy, cha mẹ đang dạy con cách chịu trách nhiệm về hành động của mình và phát triển kỹ năng tư duy độc lập. Ảnh: Freepik. |
5. "Con thật chậm chạp, để đó mẹ làm": Câu nói này vô tình gửi đi thông điệp rằng con không đủ khả năng để tự mình hoàn thành nhiệm vụ. Điều này làm tổn thương lòng tự tin của trẻ và khiến chúng cảm thấy không được tin tưởng, thậm chí mất niềm tin vào giá trị bản thân. Thay vì vội vàng làm hộ con, hãy tạo cơ hội cho con tự làm. Dù có chậm hơn một chút, việc để con tự hoàn thành nhiệm vụ sẽ giúp chúng phát triển kỹ năng và sự tự tin. Ảnh: Freepik. |
6. "Con không làm được như anh chị sao?": Đây là một trong những câu so sánh phụ huynh thường vô tình sử dụng khi muốn con mình cố gắng hơn. Tuy nhiên, khi bị so sánh với anh chị em, trẻ cảm thấy áp lực phải đạt được những thành tích tương tự. Điều này tạo ra một gánh nặng tâm lý lớn, khiến trẻ luôn cảm thấy mình không đủ tốt. Việc so sánh liên tục khiến trẻ cảm thấy mình kém cỏi hơn anh chị em, từ đó làm giảm lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ. Câu nói này cũng có thể khơi dậy sự ganh tị trong lòng trẻ, khiến mối quan hệ giữa các anh chị em trở nên căng thẳng. Ảnh: Freepik. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.