Một ngày sau chiến thắng lịch sử của vận động viên Hoàng Xuân Vinh tại Thế vận hội mùa hè 2016, cộng đồng mạng vẫn lan tỏa những bài báo và thông tin viết về anh.
Trên Facebook, nhiều người dùng mạng tâm sự, họ đã rơi nước mắt vì xúc động, tự hào khi quốc kỳ Việt Nam và bài Tiến quân ca vang lên tại thành phố Rio de Janeiro (Brasil) nhờ công của xạ thủ người Việt.
Chia sẻ ngay sau lúc nhận tấm huy chương vàng đầu tiên cho thể thao nước nhà tại các kỳ Olympic, vận đông viên 42 tuổi nói: "Bản lĩnh chỉ đến khi người ta được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt thực sự. Đó là những cuộc đấu trí, đấu sức, là trách nhiệm với quốc gia, với chính bản thân mình".
Huy chương vàng đến muộn
Hoàng Xuân Vinh sinh ra trong gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Hai người mẹ yêu thương lần lượt qua đời khi anh còn trẻ. Không những thế, nam vận động viên còn bị cận nặng và mang trong mình căn bệnh suy tim.
Có lẽ vì vậy, đến năm 24 tuổi, anh mới bắt đầu chuyển sang luyện tập thể thao chuyên nghiệp - thời điểm khá muộn so với những vận động viên khác. Trước khi đoạt huy chương vàng tại Thế vận hội mùa hè năm nay, Hoàng Xuân Vinh từng trải qua một kỳ Olympic không thành tích vào năm 2012.
Thể thao Việt Nam nghèo, các vận động viên, huấn luyện viên rất vất vả. Ngay cả khoảnh khắc Hoàng Xuân Vinh đoạt giải cao nhất, vẫn nhiều người thắc mắc, từ trước đến nay họ chưa từng nghe thấy môn thể thao này.
Hoàng Xuân Vinh trở thành vận động viên đầu tiên giúp quốc kỳ Việt Nam được kéo lên cao nhất trên bục nhận huy chương tại một kỳ thế vận hội. Ảnh: Getty Images.
|
Bộ môn bắn súng tại Việt Nam luôn được nhắc tới với "3 không" - không nhà tài trợ, không cơ sở vật chất, không đạn. Tập bằng lý thuyết suông, tập khan là cách thức rèn luyện duy nhất của phần lớn xạ thủ nước ta.
Đổi lại, những vận động viên như Hoàng Xuân Vinh phải cố gắng theo đuổi đam mê bằng sự kiên trì và nỗ lực hơn nhiều lần xạ thủ đến từ các quốc gia khác.
Đối với bộ môn bắn súng, có những bài luyện tập, vận động viên phải mặc mấy lớp áo mưa, buộc chân tay vào bệ bắn, nằm im bất động hàng tiếng đồng hồ. Khi kết thúc bài tập, nhiều lúc không thể đứng dậy vì chân tay tê liệt, mất cảm giác.
Riêng động tác ngắm bắn, các xạ thủ luyện bằng cách cầm viên gạch hướng thẳng tay ra trước hàng tiếng đồng hồ. Người thường vài phút đã mỏi, nhưng các xạ thủ phải luyện cả tiếng.
Hoàng Xuân Vinh kể, mỗi ngày anh tập 10-12 tiếng, trong đó dành 3 giờ đứng một chỗ, im lặng không nói gì để rèn sự tập trung. Mỗi buổi tập được phát 100 viên đạn, chỉ bằng 1/5 đối thủ. Anh chọn cách tập không đạn trong nhiều ngày chỉ để đổi lấy một ngày tập bắn theo chuẩn quốc tế.
Trước lúc sang Rio dự Olympic, nam vận động viên hoàn toàn không xem TV, không sử dụng các thiết bị điện tử, chỉ gọi điện một lần mỗi ngày cho người vợ ở nhà.
Huy chương vàng của người đàn ông ở tuổi 42 sau thời gian dài chờ đợi là kết quả xứng đáng cho nhứng năm tháng tôi luyện, đánh đổi bằng tuổi trẻ và sức lực bên bia ngắm và bệ bắn.
Quyết tâm và nỗ lực là cách duy nhất để thành công
Năm 2015, Phạm Hương trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Từ một cô gái có thân hình khá thô, gương mặt không có gì nổi bật trong các cuộc thi Vietnam’s Next Top Model, Thần tượng thời trang, Người mẫu ngôi sao tương lai hay Hoa hậu thể thao thế giới… đến hình ảnh hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thanh thoát, quý phái và tỏa sáng như ngày hôm nay, cô gái gốc Hải Phòng đã phải cố gắng nỗ lực hết sức để có được vẻ đẹp trọn vẹn.
Không chỉ vậy, so với những hoa hậu nổi tiếng nhiều năm gần đây như Kỳ Duyên (năm 2014) đăng quang năm 18 tuổi, Đăng Thu Thảo (năm 2012) đăng quang năm 21 tuổi, Ngọc Hân (năm 2010) 21 tuổi , Mai Phương Thúy (năm 2006) 20 tuổi, Phạm Hương lên ngôi khi đã chững chạc hơn, ở tuổi 24.
Thế nhưng, bằng sự tự tin, năng lượng toát ra qua từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, người đẹp sinh năm 1991 luôn chứng tỏ sức hút của mình và trở thành tâm điểm chú ý mỗi khi xuất hiện.
Phạm Hương mới đây lọt top 50 mỹ nhân đẹp nhất thế giới do The Richest bình chọn. “Thứ đẹp nhất mà bạn có thể diện lên người đó là sự tự tin. Tự tin cũng là một loại tài năng. 20% là bẩm sinh, còn 80% là cả quá trình tự rèn luyện, nỗ lực”, cô cho hay.
Nỗ lực và cố gắng, Hoàng Xuân Vinh đã lập kỳ tích cho thể thao Việt Nam tại Thế vận hội. Ảnh: Getty Images. |
Huyền Chíp (Nguyễn Thị Khánh Huyền) - tác giả cuốn Xách ba lô lên và đi -chỉ tốt nghiệp cấp 3 trước khi dành nhiều năm để đi, viết và trải nghiệm. Đến giữa năm 2014, cô gái sinh năm 1989 quyết định vào ĐH Stanford - một trong những ssại học hàng đầu thế giới - dù đã khá muộn so với bạn bè đồng trang lứa.
Sau hai cuốn sách với nhiều ồn ào và áp lực, Huyền vẫn vững vàng và mạnh mẽ.
Cô thẳng thắn: "Ngày đó, tôi cũng từng stress, thất vọng, buồn bã. Thế nhưng, nhiệm vụ giờ đây của tôi chỉ là cố gắng, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa vì những dự định đã đặt ra".
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua, Nguyễn Thị Kim Ngân - cô gái rửa bát thuê sinh năm 1997, quê Lạng Sơn - trở thành thủ khoa khối C với bảng điểm đáng ngưỡng mộ: Văn: 9,25; Sử: 9,5 và Địa 9,75. Ít ai biết, kỳ thi tuyển sinh năm trước, Ngân không đủ điểm vào Học viên An ninh Nhân dân theo ngành Trinh sát cô mơ ước.
Trong một năm sau đó, nửa ngày cô làm công việc bưng bê, lau dọn và rửa bát ở nhà hàng, nửa ngày dành cho việc học. Hai cánh tay mỏi nhừ, những đầu ngón tay bị nước rửa bát ăn mòn, nứt nẻ, nhiều lúc bật cả máu. Áp lực tiền bạc, công việc, thời gian, căn bệnh tụt huyết áp của mẹ là những khó khăn Ngân gặp phải trong lần "vượt vũ môn" thứ hai.
9X biết điểm thi của mình cũng trong lúc đang rửa bát ở quán ăn. "Em thấy mình không thông minh nên phải dùng sự chăm chỉ, nỗ lực và cố gắng để bù đắp. Mỗi ngày, em học một ít, học hiểu để kiến thức đến với mình thật tự nhiên", cô tâm sự.
"Ai cũng có một thời trẻ dại, lửa thử vàng gian nan đo sức mạnh"
Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Obama có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong những ngày ở Hà Nội và TP HCM, ông chủ Nhà Trắng dành nhiều thời gian trò chuyện với người trẻ.
Thoải mái chia sẻ rằng mình từng có thời ham chơi, bất cần, quan tâm đến thể thao và các cô gái hơn học tập, nổi loạn vì thiếu vắng cha, người đứng đầu nước Mỹ khẳng định, giới trẻ luôn có những năm tháng chông chênh, lạc lối, không phải ai cũng tìm ra mục đích sống và đam mê khi tuổi đời còn quá ít.
Tổng thống Obama khẳng định, đừng vì những tấm gương thành công khi còn trẻ mà sợ hãi, nghĩ rằng ta đã quá tuổi để thành công. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Như cố nhạc sĩ Trần Lập từng viết: "Ai cũng có một thời trẻ dại, lửa thử vàng gian nan đo sức mạnh, nơi kia chân trời sáng", vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ muốn người trẻ tìm ra niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi ước mơ.
Một nhà kinh doanh nổi tiếng từng nói: “Sự hồ hởi tiến lên, sự cần cù miệt mài của một người là điều kiện cần để có được thành tựu kiệt xuất. Chính đôi bàn tay cần cù và trí óc đã khiến con người giàu có lên”.
Chẳng có cơ hội nào được trao cho người lười biếng. Chẳng có thành công nào được xây dựng từ những năm tháng dài không ước mơ hay phấn đấu và cố gắng.
Những tấm gương của vận động viên Hoàng Xuân Vinh, hoa hậu Phạm Hương, tác giả Huyền Chíp, nữ thủ khoa Kim Ngân... đã chứng minh, bất kỳ thành quả nào người trẻ theo đuổi cũng đều đạt được nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực, chịu khó không ngừng.
"Các bạn đừng lo lắng về việc sẽ trở thành ai, mà hãy nghĩ về những điều bạn sẽ làm. Khi suy nghĩ về vấn đề kia, bạn sẽ bỏ qua những việc cần làm trước mắt", tổng thống Mỹ từng đưa lời khuyên.
Hãy nỗ lực hành động, gắng hết sức để biến điều gì đó thành hiện thực. Toàn tâm toàn ý đầu tư vào điều ta mong muốn để nó có thể xảy ra. Sẵn sàng tìm đường đi, sẵn lòng tập trung thời gian và công sức nhằm tạo ra hiện thực như ý muốn.