1. Hướng dẫn con chú ý đến biểu cảm của người khác: Đây là bước đầu tiên để học cách hiểu quan điểm của người khác. Khi trẻ biết quan sát và hiểu được cảm xúc của người khác qua biểu cảm, trẻ sẽ dễ dàng đồng cảm với những người xung quanh. Điều này giúp trẻ trở nên bao dung, thấu hiểu và biết cách chia sẻ với người khác. |
2. Cho con cơ hội để rèn luyện: Giống như học tập, con bạn không thể tự nhiên thành người tốt nếu không trải qua quá trình rèn luyện. Trẻ cần được rèn luyện thói quen chăm sóc, quan tâm đến mọi người và thể hiện niềm tri ân đến những người đã vun đắp cho cuộc sống của chúng. Ví dụ, bạn có thể khuyến khích cho tặng đi món đồ chơi mà con không dùng, chăm sóc người thân khi họ bị ốm... |
3. Làm gương cho con: Trẻ học những giá trị đạo đức qua việc quan sát hành động của người lớn. Những gì cha mẹ nói và làm rất quan trọng. Hãy để con bắt gặp bạn đang hành động tử tế, chẳng hạn chở hàng xóm lớn tuổi đến cửa hàng hoặc nói một lời an ủi với bạn bè. |
4. Đối xử với con bạn bằng sự tôn trọng: Trẻ học được cách đối xử với người khác bằng sự tôn trọng từ chính cách cha mẹ đối xử với mình. Điều này giúp trẻ xây dựng những mối quan hệ xã hội lành mạnh và bền vững. Bạn hãy dành thời gian lắng nghe những gì con muốn nói, không ngắt lời và tôn trọng ý kiến hoặc lựa chọn (trong giới hạn) của con. |
5. Công nhận sự tử tế: Khi được khen ngợi, trẻ sẽ hiểu rằng hành động tử tế của mình được đánh giá cao và sẽ có xu hướng lặp lại những hành vi đó. Điều này giúp củng cố những hành vi tích cực và hình thành thói quen tốt đẹp. Và cha mẹ cũng đừng quên công nhận cả sự tử tế từ những người xung quanh, thay vì chỉ tập trung vào con mình. |
6. Lưu ý về những gì con được tiếp xúc: Cha mẹ hãy nhạy cảm với những gì trẻ được tiếp xúc. Trẻ em có khả năng bắt chước những hành động mà chúng nhìn thấy trong phim truyện, sách vở. Vì vậy, hãy lưu ý đến chương trình mà con bạn xem và sẵn sàng nói về những gì chúng nhìn thấy. Ngoài ra, khuyến khích đọc sách tập trung vào sự quan tâm cũng là cách để trẻ nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. |
7. Tránh thiết lập sự cạnh tranh trong gia đình: Nếu nói "Hãy xem ai có thể dọn dẹp nhanh nhất", bạn có nguy cơ thiết lập các con trở thành đối thủ của nhau. Khi trẻ được so sánh với nhau để cố gắng giành chiến thắng, chúng sẽ học được rằng người khác là những trở ngại cho thành công của chúng. Thay vào đó, bạn có thể khuyến khích chúng làm việc cùng nhau để hoàn thành công việc và khen ngợi chúng vì nỗ lực nhóm. |
8. Dạy con quản lý cảm xúc tiêu cực: Khả năng quan tâm đến người khác thường bị lấn át bởi những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, xấu hổ, ghen tỵ… Cha mẹ cần dạy các con rằng tất cả mọi cảm xúc đều không phải là xấu, nhưng cần có cách xử lý đúng. Khi không bị cuốn theo những cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ dễ dàng giao tiếp và hợp tác với người khác. Chúng sẽ biết cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với bạn bè, người thân. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.