1. Cho phép trẻ vượt qua khó khăn, thử thách: Điều này không những giúp bé phát triển khả năng giải quyết vấn đề mà còn rèn giũa tính kiên cường. Cha mẹ hãy biến những tình huống khó khăn thành cơ hội học hỏi. Nói chuyện với con về cách xử lý cảm xúc, đối mặt thử thách và tìm hướng giải quyết là cách để con đứng dậy sau mỗi lần ngã. Ảnh: Freepik. |
2. Tạo cơ hội để trẻ giao tiếp với nhau: Nhiều cha mẹ lo lắng con mình nhỏ, dễ bị tổn thương nên luôn giữ con ở nhà và bao bọc quá mức. Tuy nhiên, cách tốt nhất để một đứa trẻ học cách hòa đồng với mọi người là có được nhiều cơ hội giao lưu. Cha mẹ nên chủ động tạo cơ hội cho trẻ chơi với những đứa trẻ khác. Chỉ số EQ có thể cải thiện, chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn trẻ cẩn thận. Ảnh: Pexels. |
3. Giúp con nhận biết và xử lý cảm xúc: Phụ huynh có thể khuyến khích con nói về cảm xúc bằng cách để con đặt tên cho cảm xúc ("tức giận”, “buồn”, “ghen tị”). Sau đó, bạn có thể hỏi “Tại sao con cảm thấy như vậy?”. Khi trẻ có những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ nên chấp nhận cảm xúc đó và hướng dẫn trẻ cách xử lý. Bạn có thể làm tương tự khi con bạn có trải nghiệm tích cực. Ví dụ, nếu con nhớ nộp hết bài tập về nhà trong một tuần, hãy hỏi “Điều này khiến con cảm thấy thế nào? Tại sao?". Ảnh: Pexels. |
4. Đọc sách cùng con: Theo Motherly, đọc sách rất quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ cũng như giúp trẻ nắm bắt tình huống, câu chuyện và bối cảnh cho việc nhận biết cảm xúc của mình. Sách cũng là cách dễ dàng để bắt đầu cuộc trò chuyện. Trong hoặc sau khi đọc sách, cha mẹ có thể thảo luận với con về nhân vật và tình huống trong truyện. Trẻ nhỏ có thể không có đủ vốn từ vựng để diễn đạt đầy đủ cảm xúc của mình. Vì vậy, người lớn có thể nói về suy nghĩ, cảm nhận của mình để cuộc trò chuyện trôi chảy và giúp con hào hứng hơn. Ảnh: Pexels. |
5. Thực hành đọc cảm xúc của người khác: Xem TV có thể là một cách tuyệt vời để trẻ thực hành điều này. Cha mẹ có thể tắt âm thanh và cùng con đoán xem các nhân vật đang cảm thấy như thế nào. Bạn cũng có thể cùng con phân tích về ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt. Ảnh: Pexels. |
6. Giúp đỡ người khác: Cùng nhau giúp đỡ, chăm sóc người khác có thể giúp con bạn xây dựng sự đồng cảm. Bạn có thể cho con tham gia một hoạt động tình nguyện, cùng con đi thăm người thân hay bạn bè bị bệnh để con học cách yêu thương, biết bày tỏ cảm xúc với mọi người xung quanh. Ảnh: Pexels. |
7. Nhìn lại cách phản ứng của con: Cha mẹ có thể dành thời gian để nhìn lại các tình huống cụ thể và thảo luận về cách con phản ứng. Bạn hãy đưa ra lời khen ngợi nếu con bạn phản ứng mang tính xây dựng và ngược lại. Ví dụ, khi con cảm thấy thất vọng với bài tập Toán và nhờ bạn giúp đỡ, tuy nhiên, con lại ném sách Toán xuống sàn. Lúc này, bạn hãy thảo luận về phản ứng của con và dạy con những phản ứng tích cực hơn. Ảnh: Freepik. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.