Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Bạn bè tôi thành đạt hay chỉ là 'chuột hamster luẩn quẩn trong lồng'?

Ngoài sự nghiệp thành đạt, điểm chung giữa những người bạn của tôi có phần khác thường: Họ thường xuyên rơi vào trạng thái lạc lõng, cô đơn và stress nặng.

nguoi thanh cong anh 1

Bạn bè tôi thành đạt hay chỉ là 'chuột hamster luẩn quẩn trong lồng'?

Ngoài sự nghiệp thành đạt, điểm chung giữa những người bạn của tôi có phần khác thường: Họ thường xuyên rơi vào trạng thái lạc lõng, cô đơn và stress nặng.

Peter Sims

Tác giả

Peter Sims có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và từng là cố vấn cao cấp cho GoogleX. Ông cũng là tác giả của một số đầu sách bán chạy tại Mỹ. 

Hai người là đồng sáng lập một công ty bất động sản mới được mua lại với giá hơn 3 tỷ USD. Một người khác được Google trả 100 triệu USD để níu chân lại với công việc hiện tại. Số còn lại dù không nổi tiếng bằng thì cũng là những nhà đầu tư hái ra tiền.

Đó chỉ là vài gương mặt trong số nhiều người bạn đồng môn của tôi đang sở hữu sự nghiệp đình đám và thường được nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ.

Trong một buổi họp mặt kỷ niệm 10 năm tốt nghiệp, tôi có dịp gặp lại nhiều người bạn cùng khóa. Chúng tôi là những cựu sinh viên của trường Kinh doanh Stanford, ngôi trường danh giá và trong suy nghĩ của nhiều người, đó là cái tên bảo chứng cho tấm vé vào đời thành công và tốt đẹp.

Ở độ tuổi 40, trong số 390 con người học chung khóa với nhau ngày ấy, chỉ một vài người cảm thấy thật sự hài lòng với cuộc sống và sự nghiệp của mình.

Thế nhưng, ngoài sự nghiệp thành đạt, điểm chung giữa những người bạn của tôi có phần khác thường: Họ thường xuyên rơi vào trạng thái lạc lõng, cô đơn và stress nặng.

Ở độ tuổi 40, trong số 390 con người học chung khóa với nhau ngày ấy, chỉ một vài người cảm thấy thật sự hài lòng với cuộc sống và sự nghiệp của mình.

Nếu thành công đơn giản chỉ là đạt được những mục tiêu lớn lao tự đặt ra, hẳn tôi và các bạn mình đã là người thành công đúng nghĩa.

Thế nhưng, dù tốt nghiệp trường danh giá, có công việc đáng mơ ước và sở hữu khối tài sản kếch xù, chừng ấy thứ vẫn không thể đem lại hạnh phúc như mỗi người mong đợi.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại về định nghĩa của “thành công”.

Phấn đấu đến kiệt sức để đứng trên mọi người

Thuở đi học, tôi luôn mơ ước được ghi danh vào Stanford. Năm 2002, giấc mơ trở thành sự thật.

Khi hội đồng tuyển sinh gọi điện thông báo tôi chính thức được nhận vào trường, tôi đã òa lên nức nở sau khi gác máy. Những năm tháng liên tục cố gắng, quyết tâm cao độ và không ít căng thẳng đã được đền đáp.

Buồn thay, sau 15 năm tốt nghiệp, điều tôi rút ra là những ngôi trường hàng đầu thế giới lại chính là nơi nuôi dưỡng những cuộc đời hào nhoáng, bóng bẩy nhưng không mấy trọn vẹn.

Vì vậy, tôi buộc phải tự dạy mình một điều mà những năm tháng ở trường, bản thân chưa bao giờ được học.

Trong ý thức của số đông, hai chữ “thành công” chủ yếu xoay quanh các giá trị tiền bạc, vật chất. Cảm giác hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống thường không bao giờ được đề cập đến.

Trong khi đó, yếu tố quan trọng nhất để hình thành cuộc sống lành mạnh, trọn vẹn là các mối quan hệ giữa người với người, theo một nghiên cứu của Đại học Harvard.

Trong ý thức của số đông, hai chữ “thành công” chủ yếu xoay quanh các giá trị tiền bạc, vật chất.

Những nghiên cứu tương tự trong lĩnh vực tâm lý học và khoa học thần kinh cũng chỉ ra kết luận tương tự: Con người cần phải vun vén cho các mối quan hệ xung quanh.

Học hỏi không ngừng. Theo đuổi đam mê, tích lũy trải nghiệm. Ngủ đủ giấc và tập thể dục mỗi ngày. Bày tỏ sự biết ơn.

Những điều kể trên có thể đã quá quen thuộc và nằm lòng với số đông khi nhắc đến bí quyết sống hạnh phúc. Thế nhưng vì sao nhiều người vẫn “ám ảnh” với việc phải giàu có, tạo ra thành tích nổi trội, điều chắc chắn khó có điểm dừng cho sự thỏa mãn?

Nguyên nhân cốt lõi là rất nhiều trường, cơ sở đào tạo trên thế giới đều thất bại trong việc chỉ dẫn người học biết tìm kiếm và nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc thực sự của bản thân.

Thay vào đó là tâm lý so sánh, không muốn thua kém người khác và cần liên tục phấn đấu đến kiệt sức để đứng trên mọi người.

"Con chuột hamster luẩn quẩn trong lồng quay"

“Tôi không muốn trở thành một con chuột hamster chạy luẩn quẩn trong cái lồng quay cả đời”.

Tôi vẫn nhớ rõ lời một người bạn cùng lớp khi chúng tôi đang học năm hai tại Stanford. Trước khi đi học, cô từng đảm nhiệm chức cố vấn cho một tập đoàn lớn. Mục đích của cô khi quay trở lại trường là để tìm ra đâu là “thành công” thực sự đối với mình.

Sau nhiều năm học về lãnh đạo và tiến hành nhiều nghiên cứu cho cuốn sách của mình, tôi tin rằng “Thành công là gì?” là câu hỏi mà bất kỳ ai cũng nên thường xuyên tự vấn bản thân, bất chấp khi còn trẻ tuổi hay đã về già.

Đáng tiếc, rất ít trường học danh giá chú trọng vào điều này. Thay vào đó, các ngôi trường kiểu vậy là nơi sản sinh cho thế giới những con người xuất chúng nhưng trong sâu thẳm lại luôn cảm thấy bất an, hoang mang.

Vấn đề nằm ở quan niệm sai lầm của chúng ta, rằng các giá trị vật chất, danh vọng có thể lấp đầy những lỗ hổng trong tâm hồn mà quyền lực, tiền tài, danh vọng gây ra.

Lần đầu tiên tôi biết đến khía cạnh này từ một cựu CEO. Sau đó gặp lại lần nữa khi tập đoàn McKinsey & Company đang tìm kiếm một ứng viên có đặc điểm như vậy.

Hoá ra là trên thực tế, khi tuyển dụng, nhiều “ông lớn” trên thế giới cũng thường nhắm vào và săn lùng những người sở hữu thành tích nổi trội nhưng hay cảm thấy bất an như thế.

Lý do: Những đối tượng này có bộ óc thông minh, giỏi chuyên môn, chuyên nghiệp. Nhưng quan trọng hơn, họ làm việc chăm chỉ đến quá mức vì khát khao gặt hái vị trí, địa vị cao và lo sợ nếu gặp thất bại.

Từ đó, họ có nguy cơ trở thành những chú chuột hamster chạy liên tục trong lồng quay, ngày ngày làm việc để người ngoài công nhận, ngưỡng vọng tài năng, thành tựu của mình.

Vấn đề nằm ở quan niệm sai lầm của chúng ta, rằng các giá trị vật chất, danh vọng có thể lấp đầy những lỗ hổng trong tâm hồn mà quyền lực, tiền tài, danh vọng gây ra.

Bạn bè và đống giấy tờ

Tôi sống cách ba người bạn cùng lớp ở Stanford chỉ 10 phút lái xe. Chúng tôi gọi nhau là bạn, dù mối quan hệ không thực sự được như vậy. Trên thực tế, tôi không coi ai trong lớp tại Stanford của mình như một người bạn thực sự.

Hiếm khi mọi người gặp nhau vì ai cũng vùi mặt vào công việc ngày này qua tháng khác. Trong vài lần gặp gỡ ít ỏi, nội dung trò chuyện vẫn chỉ là công việc và công việc.

Tất cả chúng ta đều có rất nhiều người quen, nhưng những mối quan hệ thân thiết, quý giá chỉ chiếm số ít. Nuôi dưỡng các mối quan hệ chân chính là cách chắc chắn nhất để có sức khỏe tốt hơn và đem lại hạnh phúc cho bản thân.

Vì vậy, tôi dần chỉ quan tâm, vun vén cho những mối quan hệ mình trân trọng nhất, những người khiến tôi thấy thoải mái và được là chính mình khi dành thời gian bên họ. Đó là những người tôi yêu quý vì bản chất chứ không phải một danh xưng nào đó.

Tôi vạch ra được khoảng 40 cái tên, từ nhiều nơi trên thế giới. Mỗi ngày, tôi cố gắng kết nối với 2-3 người trong số họ.

Hãy tự hỏi bản thân: Nếu một người bạn trân quý gọi điện, bạn sẽ chọn công việc hay người bạn đó?

Mỗi khi đến các thành phố nơi có người tôi yêu quý sống, tôi sắp xếp gặp mặt, trò chuyện trực tiếp. Những tương tác, mối quan hệ đó quan trọng hơn đống giấy tờ hay những cuộc họp chốn văn phòng. Chỉ cần duy trì liên lạc với một nửa trong số đó, tôi đã thấy cuộc đời mình ý nghĩa hơn.

Hãy tự hỏi bản thân: Nếu một người bạn trân quý gọi điện, bạn sẽ chọn công việc hay người đó?

Theo kinh nghiệm của tôi, những người thành công sẽ ưu tiên công việc hơn, mặc dù họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều nếu chọn đi với bạn bè. Điều đó đồng nghĩa với việc những người có sự nghiệp nổi trội đang lặp đi lặp lại những lựa chọn sai lầm trong suốt cả đời.

Những chuẩn mực xã hội ngột ngạt

Vài tháng trước, tôi được mời để chia sẻ tại một bữa tối gồm 60 người ở San Francisco. Tôi đã ngạc nhiên bởi cách mọi người đồng cảm mạnh mẽ với những cảm nhận của mình.

Mọi người hôm ấy đều có một tâm lý chung: Cảm thấy ngột ngạt bởi những chuẩn mực phần lớn xã hội theo đuổi ngày nay.

Chúng ta có xu hướng suy nghĩ rằng những người thường xuyên gặp nhau, có chung sở thích, thói quen sẽ có mối quan hệ thân thiết, khắng khít. Có thể đúng vậy, hoặc cũng có thể không.

Có những người bạn chỉ gặp mỗi năm một lần nhưng giá trị cuộc sống của bạn thực sự thay đổi hoàn toàn. Đôi khi bạn phải gạt bỏ các mối quan hệ "rườm rà" để có thể tập trung vào những người quan trọng nhất.

Tại sao lại phải lao đầu vào việc chứng tỏ giá trị bản thân theo những chuẩn mực sai lệch của “thành công”? Thay vào đó, tạo dựng và dành thời gian cho những người trân quý nhất và khi ấy, “thành công” sẽ xuất hiện trong những bữa ăn, tiếng cười, các chuyến phiêu lưu cùng nhau.

Đó mới là một cuộc sống thực sự trọn vẹn.

Peter Sims

Đồ hoạ: Mai Minh Hồng - Biên dịch: Trà My

Bạn có thể quan tâm