Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh sởi ở người lớn gia tăng, cảnh báo nguy cơ lây lan do chủ quan

Bác sĩ khuyến cáo khi bị bệnh sởi, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị vì nếu không đúng cách có thể làm bệnh trở nặng và dễ bị nhiều biến chứng.

benh soi nguoi lon anh 1

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Đinh Hằng/ TTXVN.

Những ngày qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân sởi là người lớn.

Các bác sĩ cảnh báo hiện vẫn còn nhiều người lớn chủ quan với bệnh sởi. Trong bối cảnh dịch sởi đang có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương thì việc tiêm vaccine phòng bệnh là rất cần thiết.

Sau khi điều trị 3 ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, các triệu chứng bệnh của anh Trần Sỹ N.(37 tuổi, ngụ Phan Thiết, Bình Thuận) mới bắt đầu thuyên giảm. Trước đó, anh khởi phát sởi với các triệu chứng sốt, ho, ói, mệt mỏi…

Đến khi kiệt sức, không chịu nổi anh mới đến bệnh viện để điều trị. Nhập viện tại bệnh viện địa phương, do có dấu hiệu viêm phổi nên anh được người nhà xin chuyển vào TP.HCM điều trị.

“Trước giờ tôi tưởng chỉ có trẻ con mới mắc bệnh sởi, tôi cũng không nghĩ đến việc tiêm phòng sởi, không ngờ lần này tôi mắc sởi lại nặng như vậy, thật sự rất mệt,” anh N. chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Trương Quý, Phó trưởng Khoa Nội A, cho biết trong thời gian qua, khoa Nội A tiếp nhận nhiều người lớn nhập viện điều trị bệnh sởi. Hiện khoa điều trị cho khoảng 40 trường hợp là người lớn mắc sởi, trong đó có 5 ca nặng phải hỗ trợ thở oxy.

Bắt đầu từ tháng 6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới bắt đầu tiếp nhận các ca mắc sởi nhập viện và bắt đầu tăng nhanh từ đầu tháng 10 đến nay. Đặc biệt, trong vài tuần trở lại đây, số ca bệnh sởi nhập viện bắt đầu tăng nhanh ở cả người lớn và trẻ em.

Ban đầu, toàn bộ bệnh nhân mắc sởi được bố trí điều trị ở khoa Nội A, nhưng có những thời điểm số ca bệnh tăng lên đến 70 trường hợp, Ban Giám đốc Bệnh viện đã quyết định chuyển trẻ em mắc sởi lên Khoa Nhi C, còn khoa Nội A dành điều trị cho người lớn mắc sởi.

benh soi nguoi lon anh 2

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Trương Quý, Phó trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: Đinh Hằng/ TTXVN.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, song song với sự gia tăng bệnh sởi ở trẻ em, từ tháng 6, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân là người lớn mắc sởi. Các ca bệnh bắt đầu tăng dần ở những tháng sau đó. Đỉnh điểm là trong tháng 11, đơn vị tiếp nhận 188 trường hợp là người lớn mắc sởi.

Theo bác sĩ Võ Trương Quý, dù là người lớn hay trẻ em thì khi mắc sởi đều có nguy cơ biến chứng; trong đó biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi dẫn đến suy hô hấp, viêm đường ruột, viêm tai giữa, viêm não… Thực tế trong các đợt dịch cho thấy khi người lớn mắc sởi, tỷ lệ chuyển nặng có thể cao hơn so với trẻ em.

“Nhiều người lớn có vẻ vẫn chủ quan với bệnh sởi và họ nghĩ sởi chỉ xảy ra ở trẻ em nên rất nhiều người không tiêm vaccine và đã bị mắc sởi,” bác sĩ Quý cảnh báo.

Theo bác sĩ Quý, ở người lớn, bệnh sẽ dễ trở nặng hơn nếu người bệnh có sẵn bệnh lý nền như tim bẩm sinh, bệnh thận mạn, bệnh gan mạn, bệnh suy giảm biến dịch ung thư, HIV, xơ gan… Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc sởi rất nguy hiểm bởi nguy cơ sảy thai, sinh non rất cao.

Điển hình là mới đây, khoa Nội A tiếp nhận một phụ nữ mang thai khoảng 10-12 tuần tuổi nhập viện do mắc sởi. Bệnh nhân sau đó đã bị sảy thai.

Một trường hợp khác là thai phụ mang thai lúc 26 tuần tuổi. Sau khi nhập viện điều trị sởi, người này khởi phát chuyển dạ và sinh non. Em bé sau đó được chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ để chăm sóc nhưng không cứu được, còn người mẹ thì khỏi bệnh và được xuất viện.

Do đó, bác sĩ Quý khuyến cáo tiêm vaccine cho cả người lớn và trẻ em là biện pháp phòng bệnh sởi hữu hiệu hiện nay. Đặc biệt, phụ nữ đang có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vaccine sởi trước 3 tháng. Khi bị bệnh sởi, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị vì nếu không đúng cách có thể làm bệnh trở nặng và dễ bị nhiều biến chứng.

Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.

Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ

Số lượng người bị đột quỵ ngày càng trẻ hoá, nhưng đa số đến bệnh viện trễ, bỏ qua giờ vàng điều trị vì chủ quan hoặc nhầm lẫn với bệnh khác.

Những việc tuyệt đối không làm khi trẻ bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây không qua khỏi hàng đầu ở trẻ em.

10 nguyên tắc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm 

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 420.000 người không qua khỏi do ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có thể gây bệnh nặng và thậm chí đe dọa tính mạng.

https://www.vietnamplus.vn/benh-soi-o-nguoi-lon-gia-tang-canh-bao-nguy-co-lay-lan-do-chu-quan-post998346.vnp

Đinh Hằng / TTXVN/Vietnam+

Bạn có thể quan tâm