1. Trái bần có vị gì?
Người miền Tây có câu ca dao “Muốn ăn mắm sặc bần chua. Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”. Cây bần mọc tự nhiên thành từng cụm ven sông. Trái bần có vị chát, chua, khi chín tỏa mùi thơm nồng đặc trưng. Bần sống chấm muối ớt là món khoái khẩu của cả trẻ em lẫn người lớn. Ngoài ra, món cá hú kho trái bần hoặc trái bần chấm mắm sặc, mắm rô, nấu canh chua... cũng là gợi ý ẩm thực đáng thử. Bông bần thường được trộn gỏi với thịt heo, tép bạc, cá sặc. Ảnh: Eric Nguyễn. |
2. Cây bình bát còn có tên gọi nào khác?
Cây bình bát còn được gọi là na xiêm. Trái có vỏ mỏng, khi chín chuyển từ màu xanh sang vàng ươm, mùi thơm thoang thoảng, vị ngọt. Đến miền Tây, du khách có dịp thưởng thức món bình bát dầm đá đường để giải nhiệt ngày hè. Ảnh: Ping.homegarden. |
3. Cây thanh trà có nguồn gốc từ tỉnh nào?
Cây thanh trà xuất hiện đầu tiên ở vùng Bảy Núi (An Giang). Sau đó, người ta nhân giống, trồng rộng rãi ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhiều nhất là ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long. Với trái non, người địa phương có thể biến tấu cùng nồi canh chua, cá kho. Khi thanh trà chín, trái ngả sang màu vàng, hương thơm thoang thoảng kích thích vị giác. Bạn có thể bóc vỏ chấm muối ớt để cảm nhận vị chua ngọt, dầm thanh trà cùng đường, đá và sữa để giải nhiệt hay làm mứt, ngâm đường đều ngon. Ảnh: Mitra258. |
4. Vùng Bảy Núi (An Giang) có loại quả nào đặc trưng?
Quả trâm vốn xuất hiện từ lâu ở vùng Bảy Núi (An Giang), trong đó tập trung nhiều tại xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Tháng 4-7 là mùa quả trâm. Khi quả xanh có vị chua và chát. Trái chín màu tím sẫm, vị ngọt, hơi chua và chát nhẹ. Người miền Tây thường hái trái trâm chín, chấm cùng muối ớt để ăn chơi. Đặc biệt, khi thưởng thức bạn phải tách rời quả khỏi cuống để quả không có vị đắng. Ảnh: Vuoncuatia. |
5. Loại quả nào phổ biến vào mùa nước nổi ở miền Tây?
Tháng 8-9 âm lịch, du khách về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... dễ dàng bắt gặp quả cà na được bày bán khắp nơi. Trái cà na khi còn non có sắc xanh, vị chua, hơi chát. Khi cà na chín hơi chuyển màu vàng và thơm dịu. Cà na ngâm đường, ngâm muối ớt... đánh thức vị giác của nhiều thực khách. Ảnh: Vivian.t.t.v. |
6. Bưởi da xanh có xuất xứ từ tỉnh nào?
Giống bưởi da xanh có nguồn gốc ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Loại quả này được nhiều người ưa chuộng bởi vị thanh ngọt, không chua, không hạt, nước vừa phải, múi màu hồng, dễ lột... Ảnh: Trang.inr. |
7. Dừa sáp là đặc sản của tỉnh nào?
Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột. Cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái thường, nước dừa đặc lại, trong veo. Cách đơn giản nhất để thưởng thức dừa sáp là bổ đôi trái, dùng muỗng múc trực tiếp. Ngoài ra, dừa sáp trộn với một ít đường, sữa và đậu phộng rang rồi dầm nước đá cũng ngon không kém. Loại cây này được trồng nhiều nhất ở huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh). Nơi đây cũng được gọi là "vương quốc dừa sáp". Ảnh: Foodysaigon. |