Ăn gỏi cá, cá nấu chưa chín tiềm ẩn nguy cơ về các loại giun sán lẫn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa. |
Sán lá gan nhỏ trưởng thành ký sinh ở đường mật đẻ trứng, trứng theo mật xuống ruột rồi theo phân ra ngoài. Trứng được rơi vào môi trường nước. Ấu trùng đuôi xâm nhập vào cá nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ký sinh ở trong thịt của cá.
Nguồn lây nhiễm sán lá gan nhỏ
Khi người hoặc động vật ăn phải cá có ấu trùng nang chưa được nấu chín thì ấu trùng này sẽ vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật.
Thời gian ủ bệnh của sán lá gan nhỏ không rõ ràng và phụ thuộc vào cường độ nhiễm sán, thường nhiễm trên 100 sán thì triệu chứng mới rõ rệt.
Sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước phát triển theo chu kỳ khép kín rồi lây truyền qua đường ăn cá sống có nang trùng.
Người bị nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán. |
Biểu hiện khi bị nhiễm sán lá gan nhỏ
Triệu chứng nhiễm sán lá gan nhỏ thường thấy là biểu hiện đau tức vùng gan. Người bệnh có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (kém ăn, bụng ậm ạch khó tiêu); đôi khi có biểu hiện sạm da, vàng da và dấu hiệu gan to hay xơ gan tùy theo mức độ của bệnh. Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà nhiễm sán lá gan nhỏ có các biểu hiện sau.
Nhiễm sán lá gan ở thể nhẹ: Giai đoạn đầu đa số không có triệu chứng điển hình, đôi khi có rối loạn tiêu hoá.
Thể trung bình tương ứng giai đoạn toàn phát:
- Người bệnh xuất hiện các triệu chứng sau: Toàn thân mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, giảm cân.
- Đau bụng thường đau ở vùng thượng vị, hạ sườn phải hoặc cả hai, đau tăng lên khi lao động nặng, đi lại, có thể có cơn đau kèm theo tiêu chảy.
- Rối loạn tiêu hóa phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch.
- Vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp có sạm da. Khám gan to dưới bờ sườn, ấn mềm, lúc này có thể có biểu hiện đau túi mật
Nhiễm sán thể nặng: Bệnh nhân sẽ ăn kém, gầy yếu, sụt cân, giảm sức lao động.
Phần lớn người bị bệnh sán lá gan có xơ gan ở nhiều mức độ khác nhau, do sán kích thích tăng sinh tố chức xơ lan tỏa, có thể bị tắc. Những trường hợp không điều trị có thể dẫn đến xơ gan cổ trướng và bệnh có liên quan đến ung thư đường mật.
Để xác định sán lá gan thì các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để tìm thấy trứng sán trong phân hoặc dịch tá tràng.
Siêu âm gan có hình ảnh gan tăng sáng, ống mật có thể bị giãn, thành ống mật và thành túi mật dày. Các xét nghiệm khác còn giúp phân biệt với một số bệnh tương tự như: Viêm gan siêu vi, áp xe gan do các loại ký sinh trùng khác (amíp, giun đũa, toxocara...) hoặc do vi khuẩn (áp xe đường mật), ung thư gan (u gan), cơn đau dạ dày...
Tóm lại: Bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan, gây nên tổn thương đường mật, túi mật và các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm.
Người nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động như gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói...
Để phòng ngừa bệnh sán lá gan nhỏ, chúng ta không ăn gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức, không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống.
Cần ăn chín, uống chín, không dùng phân người để nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan nhỏ tại vùng có dịch.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.