1. Nắm bắt những biểu hiệu cảnh báo cơn giận: Để nắm bắt tốt hơn những biểu hiện của con, cha mẹ cần chú ý đến những thay đổi nhỏ trong hành vi và cảm xúc của trẻ. Một số dấu hiệu phổ biến như mặt đỏ bừng, nắm chặt tay, thở nhanh, la hét, chửi bới, đạp, đá, ném đồ vật... Khi nhận thấy con mình bắt đầu có những dấu hiệu tức giận, cha mẹ có thể can thiệp bằng cách chuyển hướng sự chú ý của trẻ, tạo không gian yên tĩnh hoặc sử dụng các cách xoa dịu. Ảnh: Pexels. |
2. Chấp nhận sự tức giận của trẻ: Khi con có cơn giận dữ, bạn hãy bình tĩnh, thừa nhận điều đó và coi đó là điều bình thường. Các nhà nghiên cứu nói rằng việc xác nhận là cần thiết vì nó giúp giảm cường độ và cho phép điều chỉnh cảm xúc. Ngược lại, việc không xác nhận hoặc mặc định hành vi của ai đó là sai, điều này có xu hướng làm leo thang cảm xúc. Ảnh: Pexels. |
3. Tôn trọng trẻ: Khi phụ huynh vẫn tôn trọng trẻ kể cả trong thời điểm con có cư xử không tốt, trẻ sẽ biết những hành vi mà bạn mong đợi từ trẻ. Điều này cũng sẽ củng cố hành vi tích cực. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần nhớ việc tôn trọng trẻ không có nghĩa là chiều theo mọi yêu cầu của trẻ, mà là tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của chúng, đồng thời giúp chúng học cách kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Ảnh: Pexels. |
4. Tránh tranh cãi khi trẻ tức giận: Khi trẻ em đang trong cơn giận dữ, việc tranh cãi với chúng thường chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, khi cha mẹ giữ bình tĩnh, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và được bảo vệ, từ đó giảm bớt căng thẳng. Cha mẹ cũng có cơ hội lắng nghe ý kiến của trẻ một cách cẩn thận và tôn trọng. Bên cạnh đó, khi thấy cha mẹ kiểm soát được cảm xúc của mình trong những tình huống căng thẳng, trẻ sẽ học theo và dần hình thành thói quen tự điều chỉnh cảm xúc. Ảnh: Pexels. |
5. Tìm một giải pháp tích cực: Nhiều người thường khuyên cha mẹ xử lý một đứa trẻ tức giận, hung hăng bằng cách để chúng "khóc cho đến khi mệt". Điều đó là không nên. Việc để trẻ khóc cho đến khi mệt sẽ không dạy chúng một cách tích cực hơn để xử lý cảm xúc bản thân. Trên thực tế, trẻ em cần sự giúp đỡ để thoát khỏi cơn giận của mình. Cha mẹ nên xử trí một cách bình tĩnh và tìm ra giải pháp tích cực như đánh lạc hướng, đưa ra sự lựa chọn... để làm dịu tình hình. Ảnh: Pexels. |
6. Thiết lập giới hạn: Cha mẹ cần thiết lập những ranh giới rõ ràng và nhất quán. Đặt ra giới hạn giúp trẻ hiểu rõ những hành vi nào được chấp nhận và những hành vi nào không, từ đó giúp trẻ dần hình thành những thói quen tốt và kiểm soát cảm xúc hiệu quả hơn. Khi trẻ vi phạm giới hạn, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và nói chuyện với trẻ một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Tránh la mắng hoặc đánh đập trẻ. Ảnh: Shutterstock. |
7. Tìm một không gian yên tĩnh: Nếu bạn đang ở nơi công cộng, hãy cố gắng di chuyển ra xa. Hãy tập trung vào con và chính bạn, không phải sự phán xét của người khác. Sự chuyển đổi trọng tâm này giúp bạn giảm bớt áp lực từ những người xung quanh và có không gian riêng cho bạn và con. Càng ít sự ồn ào, bạn càng dễ giúp con tìm được bình tĩnh. Ảnh: Word From The Bird. |
8. Giúp trẻ tăng EQ: Trí tuệ cảm xúc (EQ) đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ quản lý cảm xúc, đặc biệt là cơn giận. Nếu EQ cao, trẻ dễ dàng nhận ra khi bản thân đang cảm thấy tức giận và hiểu được nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó. Thay vì để cơn giận kiểm soát, trẻ có thể tìm cách làm dịu bản thân, ví dụ như hít thở sâu, đếm ngược, hoặc tìm một nơi yên tĩnh. Ngoài ra, trẻ biết cách bày tỏ cảm xúc của mình một cách rõ ràng và phù hợp, tránh những xung đột không cần thiết. Ảnh: Word From The Bird. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.