Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài tập đặc biệt của cô giáo Hà Nội gửi học sinh dịp Tết

Nhiều giáo viên cho rằng Tết là dịp cho học sinh nghỉ ngơi, không giao bài tập. Nhưng cô giáo này có cách giao bài tập rất đặc biệt, khiến học sinh, phụ huynh vui vẻ, thích thú.

Cô giáo Nguyễn Lệ Thi, trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), người từng giành danh hiệu "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo" của Hà Nội cho biết nhiều năm nay, nhà trường chủ trương không giao bài tập cho học sinh dịp Tết.

Kỳ nghỉ kéo dài hơn mộ tuần, đa số học sinh theo bố mẹ về quê chúc Tết ông bà, người thân hoặc đi du lịch. Sau một kỳ học tập căng thẳng, các em có khoảng thời gian nghỉ ngơi, xả hơi đúng nghĩa là cần thiết. Do đó, cô cũng không giao bài tập Toán, Tiếng Việt cho học sinh. Tuy nhiên, để giáo dục đạo đức, rèn kỹ năng, năng lực khác cho học sinh, cô giáo này có “Phiếu bài tập Tết” đặc biệt thú vị.

Bài tập cô Lệ Thi giao cho học sinh lớp 4 bậc tiểu học năm nay với 8 nội dung gồm:

1. Phụ giúp bố mẹ, ông bà, anh chị dọn dẹp nhà cửa đón Tết.

2. Tự sắp xếp lại tủ quần áo, góc học tập của mình.

3. Biết vào bếp phụ bố mẹ, ông bà dọn cơm, bày hoa quả dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên.

4. Nhận bao lì xì bằng 2 tay, biết nói lời cảm ơn. Không mở bao lì xì trước mặt người mừng tuổi hay nói về số tiền mình nhận được.

5. Sau đêm giao thừa, học sinh ngồi vào bàn học nhưng không phải để học mà “Khai bút đầu năm” đặt mục tiêu, nhiệm vụ cho năm mới.

6. Biết nói lời chúc tốt đẹp với những người em gặp trong dịp Tết.

7. Ngày mồng 5 Tết, học sinh tự chuẩn bị đồng phục, soạn sách vở đầy đủ để chuẩn bị quay lại trường học.

8. Em để dành một ít tiền lì xì để mua một quyển sách ý nghĩa.

Ở mỗi mục, cô giáo này chia 3 mức dành cho phụ huynh đánh giá là: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.

Đối với học sinh, các em cũng có góc để chia sẻ cảm nhận của mình về kỳ nghỉ Tết với nội dung, điều gì khiến em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

bai tap tet anh 1

Cô giáo Nguyễn Lệ Thi công tác tại trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cũng theo cô Thi, dịp Tết năm ngoái, bài tập cô giao cho học sinh đó là bố mẹ cùng con thực hiện một video quay lại lời chúc mừng năm mới. Để thực hiện bài tập, học sinh thường sẽ mặc đẹp, chuẩn bị câu chúc ấn tượng, bố mẹ hỗ trợ con chọn khung cảnh đẹp và ghi hình. Sau khi tất cả học sinh gửi video, giáo viên tổng hợp và dựng thành một sản phẩm gửi vào nhóm lớp cho phụ huynh cùng xem rất thích thú.

Bài tập dạng như vậy không khó để thực hiện và tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, các trường học cũng dặn dò, lưu ý học sinh về những điều không nên làm để đảm bảo an toàn như: Không vi phạm luật giao thông; không tham gia đua xe, lạng lách đánh võng; Không sử dụng các loại pháo vì có thể gây tai nạn thương tích; không tụ tập tham gia cờ bạc; không gây gổ, đánh nhau…

Thay vào đó, học sinh tích cực tham gia các hoạt động vui tươi, lành mạnh, có ý nghĩa; phụ giúp bố mẹ, ông bà việc nhà; có thể tự tay làm món ăn thiết đãi gia đình...

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Xúc động bức thư hiệu trưởng gửi sinh viên trước ngày nghỉ Tết

GS.TS Nguyễn Văn Minh nhắn nhủ học sinh nhớ mang niềm vui về với gia đình, đó là sự trưởng thành, biết quan tâm người thân.

https://tienphong.vn/bai-tap-dac-biet-cua-co-giao-ha-noi-gui-hoc-sinh-dip-tet-post1610164.tpo

Hà Linh / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm