Từ năm 2017, các trường đại học bắt đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL làm một trong những tiêu chí kết hợp để tuyển đại học.
Mùa tuyển sinh năm 2023, hơn 100 trường trên cả nước sử dụng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển đại học chính quy.
Năm nay, trong bối cảnh tuyển sinh đại học ngày càng ít phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, dự kiến số lượng các trường sử dụng phương thức xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này ngày một tăng. Vô hình trung, chính sách này đã tạo ra “cuộc đua" IELTS để thí sinh rộng cửa vào đại học.
IELTS giúp thí sinh có thêm cơ hội
Ngay từ lớp 10, Phương Anh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) đã đăng ký học IELTS, dự định đạt band điểm 6.5 để đăng ký vào các trường đại học đào tạo khối ngành Kinh tế.
Nữ sinh cho biết em đã quan sát các mùa tuyển sinh trước đó và nhận thấy có thể đỗ đại học theo hình thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ kèm theo các các tiêu chí khác như điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ.
Ngoài ra, vì học khối D (Toán, Văn, Anh), Phương Anh cho rằng việc học IELTS sẽ “một công đôi việc", em vừa có thêm chứng chỉ quốc tế để xét tuyển sớm, vừa tích hợp ôn tiếng Anh để thi tốt nghiệp THPT.
“Em đặt mục tiêu vào đại học nhờ chứng chỉ tiếng Anh, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ. Nếu trúng tuyển sớm bằng phương thức xét kết hợp chứng chỉ IELTS và học bạ, em sẽ đỡ áp lực hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT", Phương Anh chia sẻ.
Học sinh đầu tư học IELTS từ sớm để chuẩn bị cho việc tuyển sinh đại học. Ảnh: Unplash. |
Tương tự, dù chỉ mới học lớp 11, Huyền My (sống ở Hà Tĩnh) đã sốt sắng lo việc học IELTS để chuẩn bị xét tuyển đại học sau này. Trao đổi với Tri thức - Znews, Huyền My cho biết em bắt đầu học IELTS ngay khi vừa lên lớp 10. Do sống ở một huyện miền núi, My phải đi hơn 50 km đến thành phố để học IELTS ở trung tâm với mức học phí 5 triệu đồng/khóa, mỗi khóa 20 buổi.
Sau khi học 2 khóa trực tiếp ở trung tâm, Huyền My quyết định dừng học và đổi qua một khóa học online với mức học phí rẻ hơn một chút. Cũng nhờ đó, em tiết kiệm được thời gian và chi phí đi học trực tiếp như trước.
Nói thêm về việc học IELTS, Huyền My cho biết em đặt mục tiêu đạt IELTS 7.0 để nộp hồ sơ vào một trường đào tạo kinh tế ở Hà Nội. Bắt đầu theo đuổi chứng chỉ này khi trình độ tiếng Anh ở mức vừa phải, không quá giỏi nên nữ sinh cũng khá áp lực, buộc mình phải học nhiều hơn, nhanh hơn để bắt kịp tiến độ và “đạt aim” vào cuối học kỳ 1 lớp 12.
“Em học khối A (Toán, Lý, Hóa) nhưng phải đến nửa lớp học IELTS để xét tuyển đại học. Em cũng như các bạn, vừa sợ thi kiểu mới sẽ khó đạt điểm cao, vừa sợ các trường giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nên bọn em phải kiếm thêm điểm IELTS cho dễ đậu đại học”, nữ sinh chia sẻ.
Nhưng cũng tạo áp lực
Trao đổi với Tri thức - Znews, Phương Anh nhận định việc các trường đại học áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ giúp thí sinh “rộng cửa" vào đại học. Thế nhưng, nữ sinh cũng thừa nhận việc bổ sung phương thức này cũng khiến thí sinh tăng áp lực.
Theo Phương Anh, học phí luyện thi IELTS không hề rẻ. Hai năm qua, em đã chi 35 triệu đồng tiền học phí và phí thi. Đó là chưa kể tiền đi lại do em ở ngoại thành Hà Nội, cách nội thành khoảng 50 km, mỗi lần đi học, em phải tốn thêm tiền di chuyển đến trung tâm.
“Với điều kiện gia đình ở vùng nông thôn như em, 35 triệu đồng là con số không hề nhỏ. Em nhận thấy áp lực về tài chính khiến nhiều bạn khó tiếp cận chứng chỉ này, dẫn đến các bạn thiệt thòi hơn khi xét tuyển đại học”, Phương Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phương Anh nhận thấy chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đang bị chia nhỏ với nhiều phương thức. Nếu chỉ sử dụng mỗi xét điểm thi tốt nghiệp THPT, em sẽ ít cơ hội vào đại học hơn. Bởi vậy, em buộc phải thi IELTS để có thêm lựa chọn khác.
Thế nhưng, chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ cũng thường rất ít (đa số 5-20% chỉ tiêu). Chính vì vậy, thí sinh cũng thêm áp lực cạnh tranh bởi “IELTS 7.0-8.0 nhiều vô kể".
Nữ sinh cũng nói rằng để học IELTS, em đã rất vất vả khi vừa phải hoàn thiện các môn văn hóa, đồng thời phải đảm bảo thời gian ôn thi chứng chỉ này bởi không thể ngày một ngày hai là thành thạo. Đã có thời gian, do tập trung quá nhiều vào IELTS, Phương Anh học yếu hẳn các môn văn hóa ở trường.
“Suốt 2 năm vừa rồi, em luôn trong trạng thái mệt mỏi, ‘hụt hơi' trong cuộc đua vào đại học. Dù từng thi học sinh giỏi tiếng Anh, em cảm nhận học thi IELTS vẫn rất khó bởi chương trình này đòi hỏi kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Em bị vỡ mộng bởi ban đầu vẫn nghĩ IELTS chắc chỉ khó hơn tiếng Anh thông thường một chút", Phương Anh cho hay.
“Bất ổn, hay khóc" là trạng thái mà nữ sinh trải qua trong 4 tháng cuối trước khi thi. Mỗi tuần, em đều dành 10-15 giờ để học chứng chỉ này. Áp lực tâm lý, cuối cùng, Phương Anh thi đạt 6.0 IELTS. Dù không được như kỳ vọng, nữ sinh cho hay em sẽ không thi lại bởi quá ám ảnh. Hơn nữa, nếu thi lại, em sẽ lại mất thêm chi phí. Vì vậy, em không muốn tạo thêm gánh nặng cho bố mẹ
Phương Anh nói em sẽ dành thời gian ôn tập chắc chắn 2 môn Toán, Văn để khi xét kết hợp với IELTS, điểm tổng sẽ kéo lên.
Học IELTS liên tục khiến học sinh đau đầu, căng thẳng. Ảnh minh họa: Pexels. |
Tương tự, “học vừa đắt vừa mệt” là những điều Huyền My mô tả khi nói về việc học IELTS. Dù đã đổi hình thức học, thời khóa biểu và những áp lực khi học IELTS của nữ sinh vẫn không giảm bớt. Mỗi tuần, My học 4 buổi IELTS chia đều cho 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, mỗi buổi học kéo dài trong 3 giờ.
Chương trình học chính khóa của nữ sinh kín cả tuần, bao gồm sáng và chiều nên thường em phải tranh thủ ăn vội bữa tối để học IELTS. Đó là chưa kể My còn phải học thêm những môn khác như Toán, Vật lý và Hóa học để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Buổi học IELTS của My bắt đầu từ 19h và sẽ kết thúc vào 22h. Mỗi lần tan học, nữ sinh đều cảm thấy “choáng váng” vì phải nạp quá nhiều kiến thức trong thời gian dài. Học IELTS xong, em chỉ muốn leo lên giường ngủ luôn, không còn năng lượng để ôn lại bài và làm bài tập trên lớp.
“Nhiều khi em cứ nghĩ hay là nghỉ học IELTS cho đỡ mệt với đỡ tốn tiền của mẹ, nhưng giờ lỡ đâm lao nên em đành phải theo lao, mệt đến mấy em cũng phải cố để kiếm được cái chứng chỉ”, nữ sinh tâm sự.
Dù còn hơn một năm nữa mới đến kỳ tuyển sinh dành cho học sinh 2007, những học sinh lớp 11 như Huyền My đã phải chịu áp lực rất lớn. Bên cạnh việc làm quen với chương trình và đề thi kiểu mới, nữ sinh còn phải tìm đủ cách để đảm bảo mình có một suất vào ngành học mong muốn.
Xét tuyển bằng IELTS chỉ là một phần trong rất nhiều phương thức xét tuyển của các trường đại học hiện nay, bản thân Huyền My không đòi hỏi các trường thay đổi phương thức xét tuyển hay tăng chỉ tiêu, em chỉ mong các trường áp dụng tiêu chuẩn phù hợp để học sinh đỡ áp lực chạy theo điểm số. Nữ sinh đề xuất các trường áp dụng điểm chuẩn IELTS nhẹ nhàng vừa phải, tránh yêu cầu đầu vào quá cao khiến những học sinh không có điều kiện học IELTS mất đi cơ hội vào đại học.
Giáo viên cũng lo lắng khi học sinh chạy theo IELTS
Bàn về việc tuyển sinh đại học bằng IELTS hiện nay, thầy Hữu Đạt, giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội, nói rằng phương thức này vừa mở ra cơ hội cho thí sinh, vừa khiến các em vất vả.
Về cơ hội, thầy Đạt nói rằng tiếng Anh nói chung và chứng chỉ IELTS nói riêng hiện được phổ cập và nhân rộng. Học sinh được tiếp xúc sớm với tiếng Anh thông qua các phương tiện truyền thông nên có nền tảng tốt hơn thế hệ trước. Ngoài ra, chương trình học đổi mới liên tục, các cơ quan giáo dục cũng chú trọng nâng cao chất lượng dạy học nên trẻ cũng được hưởng lợi nhiều từ điều đó.
Khi IELTS được đưa vào tuyển sinh, thầy Đạt tin rằng đấy là dấu hiệu cho thấy loại chứng chỉ này được xã hội công nhận trên diện rộng. Học sinh có IELTS đồng nghĩa với việc các em có thêm cơ hội vào những trường tốt, ngành tốt. Khi vào đại học hay đi thực tập, tìm việc sau này, các em cũng cơ cơ hội nhiều hơn, nhất là khi học và làm việc ở môi trường quốc tế.
Trái lại, IELTS vẫn có những mặt hạn chế. Thầy Đạt lấy ví dụ chứng chỉ này sẽ không phản ánh được toàn bộ khả năng học tập của một người, IELTS cao cũng không chứng minh được học sinh đó giỏi khoa học, kinh tế, kỹ thuật…
IELTS, hay những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khác, cũng gây áp lực về mặt tinh thần và tài chính cho học sinh. Thầy Đạt lo ngại học sinh sẽ quá chú trọng vào IELTS rồi bỏ bê những môn học khác, trong khi các môn thi như Toán, Văn, Vật lý, Địa lý… cũng rất quan trọng vì nó phản ánh trình độ của học sinh theo từng lĩnh vực nhất định.
Ngoài ra, thầy giáo nêu rằng việc dùng IELTS để tuyển sinh cũng có nguy cơ làm tăng chênh lệch cơ hội vào đại học giữa nhóm thí sinh có điều kiện và nhóm thí sinh không có điều kiện. Ví dụ học sinh ở thành phố lớn, gia đình thu nhập cao sẽ có khả năng đạt điểm IELTS cao hơn so với học sinh ở vùng sâu vùng xa, gia đình thu nhập thấp hoặc trung bình.
“Tôi mong rằng các trường sẽ quy đổi mức điểm tương đương phù hợp, như vậy, học sinh cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn”, thầy giáo nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.Điểm thi THPT 2022
Nam sinh tốt nghiệp điểm cao nhất Bách khoa tự trách vì đỗ đại học
Là người duy nhất trong số 3 anh em trai được đi học đại học, thế nhưng, Dương nhiều lần tự trách vì bản thân mang thêm gánh nặng cho gia đình.
Hơn 11.500 thí sinh tranh suất sớm vào trường Sư phạm
Sáng 11/5, hơn 11.500 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để tranh suất vào các trường Sư phạm trên cả nước.
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024
Cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm 2023 khoảng 43.300 em.
Tỷ lệ chọi vào trường chuyên Hà Nội giảm mạnh, có lớp giảm hơn một nửa
Theo số liệu thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, tỷ lệ chọi vào 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên của thành phố giảm mạnh.
IDP lên tiếng vụ cấp 56.200 chứng chỉ IELTS không hợp lệ
Bộ GD&ĐT nói 56.200 chứng chỉ IELTS do IDP cấp không hợp lệ, song đơn vị này khẳng định số chứng chỉ này được 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận.