Cà phê là một trong những thức uống phổ biến trên thế giới. Ảnh: Farknot Architect/Adobe Stock. |
Cà phê là một trong những thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Theo Hiệp hội Cà phê Quốc gia Mỹ, đây là thức uống mà 63% người dân ở nước này uống hàng ngày, nhiều hơn cả nước lọc máy.
Tại Việt Nam, cà phê cũng rất được ưa chuộng. Dưới đây là những sự thật bạn nên biết nếu coi mình là người sành cà phê, theo Axios.
Cà phê không thực sự "đánh thức" bạn
Thay vào đó, cà phê chặn chất dẫn truyền thần kinh khiến bạn buồn ngủ. Các tác động chủ yếu được cho là xuất phát từ cách caffeine tương tác với các thụ thể adenosine.
Chất dẫn truyền thần kinh adenosine thường liên kết với các thụ thể adenosine. Nó sẽ ức chế xu hướng kích hoạt của tế bào thần kinh, làm chậm hoạt động của tế bào và khiến bạn cảm thấy buồn ngủ.
Adenosine thường tích tụ trong ngày và cuối cùng khiến bạn buồn ngủ khi đến giờ đi ngủ.
Tuy nhiên, khi caffeine có mặt trong não, nó sẽ cạnh tranh với adenosine để liên kết với các thụ thể tương tự.
Caffeine không làm chậm quá trình kích hoạt tế bào thần kinh như adenosine, thay vào đó, nó ngăn adenosine làm chậm hoạt động thần kinh. Do đó tế bào tăng tốc thay vì chậm lại như bình thường, điều đó có thể dẫn đến tác dụng phụ tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào trạng thái cơ thể mỗi người.
Caffeine cũng có thể làm tăng mức độ dopamine.
Lợi ích không ngờ
Một tách cà phê buổi sáng có thể kích hoạt một số phần trong não liên quan đến trí nhớ ngắn hạn và khả năng tập trung.
Theo nghiên cứu Ranh giới trong khoa học thần kinh hành vi, một số thay đổi nhất định trong não là do các chất có trong cà phê chứ không chỉ caffeine.
Một tách cà phê buổi sáng có thể kích hoạt một số phần trong não. Ảnh: Melica/Adobe Stock. |
Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu nhận định đó là nhờ “hiệu ứng giả dược”. Đây là thuật ngữ để chỉ “thứ không có tác dụng nhưng có hiệu quả bởi vì bạn nghĩ nó có tác dụng”. Tương tự, người uống cà phê có thể cảm thấy khả năng tập trung tốt hơn do họ đang trải nghiệm uống cà phê và tin rằng như vậy.
Nghiên cứu khác về cà phê thậm chí chỉ ra cà phê liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn. Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Đại học Y Phương Nam ở Quảng Châu, Trung Quốc, đã sử dụng dữ liệu hành vi của hơn 171.000 người đăng ký tham gia một nghiên cứu ở Anh.
Họ nhận thấy trong thời gian theo dõi kéo dài 7 năm, những người tham gia uống cà phê không đường nào có nguy cơ tử vong thấp hơn 16-21% so với người tham gia không uống cà phê.
Trong khi đó, những người tham gia uống 1,5-3,5 tách cà phê có đường hàng ngày có nguy cơ tử vong thấp hơn từ 29-31% so với người tham gia không uống cà phê.
Decaf vẫn có caffeine
Decaf là viết tắt của từ decaffeinated coffee (cà phê đã loại bỏ caffeine). Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình khử caffeine chỉ loại bỏ 97% lượng caffeine trong hạt cà phê chứ không phải hoàn toàn.
Do đó, vẫn còn khoảng 2-15 mg caffeine trong một cốc decaf, tùy thuộc vào thương hiệu. Trung bình, con số này trong một cốc cà phê bình thường là khoảng 95 mg.
Có nhiều cách để loại bỏ caffeine khỏi hạt cà phê. Một số công ty chỉ sử dụng nước để tách caffeine, trong khi những công ty khác sử dụng nước và carbon dioxide lỏng hoặc dung môi như methylene chloride. FDA đã công nhận cách thứ hai an toàn với một lượng rất nhỏ, nhưng quy trình này vẫn gây tranh cãi.
Hạt cà phê được khử caffeine trước khi rang và xay. Giá trị dinh dưỡng của cà phê decaf gần giống với cà phê thông thường, ngoại trừ hàm lượng caffeine.
Tuy nhiên, hương vị và mùi có thể trở nên nhẹ hơn một chút và màu sắc có thể thay đổi, tùy thuộc vào phương pháp được sử dụng. Điều này có thể làm cho cà phê decaf dễ chịu hơn đối với người nhạy cảm vị đắng và mùi của cà phê thông thường.
Giá trị dinh dưỡng của cà phê decaf gần giống với cà phê thông thường, ngoại trừ hàm lượng caffeine. Ảnh: Shutterstock. |
Cà phê rang đậm và nhạt có hàm lượng caffeine tương tự
Nhiều người thắc mắc hạt cà phê rang đậm và hạt cà phê rang nhạt liệu có khác nhau về hàm lượng caffeine hay không. Một số người cho rằng hạt cà phê càng đậm màu thì hàm lượng caffeine càng cao.
Nhưng một số người khác lại cho hay quá trình rang sẽ làm giảm hàm lượng caffeine, có nghĩa là cà phê được rang ít thời gian với nhiệt độ thấp hơn (cà phê rang nhạt) sẽ có hàm lượng caffeine cao hơn.
Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt về hàm lượng caffeine trong 2 loại cà phê kể trên là không đáng kể. Với cùng lượng cà phê giống nhau, hàm lượng caffeine trong cà phê rang đậm và cà phê rang nhạt không chênh lệch nhau quá nhiều.
Dù vậy, hương vị của cà phê rang đậm và cà phê rang nhạt sẽ khác nhau. So với cà phê rang đậm, các loại cà phê rang nhạt thường có hương vị phức tạp và tinh tế hơn.
Hương vị ban đầu của cà phê có thể bị mất hoặc bị thay đổi trong quá trình rang. Cà phê rang nhạt thường được mô tả có vị chua nhẹ, ít đắng. Trong khi các hạt cà phê rang đậm thường được mô tả có vị đậm đà, có vị khói hoặc vị socola.
Cà phê không làm mất nước nếu uống ít hơn 5 tách/ngày
Là một chất lợi tiểu, cà phê khiến người dùng đi tiểu nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy lượng chất lỏng hấp thụ từ đồ uống chứa caffeine này thường cân bằng với lượng chất lỏng bị mất khi đi tiểu.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra để caffeine có tác dụng lợi tiểu đáng kể thì bạn cần tiêu thụ hơn 500 mg caffeine/ngày - tương đương uống khoảng 5 tách hoặc 1,2 lít cà phê pha phin.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.