Khoa Điều trị Liệt vận động, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội), vừa tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Hoàng My (đã đổi tên, 12 tháng tuổi, ở Tuyên Quang) liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vì nhiễm lạnh.
Trước đó, gia đình phát hiện má bé có dấu hiệu sưng, sau đó mắt bị nhíu sang một bên, đặc biệt khi cười, mặt bé bị kéo lệch về một bên. Theo chia sẻ của gia đình, trước khi xảy ra sự việc, bé My được nằm điều hòa và dùng quạt.
Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bệnh nhi được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7 do lạnh.
Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Ảnh: HH. |
Thạc sĩ, bác sĩ Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động, cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận trẻ bị dây thần kinh số 7 do bị nhiễm phong hàn (gió lạnh).
Bệnh có thể gặp phải ở các thời điểm trong năm nhưng thường gặp nhiều khi trời chuyển lạnh đột ngột, thời tiết đại hàn. Nhiều trường hợp mắc bệnh do nằm điều hòa lạnh, quạt thổi vào người, tắm muộn về đêm.
"Trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh thường rất đột ngột liệt mặt, mặt méo sang bên đối diện, ăn uống bị rơi vãi, thức ăn bị đọng bên má, một bên mắt bị tổn thương và khi nhắm mắt không kín", bác sĩ Tâm nói.
Chuyên gia khuyến cáo thời tiết đang giao mùa, việc sử dụng quạt mát, điều hòa không đúng cách hoặc nằm trong phòng không kín có gió lạnh thổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Để tránh bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, người dân cần đảm bảo giữ ấm cơ thể, không tắm quá muộn, tắm nước lạnh, hạn chế uống rượu bia.
Khi mắc bệnh, người dân tuyệt đối không tự ý chữa bằng các phương pháp phản khoa học như đắp đuôi lươn, lá cây. Sai lầm này khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn, gây khó khăn trong quá trình điều trị.