Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai Cập mất điện kéo dài giữa mùa hè nóng bức

Tình trạng mất điện ngày càng kéo dài và thường xuyên hơn giữa mùa hè nắng nóng đỉnh điểm ở Ai Cập khiến nhiều người dân thất vọng và bất bình.

Tình trạng cắt điện gây ảnh hưởng lớn tới cư dân ở Ai Cập. Ảnh: Middle East Institute.

Ít nhất một lần mỗi ngày, những âm thanh đôi lúc ồn ào của những chiếc quạt, máy điều hòa không khí và tủ lạnh trên khắp Ai Cập đều im bặt. Đèn vụt tắt và một tiếng gắt gỏng văng vào bầu không khí đang nóng lên nhanh chóng.

Thang máy dừng lại, nhiều hoạt động tạm ngưng và các cuộc họp hoãn lại trong thời gian mất điện - hy vọng là một hoặc hai giờ, nhưng gần đây thậm chí còn lâu hơn.

Ai sẽ bồi thường cho người dân?

Đã một năm trôi qua kể từ khi các cuộc khủng hoảng năng lượng và ngoại tệ khiến chính phủ Ai Cập cắt điện theo kế hoạch được gọi là “giảm tải”.

Nhưng các biện pháp như vậy gây tác động không giống nhau trên toàn quốc.

Tại thành phố Aswan phía nam, nơi nhiệt độ lên tới gần 50 độ C trong bóng mát hồi đầu tháng này, “đèn tắt tới 4 giờ mỗi ngày và kéo theo đó là nước sử dụng cũng bị cắt”, Tarek, một cư dân ở thành phố này, nói với AFP.

“Đặc biệt là ở các làng, không có bất kỳ lịch trình cắt điện nào. Thức ăn trong tủ lạnh bị hư hỏng, nhiều người bị say nắng và dường như không ai quan tâm”, ông Tarek chia sẻ và yêu cầu không tiết lộ danh tính cụ thể.

Hồi tháng 6, nghị sĩ Aswan - bà Riham Abdelnaby - đã kêu gọi chính quyền duy trì nguồn điện cho khu vực miền Nam vì nền nhiệt quá cao.

Giữa ba đợt nắng nóng vào tháng 6, tình trạng mất điện ngày càng kéo dài và thường xuyên hơn - kéo theo đó là sự thất vọng trên toàn quốc.

“Điện không phải là một thứ xa xỉ, đây là quyền cơ bản nhất”, nhà báo nổi tiếng Lamis al-Hadidy viết hôm 24/6 trên trang mạng xã hội X.

“Cắt điện gây cúp nước, điện thoại hay Internet đều không hoạt động, các thiết bị điện bị phá hủy, ai sẽ bồi thường cho người dân tất cả những điều này?”.

Một thập kỷ trước, Ai Cập đã phải đối mặt với tình trạng cắt điện tương tự, khiến người dân bất bình và phản đối nhiệm kỳ tổng thống ngắn ngủi của cố lãnh đạo Mohamed Morsi.

Tình trạng mất điện hiện nay xảy ra trong bối cảnh người dân Ai Cập phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong cuộc đời, với lạm phát và sự mất giá của tiền tệ khiến các gia đình phải vật lộn để kiếm sống.

Kể từ năm 2022, đồng nội tệ của Ai Cập đã mất 2/3 giá trị và lạm phát năm ngoái đạt mức kỷ lục 40%.

Amr Adib, người dẫn chương trình talk show nổi tiếng Al-Hekaya, đã trực tiếp chất vấn các quan chức hôm 30/6, cho rằng giới chức trách “đã không sắp xếp lịch trình phù hợp và không tuân thủ số giờ cắt điện theo cam kết. Và tất cả những điều đó xảy ra, trong khi chúng tôi biết giá điện sắp tăng”.

Giá điện đã tăng lần gần nhất vào tháng 1 và chính phủ đã phát đi tín hiệu rằng họ đang tìm cách tăng giá trở lại trong năm nay.

Tuần qua, khi nhiệt độ ở Cairo dao động quanh mức 40 độ C, nhiều khu vực ở thủ đô đã phải chịu thêm tình trạng mất điện vào nửa đêm kéo dài tới hai giờ - bên cạnh tình trạng mất điện vào giữa trưa hiện tại.

"Tôi xin lỗi"

Hôm 25/6, khi sự phẫn nộ của công chúng lên đến đỉnh điểm, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã tổ chức một cuộc họp báo, trong đó ông “bày tỏ lời xin lỗi của chính phủ tới người dân” và xác nhận tình trạng mất điện 3 giờ/ngày dự kiến tiếp tục trong tuần.

Ông nói tình trạng mất điện gia tăng là do “mỏ khí đốt ở một quốc gia láng giềng” cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ai Cập “không hoạt động trong hơn 12 giờ”. Ông không nêu tên đất nước.

Thủ tướng cũng cho biết Ai Cập sẽ chi 1,2 tỷ USD trong tháng 7, tương đương 2,6% dự trữ ngoại hối của quốc gia đang bị khủng hoảng này, để củng cố nguồn cung cấp nhiên liệu.

“Chúng tôi sẽ có thể chấm dứt tình trạng mất điện hoàn toàn trong mùa hè vào tuần thứ ba của tháng 7”, ông Madbouly cho biết, đồng thời cho thấy rằng tình trạng mất điện sẽ tiếp tục vào mùa thu.

Nhà lãnh đạo cho hay chính phủ vẫn cam kết thực hiện kế hoạch chấm dứt hoàn toàn việc sa thải phụ tải vào cuối năm nay.

Sa thải phụ tải là quá trình cắt phụ tải điện ra khỏi hệ thống điện khi có sự cố hoặc không đảm bảo an ninh hệ thống điện, được thực hiện thông qua hệ thống tự động sa thải phụ tải hoặc lệnh điều độ.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Hạnh Di

Bạn có thể quan tâm