Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

725 tỷ trong vụ án cao tốc TP.HCM - Trung Lương là của ai?

VKS nhận định 725 tỷ đồng có được từ việc thu phí cao tốc thuộc sở hữu của Nhà nước trong khi Út "Trọc" cho rằng số tiền này là của bị cáo.

Sáng 21/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử ông Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ và 18 bị cáo trong vụ án tổ chức đấu thầu bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Tại tòa, Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") và các luật sư bào chữa nói rằng 725 tỷ đồng mà VKS cáo buộc Hệ chiếm đoạt là tiền thuộc sở hữu của bị cáo và Công ty Yên Khánh.

xet xu dinh la thang tai tphcm anh 1

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Ảnh: Duy Hiệu.

Khi Công ty Yên Khánh của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, bị cáo đã trả cho Tổng công ty Cửu Long (đơn vị được Bộ GTVT giao phụ trách bán quyền thu phí) hơn 2.004 tỷ đồng.

Căn cứ vào ký kết giữa hai bên, Hệ nói rằng quá trình triển khai thu phí nếu có lời thì bị cáo sẽ được hưởng, còn lỗ thì phải chấp nhận. Do đó, 725 tỷ đồng không phải là tài sản của Nhà nước.

Tranh luận lại quan điểm này, VKS phân tích quyền thu phí phát sinh sau khi Tổng công ty Cửu Long thay mặt Bộ GTVT ký kết với Công ty Yên Khánh. Theo đó, quyền thu phí được bàn giao trong 5 năm, từ 1/1/2014 đến 1/1/2019.

Viện dẫn các quy định trong Bộ luật Dân sự, cơ quan công tố cho rằng Nhà nước là đại diện quyền sở hữu đối với những tài sản thuộc sở hữu toàn dân, bao gồm kết cấu hạ tầng. Do đó, quyền sở hữu đối với việc khai thác thu phí đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương là của Nhà nước.

Điều này có nghĩa là doanh thu thu phí có được trong 5 năm tại 4 trạm thu phí của Công ty Yên Khánh là nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Khi xây dựng giá bán, Nhà nước đã tính giá trị thực của quyền thu phí trong 5 năm là hơn 2.004 tỷ đồng. Từ phương thức xây dựng giá bán này, Công ty Yên Khánh phải thanh toán số tiền tương đương đó để chuyển nhượng quyền thu phí. Theo VKS, Nhà nước tính toán trong 5 năm công ty của Út "Trọc" đã được hưởng lợi.

xet xu dinh la thang tai tphcm anh 2

Đại diện VKS tranh luận tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu.

"Hợp đồng chuyển giao quyền thu phí không bao gồm chuyển quyền sở hữu tài sản Nhà nước mà chỉ giao tổ chức thu phí theo quy định", cơ quan công tố nêu quan điểm và cho rằng nếu không giao quyền thu cho Công ty Yên Khánh mà vẫn là Tổng công ty Cửu Long, Nhà nước sẽ thu được 725 tỷ để thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội.

"725 tỷ đồng này có mối liên hệ từ hành vi cố ý làm trái, dẫn đến việc Đinh Ngọc Hệ che giấu doanh thu rồi chiếm đoạt. 725 tỷ này Viện KSND Tối cao xác định là tài sản Nhà nước có được từ hành vi gian dối của Hệ và đồng phạm", VKS khẳng định lại việc truy tố Út "Trọc" chiếm đoạt 725 tỷ là có căn cứ.

'Đinh Ngọc Hệ gian dối ngay từ đầu'

VKS nhận định Út “Trọc” đã chỉ đạo cho các bị cáo cấp dưới làm giả hồ sơ tài chính của Công ty Yên Khánh để tham gia đấu giá, thể hiện sự gian dối ngay từ đầu.

VKS nêu bằng chứng ông Đinh La Thăng gặp gỡ Út 'Trọc'

VKS đọc lời khai của các nguyên thư ký và thư ký của ông Đinh La Thăng. Họ đều khẳng định nhìn thấy Út "Trọc" nhiều lần đến văn phòng của ông Thăng để làm việc.

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 10-11 năm tù

VKSND nhận định ông Thăng đã giới thiệu Út "Trọc" tiếp cận có chủ đích ngay từ khâu đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương, giúp Hệ có điều kiện gian dối, chiếm đoạt tài sản.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm