Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bartender ở TP.HCM mở tiệm ốc, làm shipper, chờ được quay lại quầy bar

Khi các quán bar ở TP.HCM chưa được hoạt động trở lại, nhiều bartender phải làm công việc khác để trang trải cuộc sống. Đa số đều mong sớm được quay lại với công việc yêu thích.

"Ốc móng tay và sò điệp nướng mỡ hành của bạn đây. Lần sau lại ghé ủng hộ nhé", Miley Nguyễn (sinh năm 1997) vừa nói, vừa niềm nở đóng gói thức ăn cho thực khách mang về.

Hơn 2 tuần trước, vợ chồng cô mở tiệm ốc trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Vốn là bartender, gắn bó với quầy bar và các loại rượu, Miley hiện chuyển sang đứng bếp xào ốc, nướng vẹm cho hàng chục lượt khách mỗi ngày.

"Tôi tạm dừng làm bartender từ tháng 4, khi dịch bệnh manh nha khiến các quán bar phải đóng cửa. Nhiều tháng qua, tôi tìm đủ cách xoay xở, trang trải cuộc sống cho gia đình, rồi quyết định mở tiệm ốc cùng chồng", cô chia sẻ với Zing.

bartender mo tiem oc,  lam shipper anh 1

Khi phải tạm dừng công việc bartender vì dịch bệnh, Miley Nguyễn quyết định mở tiệm ốc cùng chồng.

Đứng bếp nhưng nhớ quầy bar

6h mỗi ngày, vợ chồng Miley bắt đầu tất bật chuẩn bị cho một ngày bán hàng mới. Trong khi chồng cô tới nhà xe ở quận 6 nhận hải sản gửi lên từ tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bình Thuận, nữ bartender lại ra chợ mua rau tươi, nguyên liệu khác về sơ chế.

Tới 16h, vợ chồng cô đẩy xe hàng ra trước cửa, xếp thêm 5-6 chiếc bàn nhựa trong sân nhà cho khách ngồi tại chỗ.

Chỉ vài tiếng sau khi mở bán, tiệm ốc nhanh chóng đông dần, thu hút nhiều người tới mua về thưởng thức. Hai vợ chồng cô cùng một nhân viên chia nhau nhận đơn, chế biến và trả hàng cho thực khách.

"Quán mới mở, nhưng may mắn được bạn bè trong ngành qua ủng hộ khá nhiều. Từ khi đón khách tại chỗ, việc kinh doanh của nhà tôi cũng thuận lợi hơn. Mỗi ngày, tôi có thể bán được nhiều nhất 300 suất", Miley cười, nói.

Chia sẻ với Zing, nữ bartender cho biết công việc ở tiệm ốc không phải giải pháp đầu tiên để đối phó với vấn đề thu nhập trong dịch. Suốt 4 tháng giãn cách, cô và chồng đã xoay xở nhờ bán nông sản, thực phẩm đông lạnh.

"Sau một tháng đầu nghỉ dịch, tôi không còn bình tĩnh được nữa. Hai vợ chồng nảy ra ý định mở tiệm ốc để kinh doanh, có thu nhập ổn định hơn. Chúng tôi làm trong ngành F&B khá lâu năm, lại thích ăn ốc nên chọn bán món này", Miley Nguyễn kể.

Cô cho biết công thức nấu ăn, pha chế sốt chấm đều do hai vợ chồng sáng tạo ra dựa theo kinh nghiệm kết hợp hương vị, nêm nếm lâu năm. Dù việc kinh doanh đang dần đi vào quỹ đạo, Miley vẫn nhớ cảm giác được đứng sau quầy bar, thỏa sức sáng tạo với các loại rượu.

"Cá nhân tôi thấy mở tiệm ốc vất vả hơn làm bartender, nhưng lại giúp tôi có thu nhập và tự chủ được trong tình hình hiện tại. Đứng bếp mà tôi thấy nhớ quầy bar lắm", cô nói.

Sẵn sàng làm nghề khi có cơ hội

Cũng là một bartender phải tạm xa quầy bar do dịch bệnh, Nguyễn Quốc Tú (sinh năm 1995) đã lựa chọn giải pháp kiếm tiền tạm thời - làm shipper.

Vốn đã quen với không khí nhộn nhịp tại quầy bar cùng nhịp sinh hoạt lúc nửa đêm, việc làm mới đã khiến Tú phải thay đổi rất nhiều thói quen của mình.

“Tài xế giao hàng là một công việc trái ngược hoàn toàn với cuộc sống trước đây của tôi. Khi là một bartender, tôi thường thức rất khuya và trở về nhà khi trời tờ mờ sáng. Nhưng giờ đây, tôi đã ngủ sớm hơn để có thể bắt đầu công việc vào sáng hôm sau”, Tú kể.

Từ sau đợt dịch đầu tiên, Tú đã có ý định tìm "nghề tay trái" để củng cố tài chính, phòng khi các quán bar phải đóng cửa. Thế nhưng, đến đợt dịch thứ 4, anh mới phải chính thức sống nhờ công việc phụ này.

“Làm shipper giúp tôi có được nguồn thu nhập vừa đủ cho cuộc sống, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Sau nhiều tháng đi giao hàng, tôi đã rút được kha khá kinh nghiệm cho bản thân. Ví dụ, tôi thường đi làm lúc trưa nắng bởi đó là thời điểm có nhiều đơn hàng hơn”, Tú nói.

Tú bén duyên với nghề pha chế từ năm 2015, khi đó anh mới chỉ làm việc ở một tiệm trà sữa nhỏ. Sau đó, kinh nghiệm và kỹ năng nâng cao hơn, anh chuyển sang làm việc một quán bar ở quận 1.

Đối với Tú, nghề bartender không chỉ là công cụ kiếm sống mà còn là đam mê rất lớn. Nhiều tháng ở nhà, dù đầu óc căng thẳng với các lo toan, Tú vẫn thường tự mang đồ ra pha chế để vơi đi nỗi nhớ quầy bar.

“Không chỉ mình tôi mà hầu như tất cả bartender đều ‘ngứa tay’ khi phải ở nhà mấy tháng vừa qua. Tôi có tham gia những cuộc thi online dành cho bartender, đó là cách để tôi đỡ nhớ quầy cũng như tận dụng hết những nguyên liệu còn lại trong nhà”, Tú cho hay.

Hiện tại, Tú đang chờ đợi tình hình dịch bệnh ổn định và các quán bar được hoạt động trở lại như trước. Khi đó, anh sẽ quay trở về với quầy bar, rượu và bộ dụng cụ thân thuộc của mình.

“Bartender là đam mê của tôi. Tôi sẽ pha chế mỗi khi có cơ hội, dù làm ở bất cứ đâu. Giờ đây, thậm chí được gọi phục vụ cho một bữa tiệc nhỏ, tôi cũng sẵn sàng làm”.

"Nhớ cuộc sống nightlife"

Thay vì tới quán, gặp gỡ khách hàng trực tiếp như trước dịch, Nguyễn Hoàng Tú Quyên (sinh năm 1997) và Phan Thanh Nam (sinh năm 1995) lại tìm cách kết nối với các bartender, người trẻ tò mò về nghề bar qua mạng xã hội.

Nửa năm qua, khi phải tạm dừng công việc vì dịch bệnh, cả hai nảy ra ý tưởng sáng tạo video tại nhà và đăng tải lên mạng.

bartender mo tiem oc,  lam shipper anh 6

Tú Quyên và Thanh Nam lập kênh cá nhân trên mạng xã hội, sáng tạo nội dung về nghề bartender để vơi đi nỗi nhớ quầy bar. Ảnh: NVCC.

Các đoạn clip do Quyên và Nam thực hiện tập trung vào nội dung "gỡ rối" cho người trẻ khi đi bar, giới thiệu một số thức uống phù hợp và chia sẻ kinh nghiệm cho khán giả muốn theo đuổi nghề bartender.

"Chúng tôi có ý tưởng làm nội dung trên mạng xã hội từ lâu, song tới đợt dịch lần này mới có thời gian để hiện thực hóa nó. Dù phải tạm xa quầy bar nhiều tháng, hai đứa cũng cố tìm các dự án sáng tạo để làm việc từ xa, kiếm thêm thu nhập và duy trì đam mê", Hoàng Quyên chia sẻ.

Với Quyên và Nam, đây là lần đầu cả hai bắt tay vào sáng tạo và sản xuất nội dung. Họ phải tự mày mò học quay dựng, đi mượn từng thiết bị như máy ảnh, đèn chiếu...

"Ban đầu, hai đứa chưa có kinh nghiệm nên video chưa đẹp lắm. Chúng tôi cứ nhận góp ý từ bạn bè, khán giả rồi rút kinh nghiệm dần dần. Giờ clip chỉn chu hơn rồi, tôi với anh Nam cũng tiết kiệm tiền để sắm sửa thêm thiết bị cho công việc này", Quyên kể.

Nữ bartender cho biết hoạt động hiện tại của cô không đem lại thu nhập. Dù thế, cả hai vẫn muốn thực hiện vì mong có thể chia sẻ câu chuyện về nghề, với đi nỗi nhớ công việc.

"Đọc bình luận của khán giả, tôi thấy ai cũng nhớ quầy bar, nhớ cuộc sống nightlife như mình. Tôi vừa vui vì được mọi người ủng hộ, vừa tiếc nuối vì chưa biết tới khi nào mới được gặp lại những vị khách thân quen", cô chia sẻ.

Phố Tây Bùi Viện, khu Thảo Điền ảm đạm dịp Halloween

Khác với không khí náo nhiệt mọi năm, khu Bùi Viện (quận 1) và Thảo Điền (TP Thủ Đức) dịp Halloween năm nay lại vắng vẻ lạ thường, hiếm người hóa trang xuống phố tiệc tùng.

Trang Minh - Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm