Nhóm bác sĩ từ các chuyên khoa Ung bướu, Hô hấp, Ngoại và Giải phẫu bệnh của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công cho trường hợp mắc bệnh lao gan. Theo thống kê trong giới chuyên môn, đây là bệnh nhân thứ 5 mắc lao gan được ghi nhận tại Việt Nam.
Bệnh nhân là nữ, 56 tuổi, địa chỉ tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Khoảng tháng 6/2019, bệnh nhân nhập viện điều trị áp-xe gan nhưng không thuyên giảm.
Tình trạng bệnh diễn biến ngày càng nặng, người phụ nữ này phải nhập viện lần 2 do đau hạ sườn phải liên tục, sốt ớn lạnh về chiều, vàng da và thường xuyên buồn nôn.
Qua phim siêu âm, các bác sĩ ghi nhận gan phải của bệnh nhân có sang thương echo hỗn hợp và nhiều ổ áp-xe nhỏ bên trong. Chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ là áp-xe gan, khả năng do ký sinh trùng. Các kết quả xét nghiệm máu, chức năng gan và ký sinh trùng cho kết quả bình thường.
Diễn biến điều trị trên phim siêu âm của bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Tuy nhiên, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy mô gan của bệnh nhân có nhiều hoại tử bã đậu, xung quanh có thoái bào và đại bào, xuất huyết và dương tính với Mycobacterium tuberculosic - trực khuẩn gây bệnh lao. Ngay lập tức, bệnh nhân được chẩn đoán viêm lao gan và được điều trị theo phác đồ của bệnh lao.
Sau một tháng điều trị theo phác đồ, bệnh nhân dung nạp thuốc tốt, khỏi hoàn toàn triệu chứng lâm sàng. Sau 9 tháng dùng thuốc chống lao, bệnh nhân bình phục, không ghi nhận biến chứng bất lợi.
Các bác sĩ cho biết ca mắc lao gan nguyên phát đầu tiên được tác giả Bristowe báo cáo vào năm 1858. Đây là thể lao ngoài phổi hiếm gặp. Bệnh khó chẩn đoán, thường nhầm lẫn với áp-xe hay u gan. Hầu hết trường hợp lao gan chỉ phát hiện dựa trên giải phẫu bệnh sau phẫu thuật.
"Trường hợp này, chúng tôi không phát hiện ổ lao ở nơi khác như phổi, đường tiêu hóa, hạch bạch huyết. Bệnh cảnh liên quan chỉ giới hạn ở gan. Đây là trường hợp lao gan nguyên phát như tác giả Bristowe báo cáo", bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết.
Lao gan nguyên phát đơn thuần là bệnh lý hiếm gặp, được mô tả rất ít trong y văn. Việc chẩn đoán bệnh khó và chậm trễ do các đặc điểm hình ảnh và lâm sàng không đặc hiệu. Nếu được chẩn đoán sớm, người bệnh có thể đáp ứng điều trị tốt với thuốc kháng lao.
Tại Việt Nam, các bác sĩ chưa tìm được báo cáo về lao gan trên y văn. Theo ghi nhận trong chuyên môn, 4 trường hợp lao gan từng được phát hiện tại Việt Nam. Đó là phụ nữ 79 tuổi được điều trị tại Đà Nẵng năm 2009; một người Campuchia điều trị tại Bệnh viện Triều An (TP.HCM) năm 2010; người đàn ông 44 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) năm 2013 và nữ sinh 20 tuổi mắc lao gan trên bệnh Wilson tại Bệnh viện Chợ Rẫy được ghi nhận năm 2016.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 nước có dịch tễ lao gan cao. Mặc dù lao phổi phổ biến, gần đây, lao ngoài phổi ngày càng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số bệnh lao.