Xuất xứ từ ngõ Khánh Lạp, gần Hàng Kênh, bánh mì cay đã trở thành đặc sản nức tiếng Hải Phòng cũng như trên bản đồ ẩm thực đường phố Việt Nam. Dù chẳng phải thức quà cầu kỳ, món ăn vẫn chinh phục những tín đồ ẩm thực gần xa bởi hương vị hấp dẫn riêng biệt. Ảnh: Vietha1091, k.nuuul. |
Không "xôi thịt" như bánh mì dân tổ Hà Nội hay bánh mì phố Hội, bánh mì cay có phần nhìn khá đơn giản. Món ngon Hải Phòng chỉ to bằng gần hai ngón tay, dài khoảng 20 cm, ăn cùng với một loại nhân duy nhất là pate, đôi khi thêm tương ớt và chút rau mùi. Ảnh: Foodyhaiphong, _nhanh_it. |
Không giò, không chả, bánh mì cay vẫn khiến thực khách mê mẩn bởi hương vị pate béo ngậy, thơm ngon được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân đất cảng. Những chiếc bánh mì cay gọn nhẹ, không nhiều thành phần nên dễ dàng bảo quản trong ngày, tiện cho di chuyển, mua về làm quà. Ảnh: Dinhnguyen81195, hana.yummy. |
Nguyên liệu làm bánh rất đơn giản, chỉ bao gồm bột mì, muối và bột nở nhưng để làm ra chiếc bánh vừa đủ giòn bên ngoài, xốp mềm bên trong đòi hỏi người làm bánh có kinh nghiệm lâu năm. Bột phải được trộn theo tỷ lệ vừa phải, bánh nướng nhanh tay để đảm bảo mẻ bánh vàng giòn, không bị khét. Ảnh: Tiembanh_cotam_haiphong, heidinguyen1710. |
Linh hồn làm nên hương vị đặc sắc của bánh mì cay nằm ở tương ớt. Ở mỗi quán, tương ớt sẽ được làm theo một công thức gia truyền đặc biệt. Nguyên liệu không thể thiếu là ớt, cà chua bỏ hạt, tỏi xay nhuyễn, muối và phải trải qua quá trình lên men. Tạo ra một mẻ tương ớt thơm ngon, cay nồng, sánh mịn và có màu đỏ tươi bắt mắt thật không dễ dàng. Ảnh: Nofoodphobia, eatwden. |
Cắn ngập răng một miếng bánh mì cay, hương vị giòn rụm của bánh mì, nhân pate béo ngậy, mềm tan và vị cay nồng của tương ớt hòa quyện trên đầu lưỡi, khiến bạn ăn một lần là nhớ mãi. Mỗi chiếc bánh mì cay có giá khoảng 2.000 đến 5.000 đồng, bạn có thể ăn "xả láng" hoặc mua về làm quà mà không sợ "cháy ví". Một số quán bán bánh mì cay chuẩn vị Hải Phòng bạn có thể ghé đến là Tiệm bánh mì cay Bà Già, Ông Cuông, Khánh Lạp. Ảnh: Bachuaviahe. |