Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt băng làm giả giấy ly hôn, kết hôn

"Khách hàng có nhu cầu thì nhóm này đều đáp ứng, kể cả làm giấy kết hôn, giấy ly hôn", một cán bộ trong ban chuyên án chia sẻ.

Ngày 27/8, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đang tạm giữ 15 người trong đường dây làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước.

Theo cảnh sát, đường dây này do Nguyễn Trọng Dương (31 tuổi, ngụ Đồng Nai), Trần Đức Toàn (ngụ TP.HCM), Nguyễn Thanh Phong (44 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cùng một người khác tổ chức.

Bốn người này cùng một đường dây nhưng do ăn chia không đều, họ tách ra. Mặc dù 4 người làm ăn riêng, khi cần họ vẫn hỗ trợ nhau để làm giả hàng nghìn giấy tờ như sổ đỏ, thẻ căn cước, bằng tiến sĩ, thẻ nhà báo, biển số xe...

San xuat giay to gia anh 1

Hơn 50 máy móc, công cụ sản xuất giấy tờ giả được nhập từ nước ngoài. Ảnh: Lê Trai.

Cơ quan chức năng cho biết nhóm làm giả giấy tờ có tất cả phôi dấu của cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương. Các sản phẩm sau khi hoàn thiện được các nghi phạm dùng kính hiển vi soi lại, nếu phát hiện một chi tiết lỗi dù nhỏ cũng loại bỏ.

Tại mỗi tỉnh thành, nhóm này đều có các chân rết tìm kiếm khách hàng và gom đơn hàng.

"Khách hàng có nhu cầu thì nhóm này đều đáp ứng, kể cả giấy kết hôn, giấy ly hôn. Đây là đường dây làm giả giấy tờ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện", một cán bộ trong ban chuyên án chia sẻ.

Đường dây này hoạt động từ năm 2017. Mỗi bộ hồ sơ, giấy tờ các nghi phạm lấy 3-10 triệu đồng.

San xuat giay to gia anh 2

Các nghi phạm trong đường dây sản xuất giấy tờ giả bị tạm giữ. Ảnh: Lê Trai.

Sau 5 tháng xác lập chuyên án, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Trần Ngọc Hà chỉ đạo "cất lưới".

Chiều 25/8, hàng trăm cảnh sát của Cục C02, Phân Viện khoa học hình sự tại TP.HCM, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Công an TP.HCM và Công an tỉnh Đồng Nai ập vào 8 địa điểm, bắt quả tang nhiều người đang làm giả các tài liệu.

Cảnh sát cho biết việc điều tra chuyên án này gặp rất nhiều khó khăn bởi thủ đoạn của các nghi phạm rất tinh vi. Kẻ cầm đầu chủ yếu điều hành qua điện thoại và mạng xã hội. Nhiều người trong đường dây không biết mặt hay tên "ông trùm".

"Những kẻ cầm đầu rất cảnh giác, thường thay đổi cách thức giao hàng cũng như nơi sản xuất. Ở những địa điểm mới, họ mua chuộc người địa phương để cảnh giới, gây khó khăn cho hoạt động trinh sát”, lãnh đạo Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, cho hay.

Đến nay, cảnh sát đã triệu tập 18 người lên làm việc, trong đó có 15 người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp. Nhà chức trách đang mở rộng điều tra, truy bắt những người còn lại trong đường dây trên.

Bộ Công an phá đường dây làm giấy tờ giả

17 nghi phạm trong đường dây sản xuất giấy tờ giả bị Bộ Công an bắt giữ. Hàng nghìn sổ đỏ, bằng cấp, thẻ nhà báo được nhà chức trách niêm phong.

Lê Trai

Bạn có thể quan tâm