Thấy đánh nhau là quay clip
Chỉ trong một tuần, trên diễn đàn giải trí dành cho giới trẻ chia sẻ đến 3 clip liên quan đến bạo lực. Người trong cuộc là các nữ học sinh mặc đồng phục, tuổi đời rất trẻ.
Mọi cuộc ẩu đả đều có nhiều người chứng kiến, song họ chỉ cổ vũ, reo hò, không có ý định khuyên ngăn. Đặc biệt hơn là tình trạng dùng điện thoại quay clip và chia sẻ lên mạng.
Quản trị một fanpage cho biết, các clip họ nhận được đều do bạn bè của nạn nhân ghi lại. "Họ rất hào hứng khi sản phẩm của mình hút nhiều lượt xem, like (thích) trên Facebook" - người này nói.
Mới đây, một nữ sinh Thanh Hóa bị nhóm bạn đánh hội đồng gây chú ý trên mạng. Theo đó, do mâu thuẫn trên Facebook, Như và Hương hẹn Trâm ra công viên nói chuyện và xảy ra xô xát. Chứng kiến sự việc, T.D. dùng điện thoại di động quay lại, đăng tải clip lên mạng xã hội.
Thành viên Alice Truong bày tỏ cảm nghĩ: "Những clip bạo lực càng được chia sẻ, học trò càng bắt chước và xem đó như cách thể hiện bản thân. Theo tôi, nếu trẻ con xem nhiều, chúng sẽ thấy chuyện đánh nhau là bình thường và muốn ẩu đả để tỏ vẻ, ra oai".
Đồng quan điểm, nhiều dân mạng cho rằng, những văn hóa phẩm mang tính bạo lực, không có giá trị nhân văn cần được sàng lọc và có chế tài xử phạt hợp lý. "Tôi thấy cần cấm đăng tải clip đánh nhau, vi phạm sẽ phạt nặng để không còn ai cổ xúy nữa" - Thanh Xuân bộc bạch.
Chưa đủ răn đe
Trước những clip bạo lực của học trò ngày nay, không ít các bậc phụ huynh tỏ ra ngán ngẩm. Song họ cũng lo lắng con em mình cũng sẽ trở thành những nạn nhân.
Anh Nguyễn Thành Vinh (40 tuổi, quận 6, TP HCM) cho biết, gia đình anh có hai người con, cậu lớn năm nay vào lớp 10. Đang trong giai đoạn phát triển về thể chất và tâm sinh lý nên anh cùng bà xã luôn đồng hành cùng con trong chuyện học tập, quan hệ với bạn bè.
Nói về các vụ bạo lực gần đây, anh Vinh chia sẻ: "Cứ lên mạng là thấy clip đánh nhau, phần lớn những clip dạng này có đông người xem hơn thứ bổ ích. Các vụ đều được xử lý, đuổi học hay răn đe... song mọi thứ đâu cũng vào đấy. Tôi nghĩ, ngày nay các em bị tác động bởi nhiều vấn đề mà phụ huynh không thể kiểm soát, hoặc hoàn cảnh sống thiếu sự quan tâm từ người lớn...".
Các clip bạo lực học đường xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng. Ảnh cắt từ clip. |
Trong khi đó, cô Minh Thanh - giáo viên một trường THPT tại quận 6, TP HCM - cho hay, học trò đánh nhau chủ yếu do mâu thuẫn nhỏ và bị bạn bè xúi giục. Qua quá trình công tác tại trường, cô Thanh chứng kiến nhiều trường hợp ẩu đả, khi tâm sự với các em, cô mới thấu hiểu hơn sự việc.
Cô kể: "Không ít nữ sinh lớp 8, học lực khá giỏi, hạnh kiểm tốt vẫn đánh nhau với bạn cùng lớp. Hỏi ra mới biết do cả hai cãi vã trên mạng. Hôm sau lên trường, hai cô gái gặp mặt nói chuyện, song do bạn bè xung quanh hò reo, cổ vũ nên ẩu đả xảy ra".
Theo cô Thanh, các em ở giai đoạn phát triển rất hiếu thắng và thích thể hiện bản thân. Khi bị tác động bởi ngoại cảnh, học sinh dễ dàng hành động quá mức kiểm soát của mình.
"Tuy nhiên, điều này còn thuộc vào tính cách của mỗi em và cả môi trường sư phạm, gia đình có đủ những biện pháp giáo dục hay răn đe trên cơ sở phù hợp" - nữ giáo viên nhấn mạnh.
Lối sống và suy nghĩ của giới trẻ có vấn đề
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP HCM - cho biết, giới trẻ ngày nay có nhiều hành vi đáng để người lớn suy ngẫm. Chúng ta dễ dàng thấy, các bạn trẻ thích thì đánh, giận thì chém, ghét thì đâm…
Điều đáng buồn, những trường hợp bạo lực đều xuất phát từ học sinh THCS, THPT - lứa tuổi đẹp nhất của tuổi học trò. Các mâu thuẫn cũng chỉ là chuyện rung cảm với bạn bè khác giới, giao tiếp…
Theo PGS.TS Sơn, lý giải theo cách giản đơn nhất, đó là kiểu sống và lối suy nghĩ của nhiều người trẻ có vấn đề. Các bạn dễ nhàm chán với cuộc sống nên phải làm cái gì đó mang tính độc đáo, thậm chí là đình đám.
"Các bạn dễ nổi cáu vì những chuyện đâu đâu. Nhanh nản chí, lười nhác, nóng vội, ỷ lại.. ở một số bạn dễ đẩy họ đến ứng xử sai lầm, hành động lệch lạc và xảy ra bạo lực" - TS Sơn bày tỏ.
Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực từ phía gia đình cũng ảnh hưởng đến tâm hồn của con trẻ. Cha mẹ khách sáo hoặc quá lạnh lùng, hay bỏ mặc con cái và chỉ nghĩ ăn uống, học hành là đủ. Cảm giác thiếu thốn tình cảm kéo dài có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc và những hành vi thiếu kiểm soát.
Kết quả nghiên cứu vào đầu năm 2015 tại Cần Thơ cho thấy, tỉ lệ bạo lực học đường ở học sinh lớp 4-5 lên đến 22,28%, con số này ở cấp trung học (gồm THCS và THPT) là 21,8%.