Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Ba mối lo trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 thần tốc của TP.HCM

Sau một tuần triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, TP.HCM đạt được những thành tựu ấn tượng. Tuy nhiên, thành phố vẫn phải đối mặt nhiều bất cập.

Tiem vaccine Covid-19 tai TP.HCM anh 1

Sáng 19/6, TP.HCM khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại một công ty ở Khu Công nghệ cao, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức. Đây cũng là ngày đầu tiên mở màn cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 thần tốc trong một tuần của thành phố.

Sau 7 ngày triển khai, TP.HCM đạt được những con số ấn tượng. Dù vậy, các mối nguy vẫn còn thường trực và giờ đây, ngành y tế cần phải giải quyết triệt để vấn đề quan trọng không kém.

Tiem vaccine Covid-19 tai TP.HCM anh 2

Đồ họa: Như Ý - Phương Mai.

Nguy cơ rình rập từ 3 mối lo còn tồn tại

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành y tế TP.HCM trong chiến dịch tiêm chủng thần tốc. Tuy nhiên, để chiến dịch tiêm chủng thành công, 3 vấn đề còn tồn tại mà lãnh đạo thành phố phải giải quyết dứt điểm và càng sớm càng tốt.

Thứ nhất, tốc độ tiêm chủng vẫn chậm hơn dự kiến. Theo báo cáo nhanh kết quả tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hàng ngày của Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), TP.HCM mới triển khai tiêm được hơn 50.000 liều (khoảng 69% số vaccine được phân bổ đợt 3 và 6% số vaccine được phân bố của cả 2 đợt).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định nguyên nhân đầu tiên khiến tiến độ tiêm vaccine ở TP.HCM chậm hơn dự kiến là việc tuyên truyền cho người dân các thông tin cần biết và công tác vận động người trong danh sách ưu tiên tiêm chủng tại địa phương.

Bên cạnh đó, một lý do khách quan hiện nay là các lực lượng thuộc diện ưu tiên tiêm chủng tại TP.HCM phải tỏa ra nhiều "trận địa" để phòng, chống dịch, bao gồm nhân sự truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly tập trung...

Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến khác là công tác sàng lọc trước tiêm quá mức. Điều này khiến cho số người không được tiêm cũng tăng.

Thứ hai, việc tổ chức tiêm vaccine còn "chuệch choạc". Tại cuộc họp báo chiều 25/6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận thiếu sót này trong khâu tổ chức ngày đầu, nhưng đã nâng nhanh công suất trong ngày 24/6.

Khâu tổ chức chưa rõ ràng và thiếu chuyên nghiệp cũng là yếu tố gây ảnh hưởng tốc độ tiêm chủng của thành phố. Nhiều bất cập vẫn tồn tại khi ngành y tế dồn tổng lực triển khai tiêm vaccine cho người dân.

Bằng chứng là lượng người đến tiêm tại các địa điểm không đồng đều, nơi vắng vẻ, nhưng có nơi đông đúc, gây hiện tượng chen lấn. Ở một số điểm tiêm như của quận 8, TP Thủ Đức (quận 9 cũ), trong ngày 19/6, đến giờ tiêm nhưng khâu tổ chức chưa hoàn thành, các mũi tiêm đầu tiên bắt đầu muộn (khoảng 13h) và không nhiều người dân đến theo lịch hẹn.

Tuy nhiên, điểm tiêm chủng tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) thì ngược lại. Địa điểm này là nơi tổ chức tiêm chủng lớn nhất thành phố. Dự kiến, tổng số mũi tiêm được thực hiện là 9.000. Theo ghi nhận của Zing từ sáng đến trưa 24/6, thậm chí ngày 25/6, điểm tiêm chủng này tiếp nhận có rất nhiều người từ các đơn vị đến, chật kín người xếp hàng.

Tiem vaccine Covid-19 tai TP.HCM anh 4

Hàng nghìn người chen nhau, chờ đợi tiêm vaccine ở nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thứ 3, không đảm bảo giãn cách tại một số điểm tiêm chủng. Đây cũng là vấn đề nguy hiểm nhất trong bối cảnh TP.HCM vẫn ghi nhận số ca mắc tăng cao, đặc biệt nhiều ổ dịch không rõ nguồn lây.

Theo ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11, nguyên nhân khiến điểm tiêm này có tình trạng tập trung đông người là thời gian tiêm cho người dân chưa được phân bổ hợp lý, không có lịch cụ thể, chi tiết mà chỉ có khung giờ. Bên cạnh đó, nhiều người nôn nóng được tiêm nên đến sớm so với khung giờ được mời, dẫn đến chuyện ùn tắc.

Nếu vấn đề thiếu tuân thủ tại các địa điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 vẫn tiếp diễn tại TP.HCM, chiến dịch này thậm chí sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Bởi nó tạo môi trường cho virus lây lan nhanh nếu trong tình huống xấu xuất hiện F0 tại khu vực này.

Chiều 25/6, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu không để nơi tiêm chủng thành chỗ tập trung đông người, dễ lây nhiễm. Ông yêu cầu Bộ Y tế, Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện các công cụ đã được giao để công tác đăng ký, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn.

Khung cảnh nơi đông đúc, chen lấn, địa điểm vắng vẻ đìu hiu khi triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho thấy TP.HCM chưa tìm được giải pháp kỹ thuật để vừa chống dịch, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Song song với tốc độ, đây là vấn đề mà lãnh đạo thành phố cần giải quyết dứt điểm để chiến dịch tiêm chủng thực sự hiệu quả.


Mục tiêu một triệu dân tiêm 836.000 liều trong 7 ngày

"Đây là khối lượng công việc khổng lồ".

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, khẳng định như vậy tại buổi họp báo diễn ra vào chiều tối 19/6 để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng 836.000 liều mà TP.HCM vừa được cấp. Trong chiến dịch này, gần một triệu người thuộc nhóm ưu tiên tại TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Dù còn nhiều bất cập trong việc triển khai tiêm chủng, tuy nhiên, thành phố đã có những nỗ lực và sự chuẩn bị cho chiên dịch.

Trước đó, ngay từ chiều 17/6, 836.000 liều vaccine Covid-19 nhập kho lạnh lưu trữ của Viện Pasteur TP.HCM. Đây là vaccine nằm trong số 966.320 liều do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam.

Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên 86% liều vaccine trong đợt phân bổ thứ 5 cho TP.HCM trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 1.400 ca mắc Covid-19 mới, cao thứ 3 cả nước, sau hai ổ dịch khu công nghiệp là Bắc Giang và Bắc Ninh.

Để chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử, TP.HCM đã huy động gần 5.000 nhân viên y tế tham gia - số lượng khổng lồ, nhiều nhất từ trước đến nay. Những y, bác sĩ này đều đã được đào tạo kỹ về tiêm vaccine, từ khâu sàng lọc cho đến theo dõi biểu hiện sức khỏe của người sau tiêm.

“Chưa bao giờ, tất cả lực lượng y tế cùng ra quân đồng loạt, đồng lòng thực hiện một chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có như thế”, một bác sĩ ở TP.HCM chia sẻ với Zing.

Thành phố tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm/ngày tại trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm lưu động. Để đảm bảo việc giãn cách trong quá trình tiêm chủng, mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người/ngày.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM huy động thêm hệ thống cấp cứu trong chiến dịch tiêm vaccine. Tại khu công nghiệp, 22 kíp cấp cứu (mỗi kíp gồm 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng, 1 tài xế) và xe cứu thương thường trực được triển khai tại điểm tiêm. Họ có nhiệm vụ phối hợp với bác sĩ tổ tiêm chủng phụ trách theo dõi phản ứng sau tiêm sau khi xử trí tại chỗ, nếu cần hỗ trợ chuyển viện an toàn.

Ngoài ra, 21 tổ chuyên gia thường trực được bố trí tại điểm tiêm theo công văn 3846/SYT-NVY. Mỗi tổ gồm 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng chuyên về hồi sức cấp cứu kèm vali hồi sức cấp cứu. Họ có nhiệm vụ chỉ huy chuyên môn cấp cứu tại chỗ, hỗ trợ xử trí cấp cứu nâng cao và chuyển viện.

Tương tự, 96 điểm tiêm chủng cộng đồng ở các quận, huyện cũng được bố trí lực lượng cấp cứu, chuyên gia nhằm chủ động xử trí các tình huống phát sinh có thể xảy ra. Mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, ngày 19/6, thành phố bắt đầu khởi động chiến dịch tiêm chủng với 877 người được tiêm trong ngày. Ngày 20/6, số lượng người dân được tiêm đã tăng vọt lên 5.740, gấp 5 lần, cho thấy tốc độ triển khai nhanh của ngành y tế.

Tiem vaccine Covid-19 tai TP.HCM anh 12
Tiem vaccine Covid-19 tai TP.HCM anh 13

Sau khi họp đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp khắc phục, ngày 22/6, thành phố tiêm được cho 95.000 người. Theo Sở Y tế TP.HCM, sau 6 ngày triển khai, tổng cộng đến ngày 24/6, thành đã tiêm được 438.502 người.

Thống kê từ Sở Y tế TP.HCM cũng cho thấy trong 5 ngày tiêm chủng (20/6-24/6), thành phố ghi nhận 1.109 trường hợp gặp phản ứng phụ sau tiêm. Trong đó, 73 người bị sốc phản vệ, 26 người phản vệ độ II, 15 người phản vệ độ 3, 2 người phản vệ độ 4 và 10 trường hợp khác. Trong 10 người phản vệ độ 4, một người bị ngưng tim.

Hiện tại, số lượng người tiêm chủng ở TP.HCM vẫn chưa đạt kế hoạch thành phố đặt ra trong đợt 4 (200.000 người/ngày). Dù vậy, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế: "Từ ngày 24/6, thành phố đã điều chỉnh tiến độ tiêm chủng. Còn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thực hiện với tiến độ rất tốt".

Lãnh đạo Sở Y tế tự tin khẳng định: “Với tiến độ tiêm như hiện nay, dự kiến trong ngày 25, 26/6, chúng ta sẽ hoàn thành đợt tiêm thứ 4 này. TP.HCM sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 theo đúng kế hoạch Thủ tướng yêu cầu”.

Tính đến ngày 24/6, cả nước đã tiêm được gần 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó hơn 2,6 triệu người được tiêm một liều; hơn 157.000 người tiêm đủ 2 liều. TP.HCM đã tiêm được gần 300.000 trong số hơn 870.000 liều vaccine được phân bổ.

Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM

Theo đánh giá của đoàn công tác, 3 địa điểm được kiểm tra tại TP.HCM đều thực hiện đúng quy định, hướng dẫn.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm