![]() |
Bệnh nhi được điều trị tích cực thở máy, ECMO. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết bệnh nhi là bé gái L.N.B.Tr., ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Trước nhập viện 4 ngày, trẻ sốt nhẹ, mệt, nhức đầu, ói. Khi khám ở phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa nhưng điều trị không thuyên giảm.
Đến ngày thứ 4, bé mệt lả, đau ngực, tay chân lạnh, được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc nặng, huyết áp khó đo, rối loạn nhịp tim. Xét nghiệm cho thấy men tim troponin I tăng cao đến 2.034 pg/ml (bình thường dưới 400), lactate máu ở mức nguy hiểm 12 mmol/L (bình thường dưới 2).
Trẻ được đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch và nhanh chóng chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, bé nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tím tái, mạch khó bắt, huyết áp tụt, nhịp tim thất dao động 180-200 lần/phút. Siêu âm tim cho thấy chức năng tim suy giảm nghiêm trọng, phân suất tống máu (EF) chỉ còn 20-24% (bình thường 60-80%).
Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp thất. Trẻ lập tức được đặt máy thở, dùng nhiều loại thuốc vận mạch và thuốc chống loạn nhịp. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, ê-kíp hồi sức quyết định khởi động hệ thống ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) với chế độ V-A ECMO. Ống dẫn được đặt tại động mạch và tĩnh mạch đùi để thay thế hoàn toàn chức năng tim phổi trong thời gian cấp cứu.
Trong quá trình điều trị, bé gái liên tục đối mặt với biến chứng suy đa cơ quan, tổn thương gan và thận nặng. Bệnh nhi phải lọc máu liên tục 3 đợt, truyền máu, tiểu cầu, điều chỉnh toan kiềm và điện giải, sử dụng thuốc bảo vệ gan và kháng sinh điều trị bội nhiễm phổi. Ê-kíp ECMO cùng các bác sĩ hồi sức tích cực đã phối hợp sát sao để duy trì huyết động và hỗ trợ từng cơ quan.
Sau 10 ngày chạy ECMO, chức năng tim của trẻ bắt đầu hồi phục. Nhịp tim trở về nhịp xoang đều, EF cải thiện lên 52-54%, huyết áp ổn định. Trẻ được cai ECMO, rút ống mạch máu, dần được cai máy thở và lọc máu thêm 5 đợt. Hai tuần sau, chức năng gan thận cũng phục hồi, bé tỉnh táo, tự thở khí trời và tiểu tiện bình thường.
Theo bác sĩ Tiến, viêm cơ tim ở trẻ em thường diễn tiến nhanh và dễ bị nhầm với bệnh lý tiêu hóa do triệu chứng khởi phát là sốt nhẹ, mệt, đau đầu, ói. Tuy nhiên, phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như tay chân lạnh, tím tái, ngất xỉu, đau ngực, khó thở... vì đó có thể là biểu hiện của viêm cơ tim biến chứng.
Bác sĩ Tiến cho hay trẻ lớn và cả người trưởng thành đều có thể mắc viêm cơ tim do virus, nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường sáng nắng chiều mưa. Việc chẩn đoán và điều trị sớm tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi là yếu tố sống còn.
Cuốn sách Đứa trẻ khỏe mạnh về cảm xúc mang tới cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của việc giáo dục trong quá trình định hình tính cách của con trẻ. Trong hành trình nuôi dưỡng một đứa trẻ việc xây dựng một thế giới tinh thần phong phú, quan trọng không kém gì quá trình phát triển về thể chất tới cho các bà mẹ nhiều kiến thức hữu ích trong năm đầu nuôi con.