Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt tạm giam 8 người về hành vi cho vay lãi nặng

Lợi dụng sự khó khăn về tài chính của người dân, các “bẫy tín dụng đen" ngày càng tinh vi, biến tướng khiến nhiều người khổ sở vì nợ nần.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh xảy ra 830 vụ, trong đó nổi lên tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Công an đã điều tra làm rõ 6 vụ, bắt giữ, khởi tố 8 người.

Trong đó, ông Phạm Bá Thụy, ở thị xã Bến Cát, cho bà Phạm Ngọc Tiến vay 90 triệu đồng, nhưng do bà Tiến không có tiền trả, nên lãi cộng dồn lên đến 10 tỷ đồng. Lãi suất ông Thụy tính là 6-24% một ngày, chu kỳ lấy lãi là 5 ngày, 10 ngày hoặc một tháng. Sau nhiều lần bị đe dọa, bà Tiến đã trả cho Thụy gần 4 tỷ đồng tiền lãi. Hay vụ ông Huỳnh Văn Việt, ngụ TP.HCM, bị Công an thị xã Tân Uyên bắt quả tang khi đang thu tiền lãi của người vay.

vay lai nang anh 1

Phạm Bá Thụy bị công an bắt giữ.

Việt khai từ đầu năm 2019 đến nay đã cho trên 30 người vay với số tiền gần 3 tỷ đồng và đã thu lợi hơn 3 tỷ đồng với mức lãi suất 360%/năm.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, hiện nay, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" sử dụng phương thức tinh vi, biến tướng nguy hiểm. Các nghi phạm cho vay không gặp trực tiếp người vay mà chỉ cần kết nối qua Facebook. Người vay không cần cung cấp giấy tờ tùy thân mà chỉ cần gửi hình ảnh nhạy cảm của cá nhân, số điện thoại của người thân là được cho vay.

Một hình thức khác, những người cho vay lập các hợp đồng "giả cách" với người vay tín chấp, thế chấp. Người vay không có khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay. Gắn liền với thủ đoạn trên là thủ đoạn "mua bán nợ". Chủ nợ lập hợp đồng với công ty "mua bán nợ", hay còn gọi là công ty đòi nợ thuê để đòi nợ bằng cách gọi điện thoại khủng bố, đe dọa người vay, hoặc bạn bè, chủ doanh nghiệp nơi họ làm việc.

Là một trong 3 doanh nghiệp vừa gửi đơn trình báo Công an tỉnh Bình Dương về việc bị khủng bố, bà Huỳnh Đoan Tố Thư, Giám đốc an ninh Công ty Esquel Garment Manufacturing cho biết năm 2020, có một công nhân của công ty đi vay "nóng", một năm sau do người này không còn khả năng chi trả, nên các nghi phạm bèn gọi điện "khủng bố" 26 người trong ban giám đốc.

Bà Thư mong muốn bộ phận an ninh mạng của công an làm sao ngăn chặn lỗ hổng, rò rỉ bảo mật thông tin cá nhân. Bởi sắp tới Bộ Công an tích hợp tất cả thông tin cá nhân vào căn cước công dân, nên phải "lấp" lỗ hổng để người dân có niềm tin. Cùng với đó, bà Thư mong các cấp chính quyền, cơ quan công an có biện pháp điều tra ra những tổ chức tội phạm liên quan đến an ninh mạng, ngăn chặn những lỗ hổng bảo mật thông tin.

Để đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen", Công an tỉnh Bình Dương đang tăng cường tuyên truyền để người dân, công nhân cảnh giác, phòng ngừa; phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để chủ động phát hiện, cung cấp các thông tin. Đồng thời phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, có phương án kịp thời ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác và có hành vi khủng bố.

2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.

Người đàn ông bị đánh vì quỵt tiền mua dâm

Sau khi An mua dâm, thấy người đàn ông này không mượn được tiền trả cho mình, T. bực tức cùng nhóm nghi phạm đánh An.

https://vov.vn/phap-luat/khoi-to-bat-tam-giam-8-doi-tuong-ve-hanh-vi-cho-vay-lai-nang-post985268.vov

Thiên Lý/VOV

Bạn có thể quan tâm