Li Tao (45 tuổi) là bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Vũ Xương (Vũ Hán). Khi có cuộc gọi tới đường dây cấp cứu 120, Li nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, lên xe để lập tức đến hiện trường. “Có hàng trăm cuộc gọi khẩn cấp mỗi ngày. Tôi quá bận để cởi đồ bảo hộ, trừ khi ăn uống, đi vệ sinh và khử trùng. Ngủ cũng là một điều xa xỉ”, cô nói. |
Trong mỗi ca trực đêm, bác sĩ Li Tao có khi phải ra ngoài 17 lần để đón bệnh nhân. Trên xe cứu thương, Li hỗ trợ bệnh nhân khạc đờm, thở oxy, an ủi và khích lệ họ cũng như người thân trước khi tới bệnh viện. “Khi đối mặt với nguy cơ nhiễm virus cao, tôi luôn ghi nhớ rằng mình là một bác sĩ. Triết lý nghề nghiệp khiến tôi bỏ qua nỗi sợ hãi. Đó là sứ mệnh của tôi”, nữ bác sĩ nói. |
Y tá Chen Ying - công tác tại bệnh viện Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang - dự định kết hôn với bạn trai vào ngày 14/2. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh khiến kế hoạch phải hủy bỏ. Vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch, Chen cùng 5 đồng nghiệp nhận được thông báo khẩn cấp từ bệnh viện và lập tức chia tay gia đình lên đường làm nhiệm vụ. Mỗi ngày, cô mặc quần áo bảo hộ cồng kềnh, kín mít để vào phòng cách ly khiến mồ hôi vã ra như tắm. Vì đeo mặt nạ và kính bảo hộ trong thời gian dài, khuôn mặt của Chen bị trầy xước với những vết sẹo đỏ thẫm in hằn trên khuôn mặt. |
“Tôi đã cạo trọc đầu, thật sự không phải sự hy sinh lớn lao gì”, Zhao Chenhua - y tá tại Khoa Truyền nhiễm của một bệnh viện ở Hàng Châu - chia sẻ sau khi biết hình ảnh của mình lan truyền trên mạng. Khi dịch bùng phát, Zhao là y tá đầu tiên của bệnh viện vào khu vực cách ly làm việc và đã “chiến đấu” suốt 144 giờ. Zhao cho hay ban đầu, mái tóc dài khiến việc mặc đồ bảo hộ gặp khó khăn nên cô đã bàn với mẹ để cắt đi. Điều này giúp cô tránh lây nhiễm chéo và tiết kiệm thời gian mặc quần áo bảo hộ. |
Vào ngày 30 Tết Nguyên đán, Bệnh viện Nhân dân Shandong Zouping đã thành lập khu vực cách ly bệnh nhân nhiễm virus corona và chọn ra 3 bác sĩ, 5 y tá tình nguyện nhận nhiệm vụ đầu tiên. Từ khi vào khu vực cách ly, các y bác sĩ phải làm việc và sống trong đó 24/7. Người lớn tuổi nhất trong số 8 người là bác sĩ Chen Qiangfu (46 tuổi) và trẻ nhất là y tá Liu Huiting (23 tuổi). Con cái của họ hầu hết chỉ từ 2 tháng tuổi đến 5 tuổi. “Mẹ/em ổn, đừng lo lắng" là những lời nhắn vội vàng họ gửi cho gia đình. Tại khu vực cách ly, y tá trưởng Peng Meili (bên phải trong ảnh) và đồng nghiệp Gong Xiaojun để lộ những vết hằn sâu trên khuôn mặt sau khi cởi bỏ đồ bảo hộ. |
“Sau khi kết thúc ngày làm việc, mặt tôi rất đau, chân cũng mỏi nhừ. Thực tế, tôi cũng là một người bình thường, biết cảm thấy nhớ nhà và sợ hãi. Thế nhưng tôi vẫn là một nhân viên y tế và phải hoàn thành nhiệm vụ khi khoác lên chiếc áo blouse trắng”, Shao Yinxue - y tá trưởng làm việc trong khu cách ly của bệnh viện ở Thành Đô - tâm sự với vài người bạn trong nhóm chat kèm bức ảnh cho thấy gương mặt hằn vết khẩu trang do đeo nhiều giờ liên tục. |
Dưới sự bảo vệ của quần áo bảo hộ, khẩu trang và kính bảo hộ, nhân viên y tế trong khu vực cách ly của Bệnh viện Chiết Giang làm việc liên tục trong hơn 8 giờ mà không ăn uống. Sự mệt mỏi, quá sức hiện rõ trên khuôn mặt của các nhân viên y tế ở đây. |
Khi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ nặng nề, việc tháo bỏ chúng để lau mồ hôi hay đi vệ sinh là điều không dễ dàng đối với các nhân viên y tế. Bởi vậy, họ chọn giải pháp mặc bỉm để vừa không mất thời gian đi vệ sinh, vừa giúp đồ bảo hộ không bị rách trong khi chưa được cấp đồ mới do thiếu nguồn cung. |
Mái tóc bết dính vì mồ hôi, mặt hằn sẹo do đeo khẩu trang và kính bảo hộ, quầng thâm, nếp nhăn quanh mắt… khiến hình ảnh các nữ y bác sĩ không "lung linh", rạng rỡ như các bức ảnh ngày thường. Tuy nhiên, với nhiều dân mạng, họ thậm chí còn xinh đẹp hơn nhờ lòng dũng cảm và sự hy sinh trong cuộc chiến chống dịch bệnh. |