Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nhân bị rắn cắn suýt mất mạng vì chủ quan

Các nạn nhân bị rắn cắn chủ quan không đến bệnh viện ngay mà đều sử dụng thuốc nam tại nhà gây hậu quả nghiêm trọng.

Chỉ trong khoảng một tuần qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận 3 trường hợp người dân bị rắn cắn. Đáng chú ý, các nạn nhân thường chủ quan không đến bệnh viện ngay mà sử dụng thuốc nam tại nhà gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

suyt chet vi ran ho mang can anh 1
Anh Hà Văn Đ. đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn. Ảnh: VOV.

Nạn nhân đầu tiên là bà Hà Thị M. trú tại xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, nhập viện từ ngày 27/6 do bị rắn cắn vào bàn tay. Bà M. đã đắp thuốc nam ở nhà nhiều ngày trước khi đến bệnh viện.

Trường hợp thứ hai là ông Hoàng Quý S. trú tại xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn nhập viện ngày 28/6. Nạn nhân bị rắn cắn vào tay. Sau khi đắp thuốc nam được 8 tiếng có dấu hiệu đau nhức, suy hô hấp, ông S. mới nhập viện.

Trường hợp thứ 3 nhập viện ngày 30/6 là anh Hà Văn Đ., trú tại xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn. Nạn nhân bị rắn cắn vào mắt cá trong chân trái. Tuy nhiên, thay vì đến bệnh viện, nạn nhân cũng đã lấy thuốc nam về đắp. Sau 2 ngày, chân có dấu hiệu sưng, đau nhức buộc phải nhập viện điều trị.

suyt chet vi ran ho mang can anh 2
Chân của anh Hà Văn Đ. đã bị sưng nề, hoại tử sau 2 ngày đắp thuốc nam tại nhà. Ảnh: VOV.

Bác sĩ Đinh Thị Đầm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết 3 nạn nhân đều bị rắn hổ mang cắn. Bệnh nhân nhập viện với các dấu hiệu chung như sưng, đau nhức, nhiễm trùng và hoại tử xung quanh vết cắn.

Trường hợp nạn nhân Hà Thị M. đã ổn định sức khỏe. Bệnh nhân Hoàng Quý S. do tình trạng nhiễm độc nặng đã phải chuyển về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị. Nạn nhân Hà Văn Đ. tiếp tục điều trị tại khoa trong tình trạng sưng nề, vết hoại tử lan rộng.

Bác sĩ Đinh Thị Đầm cho biết ở tỉnh miền núi, số trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn không phải ít. Tuy vậy, nhiều người khá chủ quan khi sử dụng thuốc nam để điều trị.

“Nếu bị rắn cắn không biết rõ loại nên đến cơ sở y tế theo dõi. Nếu rắn thường thì theo dõi và tiêm phòng uốn ván do vết cắn. Nếu trường hợp nặng, cần xử trí, bác sĩ sẽ cho nhập viện, để giảm nguy cơ ảnh huởng tính mạng, hạn chế diễn biến bệnh có thể nặng thêm và giảm được thiệt hại về kinh tế cho người bệnh”, bác sĩ Đầm khuyến cáo.

200 người chết mỗi ngày vì bị rắn độc cắn Theo thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có từ 80.000-140.000 người thiệt mạng, tương đương khoảng 200 người chết mỗi ngày, vì bị rắn độc cắn.

Rắn hổ mang nguy hiểm thế nào?

Sơ cứu sai cách khi bị rắn hổ mang cắn có thể khiến chất độc lan vào tim nhanh hơn, đe dọa tính mạng.


https://vov.vn/xa-hoi/benh-nhan-bi-ran-can-suyt-nguy-hiem-tinh-mang-vi-chu-quan-927364.vov

Theo Công Luận / VOV

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm