Nhiều người cảm thấy mình chú ý tốt nhất khi có âm thanh nền. Bạn có phải là một trong số họ?
Thế giới có hai kiểu người: Người xem âm nhạc như một công cụ hữu ích để tăng năng suất, và người cảm thấy bị làm phiền, khó tập trung khi có tiếng ồn xung quanh.
Theo Healthline, không thể phủ nhận âm nhạc mang đến nhiều lợi ích cụ thể, như:
- Thay đổi và khiến tâm trạng trở nên tốt hơn.
- Cải thiện trí nhớ và kích thích não sáng tạo.
- Kiểm soát cơn đau, giảm mệt mỏi.
Tuy nhiên, với bối cảnh làm việc hay học tập thì khác. Vì mỗi người có phản ứng khác nhau với đa dạng âm thanh, nên không phải ai cũng có thể vừa giải quyết task, vừa nghe nhạc.
Bài viết sau sẽ chỉ ra những ưu, nhược điểm của việc nghe nhạc khi cần tập trung, bên cạnh một số mẹo giúp bạn lập danh sách nhạc hiệu quả.
Lợi ích của âm nhạc
Âm nhạc chủ yếu tác động gián tiếp đến tâm lý và não bộ. Sau đây là một số thay đổi tích cực có thể thấy ngay khi bạn nghe bài hát yêu thích, theo Verywell Mind.
Truyền cảm hứng
Một nghiên cứu năm 2019 của PNAS đã chỉ ra rằng âm nhạc có khả năng kích hoạt vùng tạo ra cảm giác tưởng thưởng của não. Điều này gần giống với lúc bạn được tự do làm điều mình muốn.
Giả sử, bạn nói với bản thân rằng mình có thể xem series phim mới sau khi hoàn thành deadline, từ đó làm việc chăm chỉ hơn để nhanh kết thúc. Khi nghe nhạc, động lực cũng được sinh ra theo cách tương tự.
Nếu bạn thuộc tuýp người làm việc tốt trong tĩnh lặng, thì việc nghe một bài hát trong 5-10 phút nghỉ ngơi cũng mang đến hiệu quả như trên.
Cải thiện tâm trạng
Với người thường xuyên căng thẳng, âm nhạc có thể là "liều thuốc" giúp giảm stress, hướng bạn đến góc nhìn tích cực. Và một người có tâm trạng vui vẻ, thoải mái thường đem đến kết quả tốt hơn trong mọi việc họ làm, báo cáo của Frontiers in Psychology.
Do đó, mỗi khi cảm thấy bản thân quá tải hoặc rơi vào tình trạng kiệt sức, bạn có thể thử nghe nhạc và tìm cách làm dịu cảm xúc tiêu cực trước khi tiếp tục.
Tăng mức độ tập trung
Bộ não của chúng ta xử lý lượng thông tin dồi dào mà nó nhận được bằng cách tách chúng thành các đoạn nhỏ. Trong nghiên cứu của mình, Stanford University School of Medicine đã chứng minh âm nhạc, cụ thể là nhạc cổ điển, giúp não bộ tiếp thu từng sự kiện tốt hơn.
Bạn có thể áp dụng phát hiện này trong khoảng thời gian đọc sách hay làm việc sâu. Nhờ nghe nhạc, quá trình "tiêu hóa" kiến thức mới có thể dễ dàng hơn ít nhiều.
Ngoài ra, vì âm nhạc kích thích não bộ như cách việc tập thể dục kích thích các cơ, nên bạn có thể huấn luyện bộ não ghi nhớ bằng một vài thể loại nhạc nhất định. Baroque là một trong số đó.
Ảnh hưởng không tốt
Tuy nhiên, như đã đề cập, không ít người lại cần sự yên tĩnh tuyệt đối khi làm việc. Với họ, âm nhạc có thể là một sự phiền toái vì:
- Làm phân tâm
- Ảnh hưởng trí nhớ ngắn hạn (khả năng lưu trữ, xử lý thông tin nhanh trong ngày)
Một số loại nhạc có lời, nhạc có tempo nhanh hoặc âm thanh lớn có thể khiến bạn giảm khả năng đọc hiểu ở thời điểm nhất định, Healthline cảnh báo.
Làm sao để chọn nhạc hiệu quả khi làm việc?
Vậy, việc mở nhạc khi làm việc có ích hay không tùy thuộc vào sở thích và đặc điểm của mỗi người. Để duy trì thói quen của mình và hạn chế tác động xấu, bạn nên chuẩn bị một danh sách riêng chỉ dành cho công việc. Lưu ý:
- Hạn chế nghe nhạc có lời, đặc biệt là những ngôn ngữ bạn biết.
- Chọn nhạc chậm. Nhạc cổ điển là lựa chọn tốt nhất khi làm việc, nhưng nếu không thích dòng nhạc này, thì bạn có thể mở nhạc tiết tấu vừa phải, êm dịu - loại bạn hay nghe trong spa.
- Tránh những bài hát có cấu trúc phức tạp vì chúng khiến bạn phân tâm.
- Mở âm lượng nhỏ, cố gắng giữ nhạc như một âm thanh nền.
- Nghe những bài hát cho bạn cảm giác trung tính, không yêu, không ghét.
- Sử dụng nền tảng nghe nhạc ít/không có quảng cáo. Những tiếng động bất ngờ có thể làm lệch hướng suy nghĩ.