Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ăn gì mau lành vết thương?

Phục hồi vết thương có 4 giai đoạn và nhiều yếu tố như bệnh lý, tình trạng cơ thể, có thể làm gián đoạn quá trình này, khiến vết thương lâu lành.

Phục hồi vết thương là quá trình sinh học bình thường của cơ thể. Ảnh: Builtinsport.

Phục hồi vết thương là quá trình sinh học bình thường của cơ thể. Quá trình này nhìn có vẻ đơn giản nhưng rất chính xác và phức tạp ở mức độ tế bào và các mô liên quan. Bốn giai đoạn trong quá trình phục hồi vết thương: Ngưng chảy máu (đông-cầm máu), viêm sưng, tăng sinh tế bào và tái tạo. Bốn giai đoạn này xảy ra chính xác, có phần đan xen với nhau nhưng liền mạch. Bất kỳ rối loạn nào trong 4 bước này sẽ dẫn đến chậm phục hồi vết thương

Giai đoạn ngưng chảy máu hay còn gọi cầm máu, là quá trình biến đổi máu chảy thành ngưng tụ lại dưới dạng cục máu đông để ngăn ngừa mất máu và tạo ra rào chắn bảo vệ mô trước sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài. Giai đoạn này xảy ra vài giờ cho đến vài ngày sau khi da hay cơ quan nội tạng bị thương (hay bị cắt). Các tế bào tham gia là tiểu cầu, hồng cầu bạch cầu trung tính.

Nếu máu không cầm được, vết thương sẽ không lành. Các bệnh liên quan đến mạch máu hay dây thần kinh như tiểu đường hay cao huyết áp có thể ảnh hưởng đến giai đoạn này.

Viêm là giai đoạn tiếp theo sau khi máu được đông lại. Viêm là phản ứng tự vệ của hệ miễn dịch, thường xảy ra khi vùng mô hay tế bào bị tổn thương. Đây là giai đoạn "dọn dẹp" khi các tế bào "làm sạch" trong hệ miễn dịch như đại thực bào hay tế bào diệt vi khuẩn sẽ diệt mô hoại tử, diệt vi khuẩn và vật lạ nhằm làm sạch vết thương. Giai đoạn này kéo dài từ 3-5 ngày hoặc lâu hơn nếu vùng mô bị tái nhiễm trùng hay hệ miễn dịch yếu không đủ sức diệt vi khuẩn.

Đây cũng là lý do người người lớn tuổi hay người có bệnh mạn tính thường mất nhiều thời gian để phục hồi vết thương so với người trẻ do không "dọn dẹp" vết thương nhanh. Các bệnh mạn tính hay thuốc ức chế hệ miễn dịch cũng ảnh hưởng đến quá trình này. Viêm là giai đoạn không nên kéo dài quá lâu vì càng lâu thì chính các tế bào miễn dịch tấn công các mô lành và tế bào khác.

Tăng sinh là giai đoạn chuyển tiếp từ viêm sưng nhằm tái cấu trúc và phục hồi các tổn thương. Giai đoạn này kéo dài từ một đến vài tuần, có thể lâu hơn tùy vào tình trạng cơ thể. Các tế bào nguyên bào sợi sẽ hình thành mô liên kết mới bằng tạo ra sợi collagen và các chất mô liên kết để làm đầy vết thương. Các mạch máu mới cũng được tái tạo và da non sẽ sản sinh. Đây là giai đoạn cơ thể cần dinh dưỡng để bắt đầu tạo mô mới. Thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng sẽ làm chậm, thậm chí làm hư mô mới.

Giai đoạn tái tạo liên tục sau khi giai đoạn tăng sinh dần dần chậm lại. Ở giai đoạn này, vùng da và mô tổn thương tiếp tục được hoàn thiện thêm, các mạch máu được phục hồi và lớp biểu mô mới trên da sẽ hình thành. Quy trình này thường kéo dài từ vài tháng đến một năm sau khi có vết thương. Ở giai đoạn này, chăm sóc da bên ngoài và giữ ẩm làn da giúp vết thương tiếp tục mau lành. Lưu ý là da không bao giờ đạt được độ chắc như trước khi tổn thương.

lanh vet thuong anh 1

Bốn giai đoạn trong quá trình phục hồi vết thương: Ngưng chảy máu (đông-cầm máu), viêm sưng, tăng sinh tế bào và tái tạo. Ảnh: Energetikas.

Các yếu tố ảnh hưởng đến phục hồi vết thương

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phục hồi vết thương. Tùy vào tình trạng của cơ thể mà các yếu tố này ảnh hưởng nhiều hay ít. Kiểm soát và hạn chế các yếu tố này sẽ giúp vết thương mau lành.

- Bệnh mạch máu như cao huyết áp hay xơ hóa tĩnh mạch khiến máu thiếu oxygen dẫn đến quá trình hồi phục chậm hơn. Chữa các bệnh mạn tính hay dùng oxygen liều cao (hyperbaric oxygen) là cách để chữa vết thương mạn tính.

- Nhiễm trùng làm chậm quá trình lành vết thương. Vì vậy, bệnh nhân cần phải biết chắc vết thương đã hoàn toàn vô trùng thì quá trình phục hồi mới bắt đầu.

- Stress làm chậm quá trình lành vết thương.

- Tiểu đường làm tổn thương mạch máu, làm chậm phục hồi vết thương.

- Béo phì, uống rượu, hút thuốc, làm chậm phục hồi vết thương.

- Suy dinh dưỡng làm chậm phục hồi vết thương.

Các dinh dưỡng cần thiết để vết thương phục hồi

Nhìn chung, chế độ ăn uống cân bằng có nhiều protein, xơ và rau củ quả, trái cây, vừa phải chất béo và tinh bột sẽ giúp vết thương phục hồi nhanh chóng.

Carbohydrate (tinh bột), protein và amino acid là những thành phần quan trọng để giúp vết thương mau phục hồi. Vết thương cần năng lượng để cung cấp cho quá trình tạo mạch máu mới, tạo ra các tế bào mới và tổng hợp ra protein. Protein là thành phần quan trọng nhất trong quá trình hồi phục vết thương.

lanh vet thuong anh 2

PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần.

Thiếu protein có thể làm giảm quá trình tạo mạch, giảm quá trình tạo mô. Chúng cũng kết nối tế bào nguyên sợi tạo ra collagen và tăng sinh phục hồi biểu mô. Lưu ý, quá nhiều tinh bột có thể làm tổn thương quá trình phục hồi vết thương.

Vitamin A, E, C là các chất kháng viêm và kháng oxy hóa, giúp vết thương mau lành. Thiếu các vitamin này có thể làm chậm quá trình hồi phục vết thương. Vitamin C làm tăng quá trình tạo collagen và tăng sinh tế bào nguyên sợi, giúp mạch máu tăng độ co giãn. Vitamin E làm cân bằng ổn định màng tế bào, giúp quá trình phục hồi vết thương nhanh chóng. Cách tốt nhất để lấy các vitamin này là từ thiên nhiên trái cây nhiều màu sắc có như vitamin A, C hay vitamin E.

Uống đầy đủ nước để giữ ẩm cho cơ thể và giúp vết thương hồi phục nhanh hơn.

Các thức ăn cần tránh để vết thương mau phục hồi

Các thức ăn nhiều mỡ, đường, muối, thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm kích thích viêm sưng có thể làm chậm lại quá trình phục hồi vết thương. Loại thức ăn khác hạn chế ăn nhiều là thịt đỏ.

Bệnh nhân sau khi mổ cần có chế độ ăn uống cần bằng. Bạn có thể ăn mỗi thứ một ít, ăn chậm nhai kỹ. Người bệnh không nên quá chú trọng vào một loại thức ăn vì ăn chỉ một loại thức ăn quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc.

Nhiều người cho rằng nên tránh ăn đồ biển vì làm chậm vết thương. Đây là tin đồn không có bằng chức khoa học.

Bài viết do PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần, Bệnh viện Methodist Hospital, giảng dạy tại Đại học Y khoa California Northstate, Mỹ, cung cấp thông tin.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Những thói quen không giúp ích gì cho não của bạn

Đầu óc nhanh nhẹn giúp chúng ta cảm thấy trẻ trung và hạnh phúc hơn - nhưng tất cả điều này phụ thuộc vào việc bạn chăm sóc bản thân và quản lý sức khỏe của mình như thế nào.

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần

Bạn có thể quan tâm