Phát biểu tại hội thảo vai trò của trường đại học (ĐH) với việc học tập suốt đời của người lớn do Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức ngày 30/10 tại ĐH Mở TP.HCM, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định nhân dân ta có truyền thống hiếu học, thông minh, sáng tạo và cần cù. Những tố chất quý báu đó không ngừng được nuôi dưỡng, phát huy và đã giúp đất nước phát triển không ngừng nhờ truyền thống tốt đẹp đó.
Nhưng nhìn vào sự phát triển của nước ta và nhiều nước trong khu vực và quốc tế, chúng ta thấy hiện có khoảng cách lớn về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Người Lao Động. |
Chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xã hội đang phát triển, thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện nay.
Điều đó đang đe dọa phá vỡ nhiều kế hoạch trong chiến lược phát triển, trong đó có thị trường lao động. Nếu chúng ta không có giải pháp khắc phục, điều này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn chúng ta nghĩ.
Nguyên Phó chủ tịch Nguyễn Thị Doan cho biết hiện nay, các nước tiên tiến phát triển đất nước dựa vào vốn tri thức do học tập, sáng tạo, nghiên cứu mà có. Phần lớn thành tựu họ đạt được đều dựa trên sự hiểu biết và do nắm bắt nhanh chóng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại.
Việt Nam, mặc dù đã có nhiều chủ trương phát triển đất nước phải dựa vào kinh tế tri thức, coi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, Chính phủ có nhiều giải pháp triển khai chủ trương trên nhưng kinh tế tri thức vẫn chưa phát triển, sự hiểu biết đủ để vận dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước, thậm chí có nước cách đây vài chục năm họ còn thua kém ta.
Chúng ta vẫn phát triển kinh tế dựa vào lao động giản đơn và khai thác tài nguyên đến cạn kiệt trong một thời gian dài như vậy. Việt Nam tụt hậu nhiều so với nhiều nước. Kinh tế Việt Nam vẫn phát triển nhưng còn thiếu bền vững. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và các nước phát triển.
Bà Doan cho rằng thực tế đã chứng minh một quốc gia muốn phát triển về khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế bền vững thì nhất thiết phải có 2 yếu tố: Một hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh, đẳng cấp quốc tế và một lực lượng lao động chất lượng tốt, mà lực lượng lao động này phần lớn do chính các trường đại học cung cấp. Nhiệm vụ nặng nề nhưng vinh quang vì như vậy sự phát triển bền vững của đất nước lại do hệ thống giáo dục đại học quyết định.