Tiêm phòng có thể giúp trẻ hạn chế nguy cơ mắc lao. Ảnh: iStock. |
N.V.H. (5 tháng tuổi, Kiên Giang) nằm một mình, lọt thỏm giữa giường bệnh, khó nhọc hít thở khò khè từng cơn do lao. Thỉnh thoảng, H. giật mình quơ tay nhưng không thể phát ra tiếng hay mở mắt nhìn vì sức quá yếu.
Mẹ bé, chị N.N. (20 tuổi) cho hay con trai mình đã lâm vào tình trạng như vậy một tháng nay, sau một cơn co giật. Trước đó, bé thậm chí còn không thể cử động.
Mất phản ứng sau một cơn co giật
Một tháng trước, khi mới 4 tháng tuổi, H. bắt đầu xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh lao với những cơn nóng sốt bất thường. Đi khám tại bệnh viện địa phương, bé được cho uống thuốc điều trị hạ sốt.
“5 phút sau khi uống thuốc, bé lên cơn co giật dù trước đó gia đình vẫn còn ẵm bé chơi bình thường”, chị N. kể.
Nhận thấy tình trạng của con không ổn, chị N. và chồng (37 tuổi) lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang. Tại đây, bé được các bác sĩ lấy máu xét nghiệm và thông báo gia đình nên đưa trẻ lên bệnh viện tuyến cao hơn là Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ để chữa trị do bệnh viện hiện tại không đủ điều kiện chữa trị cho bé.
“Ngày hôm sau, bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang điện thoại cho phía Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Tuy nhiên, phía Cần Thơ từ chối nhận bé do tình trạng bé quá nặng và giới thiệu gia đình đứa trẻ lên bệnh viện ở TP.HCM”, chị kể.
Nghe tin, chị tức tốc bế con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) điều trị. Ở thời điểm này, bé H. đã mất phản ứng, không còn nhúc nhích, chỉ thở khò khè. Chồng chị cũng xin nghỉ hẳn công việc ở quê để lên TP.HCM chăm sóc con cùng vợ. Bé lớn mới 2 tuổi, được gửi cho gia đình 2 bên chăm sóc.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, anh chị được bác sĩ thông báo con bị bệnh lao phổi và lao màng não, tình trạng bệnh rất tệ. Chị cho hay mình không biết con bị lao từ ai do xung quanh bé không có ai bị lao.
Bé H. bị lao phổi và lao màng não. Ảnh: L.T. |
“Lúc đó, bác sĩ bảo tình trạng bệnh của con rất tệ. Nếu may mắn, bé có thể ở lại với gia đình, nhưng nếu tình trạng tệ hơn, bé có thể tử vong. Tôi như rụng rời tay chân, phải có chồng đỡ mới đứng vững được”, chị N. cho biết.
Ngoài ra, khi biết tình trạng bé H., vợ chồng chị cũng thông báo cho gia đình theo dõi sức khỏe bé lớn ở nhà. Cho đến nay, may mắn, bé vẫn chưa có biểu hiện gì bất thường.
Một tháng điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh, bé H. phải uống thuốc điều trị lao hàng ngày và thở oxi. Do lao phổi, bé không thở được bình thường vì đàm chèn phổi, bé lại không tự khạc ra được.
Từ không phản ứng được với xung quanh, H. bắt đầu có động đậy, tuy nhiên, do thể trạng còn yếu, mắt vẫn nhắm nghiền, chưa thể mở ra.
Hàng ngày, bé được mẹ cho ăn 8 cữ, mỗi lần cách nhau 3 tiếng. Chị N. cho hay mỗi lần cho con ăn, chị phải pha sữa vào bình rồi truyền vào cho con do bé không ăn được theo cách thông thường.
"Từ khi nhập viện đến nay, tình trạng của bé vẫn đều đều. Dù bé đã có những chuyển biến nhất định, bác sĩ cho hay tình trạng con vẫn chưa ổn. Dẫu vậy, gia đình tôi dù khó khăn cách mấy cũng sẽ cố gắng chạy chữa cho con đến cùng", chị N. nói.
Khám sàng lọc lao là điều tối quan trọng
Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Vi khuẩn lao thường tấn công vào phổi, cũng có thể gây tổn thương ở những cơ quan khác như não, tủy, thận và cơ xương khớp.
Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết để dễ nhớ, bệnh lao gồm 2 dạng là lao phổi và lao ngoài phổi. Lao ngoài phổi thường có có lao màng não, lao bụng, lao hạch, lao xương khớp...
"Bên cạnh lao phổi, lao hạch và lao màng não là 2 bệnh lao thường gặp ở trẻ em, tiếp theo là lao bụng. Lao xương khớp nặng hơn và hiếm gặp hơn", chuyên gia này cho hay.
Theo bác sĩ Quy, các đối tượng trẻ em sau đây có nguy cơ dễ mắc bệnh lao:
- Trẻ có người thân hoặc tiếp xúc với những người bị lao.
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch, đặc biệt là những đứa trẻ nhiễm HIV.
- Trẻ chưa được tiêm ngừa bệnh lao.
Đối với những trẻ có tiếp xúc với người bị lao, bác sĩ này nhận định việc khám sàng lọc lao là rất quan trọng. Việc này có thể giúp trẻ phát hiện bệnh và nhận hỗ trợ chăm sóc điều trị sớm.
"Điều trị lao cho trẻ em không khó, tuy nhiên, trẻ cần tuân thủ tốt quy trình uống thuốc hàng ngày", bác sĩ Quy nhận định.
Chuyên gia này khuyến cáo nếu bệnh nhân không tuân thủ uống thuốc đều đặn, bệnh có thể tái phát dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.