Khách du lịch gen Z ứng dụng AI để lên kế hoạch cho những chuyến du lịch, tìm kiếm điểm đến nổi bật. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM (ITE HCMC 2024) là một trong những hội chợ du lịch thường niên có tầm ảnh hưởng nhất khu vực châu Á. Năm nay, Hội chợ thu hút gần 480 đơn vị, trong đó, gian hàng trong nước chiếm 77%, gian hàng nước ngoài chiếm 23%.
Sự kiện diễn ra trong 3 ngày, 5-7/9, với chủ đề "Du lịch bền vững – Kiến tạo tương lai", dự kiến đón tiếp 700 nhà lãnh đạo thuộc các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong ngành du lịch đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại buổi lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UNBD TP.HCM, nhấn mạnh xu hướng du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa là yêu cầu tất yếu để ngành du lịch có thể phát triển bền vững.
Hai năm sau Covid-19, ngành du lịch toàn cầu đã gần như phục hồi với tổng lượng khách quốc tế trong quý I đạt 97% mức trước đại dịch. Cùng với sự phục hồi về số lượng khách, các xu hướng du lịch cũng đã có nhiều thay đổi khi ngày càng nhiều người quan tâm đến những chuyến du lịch bền vững, ứng dụng công nghệ AI để lên kế hoạch cho các chuyến đi.
Hòa cùng xu thế phát triển chung, Hội chợ ITE HCMC 2024 đã triển khai nhiều hoạt động, các hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch bền vững nhằm đưa ra các giải pháp, chính sách, tạo động lực phát triển du lịch bền vững.
Khách du lịch "săn" ảnh tại TP.HCM dịp 2/9. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trong khuôn khổ hội chợ, hội thảo "Ứng dụng AI trong truyền thông quốc tế và du lịch bền vững" đã được tổ chức.
Gen Z và công nghệ AI được nhận định là làn sóng thứ 3 thay đổi ngành du lịch khi giờ đây du khách dễ dàng lên kế hoạch cho chuyến đi chỉ trong vài phút với đầy đủ những gợi ý và đánh giá chi tiết.
Bên cạnh đó AI và chuyển đổi sổ cũng giúp du khách không cần in ấn các giấy tờ, vé cứng khi đi du lịch, giúp giảm thiểu tác động lên môi trường. Công cụ này mang đến cho khách những giá tốt nhất trong khoảng thời gian nhanh nhất cũng như mang đến những gợi ý quản trị ruổi ro trước tình hình thực tế.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings: "Với sự phát triển với tốc độ chóng mặt, AI sẽ khiến những đơn vị tư vấn du lịch dần dần biến mất. Các công ty du lịch chỉ có thể bán những tour đường dài đến các địa điểm cần chuẩn bị visa phức tạp".
Đồng tình với quan điểm trên, ông Mic Nguyễn, Nhà sáng lập kiêm CEO của ứng dụng Huuk, cho biết từ khi Chat GPT ra đời, lượng tìm kiếm trên các Online Travel Agent (OTA) truyền thống đã sụt giảm rõ rệt. "Đó là cơ hội của chúng tôi. Tuy nhiên các công ty du lịch nếu không có sự thích nghi nhanh chóng với công nghệ, với AI thì sẽ sớm bị đào thải".
Tại Diễn đàn cấp cao "Chuyển đổi xanh, du lịch NET ZERO - Kiến tạo tương lai", các biện pháp tăng cường chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển NET ZERO cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã được đề xuất.
Là "đầu tàu" du lịch của cả nước, TP.HCM đã gắn kết 3 ngành giao thông - năng lượng - tiêu dùng với ngành du lịch để giảm thiểu cacbon. Cụ thể, thành phố tập chung chuyển đổi 100% xe buýt thành xe buýt sạch, chuyển đổi shipper sang xe điện, chuyển đổi hành vi của khách du lịch sang sử dụng xe điện, xe đạp hoặc đi bộ, phát triển các năng lượng tái tạo và thúc đẩy tiêu dùng xanh.
Là đầu cầu du lịch của cả nước, TP.HCM nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch xanh, hướng đến NET ZERO. Ảnh: Duy Hiệu. |
Để chuyển sang du lịch xanh, du lịch bền vững cần lộ trình dài hơi từ 10-20 năm, trải qua các cột mốc (1) Nâng cao nhận thức, (2) Áp lực thay đổi, (3) Các lựa chọn kỹ thuật, (4) Các quyết định chính sách, (5) Thay đổi hành vi, (6) Các kết quả phát triển bền vững đạt được. Hiện tại đã có khu đảo Thiềng Liềng sử dụng plastic free, huyện đảo Cần Giờ là nơi thí điểm Net Zero của thành phố..
Tại hội thảo "Trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững", các chuyên gia chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch và hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Bà Nobuko Otsuki, Trưởng Đại diện Tổ chức Cứu trợ/Phát triển Quốc tế (FIDR) tại Việt Nam cho biết các địa điểm du lịch dựa vào cộng đồng được xây dựng nhằm mục đích tận dụng những nguồn lực sẵn có, tạo sự gắn kết cộng đồng, đồng thời phát triển kinh tế, bà ví quá trình này như hành trình săn tìm kho báu.
Theo bà, để phát triển du lịch bền vững phải tối ưu hóa được những điểm mạnh, hỗ trợ lẫn nhau vì sự đa dạng và thiết kế cộng đồng hướng đến tương lai thông qua việc gìn giữ, bảo tồn,... Hành trình này cần nhiều sự kiên nhẫn và đồng hành của nhiều tổ chức cùng chung tay.
Trong khi đó tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường. Mạng lưới cung ứng phải chắc thì từ đó kinh tế và sinh kế du lịch sẽ đóng góp trực tiếp vào đời sống hàng ngày của người dân, tạo nên sự tin tưởng giúp họ ngày càng hoàn thiện sản phẩm, cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, ông cho rằng du lịch cộng đồng không chỉ tạo động lực xây dựng nông thôn mới, đó còn là thử thách để cộng đồng gìn giữ những bản sắc văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, các dịch vụ đi kèm còn đơn điệu, các mô hình du lịch cộng đồng còn thiếu những sản phẩm du lịch đêm, chưa đủ sức giữ chân du khách, đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý, các công ty lữ hành và người dân cùng thực hiện.
Hội chợ quy tụ nhiều gian hàng với đa dạng trải nghiệm và các tour ưu đãi phục vụ khách tham quan. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Ngoài ra, tại Hội chợ ITE HCMC 2024 còn diễn ra một số hội thảo chuyên sâu khác như:
- Hội thảo "Cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành du lịch Net Zero" do Tạp chí Du lịch TP.HCM phối hợp thực hiện.
- Hội thảo "Định hướng thúc đẩy phát triển du lịch bền vững qua ESG" do Công ty Oxalis Adventure, Tạp chí Tri thức Znews.vn và Báo điện tử VnExpress phối hợp thực hiện.
- Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy du lịch trách nhiệm gắn với bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã và nói không với ngà voi" do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp thực hiện.
- Hội thảo "Sức mạnh của truyền thông trong xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững" do Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam - VNPR phối hợp thực hiện.
- Hội thảo "Dịch vụ thân thiện Halal - Điểm chạm của du khách Halal toàn cầu" do Công ty HALAL Quốc gia Việt Nam phối hợp thực hiện.
- Hội thảo "Khám phá du lịch Ấn Độ: Kết nối ẩm thực và văn hóa" do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ thực hiện.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.