Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bánh sập' khiến mạng xã hội Nhật Bản dậy sóng

Takashimaya Nhật Bản xin lỗi sau khi nhận phản ánh về 807 chiếc bánh kem dâu Giáng sinh sập vỡ được giao tới tay khách, gây dậy sóng trên mạng xã hội và khiến khách hàng thất vọng.

Hình ảnh chiếc bánh bị biến dạnh được một khách hàng chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh: X/@kanemarja.

“Bánh sập” đã trở thành tiêu đề thống lĩnh truyền thông nhiều ngày vừa rồi ở Nhật Bản sau khi người tiêu dùng phẫn nộ đăng đàn mạng xã hội vào cuối tuần qua cho thấy hình ảnh những chiếc bánh Giáng sinh vỡ sập được giao đến trước cửa nhà họ, theo BBC.

Thất vọng

Những chiếc bánh kem trắng phủ dâu tây do chuỗi siêu thị Takashimaya bán trực tuyến, đến tay một số khách hàng gây thất vọng vì tình trạng sản phẩm rất thảm hại, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy.

Trong số gần 3.000 chiếc bánh được bán ra trong dịp lễ Giáng sinh, hơn 800 chiếc được xác nhận là đã bị vỡ hỏng tính đến nay, Takashimaya cho biết trong một tuyên bố hôm 27/12.

Takashimaya xin loi anh 1

Ông Kazuhisa Yokoyama, người đứng đầu bộ phận bán hàng tại Takashimaya, cúi người xin lỗi trong cuộc họp báo ở Tokyo hôm 27/12. Ảnh: KYODO.

Kazuhisa Yokoyama, quan chức cấp cao của Takashimaya, phát biểu trong một cuộc họp báo được truyền hình toàn quốc: “Chúng tôi muốn xin lỗi sâu sắc vì sự biến dạng của những chiếc bánh Giáng sinh này, phản bội sự mong đợi của nhiều khách hàng”.

Công ty cho biết khách hàng có thể được hoàn tiền cho những chiếc bánh bị hư hỏng này, tùy thuộc vào điều kiện giao hàng.

Vụ việc khiến các giới chức trách của Takashimaya phải tổ chức một cuộc điều tra toàn diện về các đối tác sản xuất và giao hàng.

Công ty chịu hoàn toàn trách nhiệm

Đại diện của Takashimaya cho biết những chiếc bánh do Win's Ark ở Saitama làm và do Yamato Transport giao tới tay khách. Dù đã điều tra nội bộ nhưng nguyên nhân khiến những chiếc bánh rơi vào tình trạng nát vụn vẫn chưa được xác định.

Takashimaya xin loi anh 2

Hình ảnh chiếc bánh sập vỡ khác được một khách hàng chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh: X/@ndakr3.

Ông Yokoyama nói với báo giới rằng Takashimaya "chưa thể xác định được nguyên nhân", đồng thời khẳng định việc quản lý nhiệt độ không phải là vấn đề.

Tuy nhiên, “chúng tôi, với tư cách là người bán, chịu trách nhiệm giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng, bao gồm từ khâu sản xuất đến phân phối”, Takashimaya cho biết trong tuyên bố.

“Toàn bộ trách nhiệm vẫn thuộc về chúng tôi”.

Takashimaya xin loi anh 3

Biểu cảm của ông Yokoyama trong cuộc họp báo ở Tokyo hôm 27/12. Ảnh: KYODO.

Nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự thất vọng trên mạng xã hội về những chiếc bánh sập vỡ.

Một người dùng nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) đăng những bức ảnh về chiếc bánh vỡ hai ngày trước Giáng sinh và tỏ ra không vui.

"Tôi đặt bánh Giáng sinh trực tuyến lần đầu tiên nhưng khi bánh được giao tới thì trông xộc xệch thế này. Tôi đã tưởng mình có thể tin cậy Takashimaya, nhưng đây có phải là điều thường xảy ra với việc giao bánh không? Tôi không biết", theo bài đăng.

Một người khác chia sẻ hình ảnh chiếc bánh đỡ thảm hại hơn nhưng cũng tỏ ra không hài lòng tương tự.

"Bánh của Takashimaya được giao đến tận tay tôi như thế này. Tôi buồn quá", người dùng X viết.

Takashimaya xin loi anh 4

Takashimaya Nhật Bản đã xin lỗi khách hàng một lần trước đó vào ngày Giáng sinh và tiếp tục nhận lỗi hôm 27/12. Ảnh: X/@kenta_ros.

Tuy nhiên, một số người khác chung cảnh ngộ cố gắng hết sức để giữ tinh thần Giáng sinh.

Một đăng tải nhận được hơn 16 triệu lượt xem trên mạng xã hội X cho thấy nỗ lực "giải cứu" chiếc bánh vỡ bằng cách trang trí lại bằng trái cây và chocolate.

Tài khoản này chia sẻ rằng tác giả của sáng tạo này là cậu con trai 3 tuổi.

Chocolate vương vãi khắp nơi, "chiếc bánh giờ đây trông còn hài hước hơn so với khi được giao tới trước đó... Bây giờ, nó là một chiếc bánh chứa đầy ước mơ của trẻ em", theo bài đăng.

Một số người dùng trên X đánh giá cao nỗ lực sáng tạo trong việc trang trí lại bánh. Một người dùng lạc quan rằng sự cố này có thể tạo nền cho một "sự sáng tạo tự do", trong khi người khác nói rằng cứ gạt bỏ phần bánh bị vỡ và thưởng thức phần còn lại.

Takashimaya xin loi anh 5

Màu đỏ và trắng của chiếc bánh kem dâu tây tượng trưng cho ngày lễ trong văn hóa Nhật Bản. Chiếc bánh kem dâu tây của Takashimaya có giá 5.400 yen. Ảnh: KYODO.

Mặc dù Nhật Bản chỉ có 1% dân số là người theo đạo Thiên chúa, Giáng sinh vẫn được ăn mừng rộng rãi ở nước này, trong đó nhiều người tặng quà cho nhau và cùng tiệc tùng.

Màu đỏ và trắng của chiếc bánh kem dâu tây tượng trưng cho ngày lễ trong văn hóa Nhật Bản, nơi gà rán KFC cũng là một món ăn truyền thống phổ biến trong đêm Giáng sinh.

Bánh kem dâu tây của Takashimaya, có giá 5.400 yen (38 USD) với những lát dâu tươi phủ trên cùng và với những lớp kem trắng trông giống như viền váy xếp nếp.

Món ăn Giáng sinh 'chữa lành' sau một năm đầy thách thức

Đối với người dân ở nhiều nơi, Giáng sinh là ngày lễ lớn nhất trong năm nên sẽ luôn có những bàn tiệc lớn với vô số món ăn đặc biệt.

Thích uống cà phê, nhưng mấy ai biết bí mật này

Nhiều người thích nhâm nhi tách cà phê mỗi sáng nhưng không phải ai cũng biết được những sự thật đằng sau loại thức uống được tiêu thụ hàng đầu thế giới này.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Hạnh Lam

Bạn có thể quan tâm