Các sàn thương mại điện tử ở Hàn Quốc liên tiếp dính vào các lùm xùm bán hàng hiệu giả, khiến người dùng đồng loạt quay lưng, theo Korea Times.
Tháng trước, Balaan, sàn thương mại chuyên bán các mặt hàng cao cấp ở xứ kim chi bị một khách hàng tố bán đôi giày Nike Air Jordan 1 Retro High Og X Travis Scott Mocha không chính hãng.
Nhiều website bán hàng hiệu trực tuyến gặp khó khăn sau cáo buộc bán hàng giả. Ảnh minh họa: The Korea Times. |
Hồi đầu tháng 4, Musinsa, website thương mại trực tuyến thời trang lớn nhất Hàn Quốc, dính bê bối bán quần áo nhái hãng Essentials, một nhãn hàng con của thương hiệu xa xỉ Fear of God đến từ Mỹ.
Nhiều khách hàng hiện bắt đầu nghi ngờ về chất lượng của những món đồ hiệu được rao bán trên Internet. Đa số cho biết họ không bao giờ ngờ tới việc mua phải hàng giả vì ngầm tin tưởng những bên phân phối lớn luôn đáng tin cậy.
Hệ quả, người tiêu dùng bắt đầu tránh giao dịch, mua bán hàng cao cấp qua các nền tảng mua sắm điện tử.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Mobile Index vào ngày 12/7, lượng người dùng hoạt động hàng tháng của các sàn thương mại điện tử cao cấp Hàn Quốc đã giảm 40% so với tháng trước.
Cụ thể, Balaan giảm từ 820.000 người dùng vào tháng 4 xuống còn 600.000 vào tháng trước, trong khi Tren: be's giảm từ 700.000 người dùng vào tháng 3 xuống còn 470.000 vào tháng 6.
Các website bán đồ hiệu online ở Hàn Quốc đang chật vật lấy lại lòng tin của khách hàng. Ảnh minh họa: The Korea Times. |
Nhờ nguồn hàng có được từ bên thứ ba hoặc từ việc người dùng tự bán, giá bán online thường thấp hơn giá tại các trung tâm thương mại hay cửa hàng cao cấp. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm khó có thể kiểm chứng.
Chia sẻ về vụ việc, đại diện giấu tên của một sàn thương mại điện tử cho biết: “Do đặc thù của việc giao dịch xa xỉ phẩm, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn nếu mất đi lòng tin của khách hàng. Một vụ bê bối không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của công ty đó, mà còn ảnh hưởng tới nhiều công ty khác trong cùng lĩnh vực. Vậy nên việc nhận lại tin tưởng của khách hàng cần được đặt lên hàng đầu”.
Trong một nỗ lực để giữ chân khách hàng, sàn Balaan mới đây triển khai việc kiểm định sản phẩm cao cấp được bán và đưa ra chính sách hoàn tiền nếu khách hàng phát hiện mình mua phải hàng nhái.
Nền tảng mua sắm điện tử Musinsa cũng đã hợp tác với Hiệp hội Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại để kiểm soát chất lượng đồ hiệu trước khi chúng được đăng bán trên mạng.