Nhà thiết kế Julia Cooper (Manchester, Anh) bắt đầu chiến dịch vận động chính phủ cấm việc chụp ảnh phụ nữ đang cho con bú tại nơi công cộng sau trải nghiệm của chính cô tại công viên địa phương vào tháng 4 năm ngoái.
“Tôi ngồi xuống ghế để cho con gái bú sữa và nhận thấy một người đàn ông trên băng ghế khác đang nhìn chằm chằm vào mình. Tôi tỏ thái độ khó chịu nhưng anh ta thậm chí lôi máy ảnh ra, gắn thêm một ống kính để zoom và bắt đầu chụp ảnh hai mẹ con tôi”, cô kể lại.
Các bà mẹ tại Anh cảm thấy bị quấy rối khi người lạ được phép chụp ảnh họ đang cho con bú ngoài nơi công cộng. Ảnh: Insider. |
Cảm thấy bị sốc và xâm phạm quyền riêng tư, Cooper báo cáo vụ việc cho cảnh sát. Song, lực lượng chức năng thông báo hành vi của người đàn ông không có dấu hiệu vi phạm và họ không thể làm gì hơn.
“Tôi thấy kết luận đó thật sai lầm, khi tôi rõ ràng bị quấy rối nhưng cảnh sát không thể làm gì để giúp đỡ. Tôi tức giận vì một người đàn ông lạ mặt lại có quyền chụp lại việc riêng tư của tôi”, cô nói thêm.
Nữ nhiếp ảnh gia sau đó đã liên hệ với Jeff Smith - một nghị sĩ tại địa phương và Stella Creasy - người cũng từng trải qua chuyện bị một thiếu niên chụp ảnh lén khi cô cho con bú sữa trên tàu điện ngầm.
Creasy gọi đó là một “trải nghiệm kinh khủng” và khiến cô cảm thấy sợ hãi.
Vào tháng 6, cả hai bà mẹ tiến hành vận động, kêu gọi sửa đổi luật. Hành động được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Victoria Atkins ủng hộ.
Nữ nghị sĩ Stella Creasy cũng từng trải qua chuyện bị chụp lén khi đang cho con bú trên tàu điện ngầm. Ảnh: BBC. |
Bà gọi việc chụp những bức ảnh như vậy là “kinh tởm, không thể chấp nhận” nhưng cho biết thêm tại thời điểm đó, chính phủ đang chờ xem xét từ Ủy ban Luật pháp để bàn về cách hành động tốt nhất.
Đến tuần này, Bộ trưởng Lord Wolfson đưa ra bản sửa đổi đối với dự luật. Hành vi phạm tội được xác định là "ghi lại hình ảnh phụ nữ cho con bú mà không có sự đồng ý từ người mẹ". Thủ phạm sẽ bị kết tội nếu đủ bằng chứng chứng minh hành vi có mục đích "làm nhục, quấy rối nạn nhân hoặc để thỏa mãn nhu cầu tình dục".
Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab cho biết động thái này sẽ giúp ngăn phụ nữ bị "quấy rầy, cho dù đó là hành vi để tự thỏa mãn hay vì mục đích quấy rối".
Các nhà vận động hoan nghênh quyết định này, gọi đây là "chiến thắng của các bà mẹ". "Nó mang đến sự yên tâm rằng chúng tôi có thể cho con bú ở ngoài đường mà không có người lạ tự do chụp ảnh, quay phim tùy thích", Cooper bày tỏ.
Luật mới được coi là sẽ bảo vệ các bà mẹ khỏi các vụ quấy rối, làm phiền. Ảnh: BBC. |
"Dự luật được thông qua cho thấy luật pháp cần theo kịp thời đại, với việc ai cũng có điện thoại và có thể chụp ảnh, chia sẻ chúng dễ dàng", Creasy nói thêm về tầm quan trọng của việc có thêm các nữ nghị sĩ đã làm mẹ ở trong Quốc hội Anh để đảm bảo họ được lắng nghe những vấn đề gặp phải.
Ngoài ra, một sửa đổi khác cũng được thực hiện, kéo dài thời gian trình báo tội phạm của các vụ tấn công tại Anh và xứ Wales. Theo luật cũ, nạn nhân có 6 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc để báo cáo, trình diện với cảnh sát.
Nếu quá thời hạn, vụ án sẽ bị hủy bỏ. Tháng 10 năm ngoái, BBC thống kê có 13.000 vụ việc đã bị bãi bỏ trong 5 năm vì quá hạn.
Theo sửa đổi mới, thời gian sẽ kéo dài thành 2 năm, kể từ ngày phạm tội đến khi bị khởi tố. "Nếu là nạn nhân của bạo lực gia đình, họ cần có thời gian hồi phục thể chất, tinh thần và sau đó là gom đủ can đảm để tố cáo", Bộ trưởng Raab cho hay.
Ông Raab thừa nhận việc xử lý thành công các vụ bạo hành gia đình là "thách thức lớn", nhưng cho biết chính phủ đã có những "biện pháp mạnh mẽ" để hỗ trợ những nạn nhân nữ giới.