Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bí ẩn' nghề môi giới ôsin

Có hai cách để tìm người giúp việc: một là nhờ người quen giới thiệu, hai là qua các công ty môi giới việc làm.

'Bí ẩn' nghề môi giới ôsin

Có hai cách để tìm người giúp việc: một là nhờ người quen giới thiệu, hai là qua các công ty môi giới việc làm.

Cũng từ đây, ngoài vấn đề phát sinh giữa gia chủ và người giúp việc, thì còn không ít những bức xúc giữa gia chủ và các công ty môi giới. Và phần lớn, người thuê người giúp việc từ các công ty môi giới này đều đành ngậm ngùi vì không nắm được “cán”, mà đành mất đi thế… thượng đế.

Mắc quai

Hiểu được nhu cầu ngày càng cao của các gia đình tại các thành phố lớn, lần lượt những công ty môi giới người giúp việc xuất hiện, với những cam kết rất bùi tai, nghe qua tưởng chừng như “thượng đế” – khách hàng thuê người giúp việc, đang được chăm sóc và bảo vệ công bằng, hợp lý. Nhưng có “chạm” thực tế mới thấu cái lẽ công bằng và những cam kết bùi tai đó được thực hiện như thế nào.

Chị Ng, ở Q.7, bức xúc kể: “Trước đây, gia đình tôi vẫn thường nhờ người quen dưới Hà Tĩnh tìm và giới thiệu người giúp việc. Trầy trật thay đổi vài ba lượt cũng có được hai chị gắn bó với gia đình. Năm ngoái, khi có bầu gần tám tháng, tôi lại tìm thêm người để chăm sóc em bé sau khi sinh. Qua giới thiệu, tôi tìm đến công ty P. và yên tâm vì nghe “đồn” nơi đây rất “pro” mặc dù giá dịch vụ hơi cao.

`Bí ẩn` nghề môi giới ôsin
Tìm được một người giúp việc ưng ý không phải là dễ dàng (Ảnh minh hoạ)

Đến tiếp chuyện với nhân viên công ty, nói rõ nhu cầu của mình, tôi được thông báo: lương cho người giúp việc là 2,5 triệu, phí dịch vụ là 2,2 triệu, tôi cảm thấy rất choáng. Nhưng tôi vẫn chấp nhận thuê người giúp việc của công ty. Tưởng đâu mọi việc đã xong, tôi yên tâm vì nghĩ “tiền nào của đó”, nhưng vài tháng thì tôi đành phải tiễn người giúp việc đó, vì cô ta quá “chuyên nghiệp”. Chuyên nghiệp đến độ chỉ nấu những món ăn đặc biệt ở nhà hàng, còn những món ăn bình thường, dân dã thì không biết nấu. Tôi đòi đổi người thì công ty chấp nhận, nhưng người mới cũng chẳng cải thiện được gì. Thế là tôi đành huỷ hợp đồng và chấp nhận mất số tiền dịch vụ”.

Dạo một vòng trên trang webtretho.com, ta cũng có thể thấy được những ý kiến bức xúc về tình trạng người thuê người giúp việc bị xâm phạm quyền lợi. Giá dịch vụ cũng tuỳ theo đẳng cấp, công ty không “pro” xâm phạm kiểu không “pro” và ngược lại.

Chị D với kinh nghiệm không kém đau thương, ngán ngẩm tâm sự: “Dọn qua nhà mới, tôi  lật đật đi kiếm hai người giúp việc. Người bạn cho số điện thoại và địa chỉ của công ty môi giới X nằm trên đường Mạc Thị Bưởi, Q.1. Buổi sáng gọi, buổi chiều mừng khấp khởi khi nghe công ty đó kêu đến nhận trước một chị giúp việc. Công ty giới thiệu chị giúp việc này hiền lắm, đang muốn tìm chỗ làm lâu dài. Công ty cho thử việc một tuần, không vừa ý sẽ đổi người khác đến khi nào vừa lòng mình thì thôi, hoặc trả lại phí dịch vụ (250.000đồng/người). Chị giúp việc cũng hiền lành dễ mến thật, nhưng ở được ba ngày thì chị tâm sự chị đang giận gia đình, đi làm để tránh mặt chồng con. Bây giờ chị phải về nhà, con chị sẽ đến đón.

Hai ngày sau, khi tôi báo tình hình, công ty X lại gọi tôi đến đón một chị giúp việc khác cũng với lời “quảng cáo” đại loại như trên. Đưa về đến nhà, tôi nhìn đã thấy rầu. Mặc nguyên bộ đồ không “dân dã” chút nào, tay thì đeo vòng vàng đầy hết, vừa làm vừa nghe điện thoại di động. Làm buổi sáng, buổi chiều chị đi mất tăm luôn với lý do quan nhà chủ cũ lấy quần áo. Mấy lần sau nữa cũng vậy, người thì làm được vài ngày thì kêu đau ruột thừa, xin tiền về quê chữa hết bệnh sẽ lên, người nhà tôi chở vô bệnh viện mổ thì tự nhiên…hết đau.

Sau cùng, quá “đuối” với những người giúp việc do công ty X giới thiệu, tôi gọi điện đòi chấm dứt hợp đồng và yêu cầu họ trả phí dịch vụ thì bị nạt một hơi, rằng tôi khó quá, yêu cầu cao quá, rằng… và cuối cùng là không chịu trả tiền. Tôi đành chào thua! Mất tiền, mất luôn niềm tin. Từ đó, chỉ dám nhờ người quen tìm dùm người giúp việc có gốc gác rõ ràng, có thiện chí làm việc lâu dài. Nhờ vậy, hiện giờ gia đình tôi  có tới bốn người giúp việc, họ chân chất, siêng năng”.

“Can phạm” hay nạn nhân

Xuất phát vẫn là vấn đề: kiếm tiền. Những người chấp nhận xa gia đình, xa quê để làm người giúp việc đa phần do thu nhập tại quê nhà không đủ trang trải cho sinh hoạt, hoặc nợ nần chồng chất, không có khả năng trả. Nhờ mai mối, giới thiệu, rất nhiều người giúp việc đã có chỗ làm ổn định. Từ nguồn cơ đó dần dần hình thành nghề môi giới người giúp việc.

Quy mô thì phong phú vô cùng. Kiểu chuyên nghiệp thì lập công ty hẳn hoi (đồng thời cũng kiêm luôn môi giới nhiều việc khác), không chuyên thì đã có những “trại”, những “điểm tập trung” có kiểu hoạt động rất “gần gũi” đối tượng. Họ đa phần là đồng hương của những người giúp việc đang tìm một chỗ làm ổn định. Nếu “quân” thiếu so với nhu cầu, thì họ sẽ đích thân về quê thuyết phục, “thu gom” những người cần làm người giúp việc, đưa lên thành phố, đến một địa điểm nhất định (nơi đó có thể là nhà, có thể là “văn phòng”) với điều kiện sinh hoạt thấp kém, chủ yếu cho qua ngày, và những người giúp việc ở đó chờ thời, chờ mình sẽ được chọn trong những lần “coi chân tay”.

“Lần đầu tiên đi chọn người giúp việc ở một điểm chuyên cung cấp người giúp việc có gốc Khơ Me mình ấn tượng lắm” - chị H. kể: “Nghe bà dì giới thiệu “mối” người giúp việc của dì là vợ chồng ông S. cũng gốc Khơ Me, sống trong căn nhà khoảng 30-40 mét vuông ở con hẻm trên đường Trần Quang Diệu có ưu điểm là luôn luôn có “hàng” để khách chọn. Bất kể giờ giấc, sáng sớm hay tối mịt, nếu có nhu cầu gấp thì khách vẫn có thể điện thoại hoặc đến tận nhà ông để chọn một hoặc vài người giúp việc. Trường hợp mình cũng gấp, người giúp việc cũ đang làm tự nhiên giở chứng, đòi nghỉ ngang.

Mười giờ tối có mặt ở nhà ông S., trong không gian chừng mười lăm mét vuông có hơn mười người giúp việc đang nằm ngồi chờ được chọn. Ông S. chỉ tay, giới thiệu gốc gác từng người, người nào cũng được ông thêm một câu ca tụng đại loại như: “Con nhỏ này chịu khó, muốn làm lâu dài”; “Con nhỏ kia thì làm bên quận bảy được mấy năm, bà chủ đi nước ngoài nên cho nó nghỉ mà tiếc lắm”…, rồi mình cũng nhìn tướng tá, tay chân, cố chọn được một người giúp việc có nét chân chất hiền lành và khoẻ mạnh, nhưng thực sự trong sâu xa cũng thây chạnh lòng vì cứ như đang chọn một món hàng”.

Không nêu cụ thể những vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc, sống chung một nhà giữa chủ và người giúp việc, nhưng hẳn ai cũng biết “mỗi nhà mỗi vẻ”. Có thể từ phía chủ nhà, hay từ Osin, hoặc do cả hai mà không ít cuộc hội ngộ giữa gia chủ và người giúp việc rất sớm tàn. Không thể không công nhận, đã có rất nhiều gia chủ cư xử với người giúp việc theo kiểu “xài đáng đồng tiền” hoặc cư xử rõ ràng kiểu tôi - tớ, chi li từng miếng ăn, khiến lòng tự trọng và tình cảm của những người giúp việc tổn thương nghiêm trọng rồi chấp nhận dứt áo ra đi mặc kệ đói khổ vẫn đang phía trước.

Cũng đã có rất nhiều người giúp việc gắn bó lâu dài, được gia chủ quý mến như người trong nhà, thậm chí được hỗ trợ học nghề, được gia chủ tặng thêm tiền, hiện vật để giúp đỡ gia đình. Nhưng biến tướng của nghề giúp việc cũng phong phú không kém. Thông qua những công ty môi giới, người giúp việc bắt đầu hình thành kinh nghiệm “chiến trường” ngày càng dày dặn, tinh vi hơn.

Chị L., nhà ở Q.3 kể: “Tôi nhớ chị Th., người chuyên giới thiệu người giúp việc. Biết yêu cầu của tôi là cần người giúp việc không vướng bận gia đình, tuổi từ 18 đến 45, nên chị ta cũng “dạy” lại hết cho các người giúp việc khi dẫn đến giới thiệu cho tôi. Nhiều người giúp việc thật thà, sau khi làm một thời gian cũng “hớ hênh” rồi khai thật. Người hơn lớn tuổi, có gia đình thì phải nói là ly dị, con gửi ông bà nuôi từ nhỏ. Dưới 18 tuổi thì giấu chứng minh nhân dân, khai trên 18 tuổi… Nói chung, nói sao cho tôi đồng ý nhận vào làm là được, mọi chuyện tính sau”.

Na - người giúp việc cho công ty X kể trên giới thiệu cho chị D., không giấu giếm: “Mấy chị ở công ty tốt lắm (!), mấy chị nói cứ đến làm, không được thì trở lại công ty, sẽ đưa qua nhà khác, chỗ nào thấy thiệt ưng ý thì làm luôn, đừng có lo. Mà thiệt, mỗi lần em quay đi quay lại công ty là gặp mấy người quen không à, họ cũng đi vòng vòng coi có nhà nào vừa ý không, đâu có mất gì”.

Tâm sự của Na cũng trùng với suy nghĩ của nhiều gia chủ đã, đang khốn khổ với kiểu dịch vụ của các công ty môi giới hiện nay. Có hay không kiểu “đem con bỏ chợ” miễn là có lợi cho họ? Kiểu tư vấn như trên ít nhiều cũng tạo được sự “tự tin” cho các người giúp việc trên đường tìm việc. Người giúp việc có điều kiện thoải mái lựa chọn chỗ làm sao cho “việc nhàn lương tốt”, sau lưng họ đã có sẵn những bệ phóng mà phía bên kia thì vô số “đối tác” đang chờ được “thử việc” những người giúp việc đó.

Ng. thì khác, là sinh viên nhưng muốn kiếm thêm tiền trong thời gian rảnh rỗi. Vì thế, Ng. đã tìm đến công ty P. qua loạt bài quảng cáo, PR của công ty trên các báo để xin học việc và tìm việc làm vài giờ mỗi ngày. Ng. cho biết: “Tôi được công ty dẫn đến nhà của giám đốc để “thực hành”, nhà mới vừa xây xong chưa ai dọn dẹp. Học được vài ngày, thì công ty đưa cho tôi bản hợp đồng bảo ký vào đó. Trong bản hợp đồng yêu cầu tôi sau khi học xong phải làm việc tại công ty một năm, nếu nghỉ nửa chừng phải đền bù 1,7 triệu, trong đó bảy trăm ngàn tiền học phí và một triệu đồng tiền xác nhận sơ yếu lý lịch, phí khám sức khoẻ… Tôi thấy có nhiều điều khoản không phù hợp với mình, nên không ký và rút lui sau bốn ngày học thử cả lý thuyết và thực hành”.

Cận cảnh “Công ty môi giới người giúp việc”

Trước những thông tin phản ánh của khách hàng khi sử dụng dịch vụ giới thiệu người giúp việc qua các công ty môi giới, làm cho các khách hàng đang sử dụng hoặc có nhu cầu sử dụng trở nên hoang mang. Thực hư sự việc ra sao, chúng tôi đã tìm đến các công ty này để làm rõ vấn đề.

Trong vai một khách hàng cần người giúp việc gấp, tôi tìm đến công ty G.D.V, nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, Quận Bình Thạnh. Qua sự giới thiệu của nhân viên, tôi được biết người giúp việc của công ty này chỉ làm được năm tiếng/ngày, lương một ngày là 42.000 đồng. Sau thời gian thử việc (15 ngày), nếu chủ nhà thấy được thì ký hợp đồng với công ty trong vòng ba tháng hay sáu tháng. Tiền dịch vụ là hai trăm ngàn đồng. Nếu chủ nhà cho người giúp việc nghỉ nửa chừng mà không có lý do thích hợp thì số tiền dịch vụ sẽ mất.

Mỗi công ty có những quy định khác nhau. Công ty P. (Q.1) thì quy định sau năm ngày mà người giúp việc của công ty làm thử ở nhà khách hàng, nếu khách hàng thấy hài lòng thì ký hợp đồng một năm. Nhưng trước khi công ty giới thiệu người giúp việc cho khách hàng, thì khách hàng phải liệt kê những công việc, thời gian mà người giúp việc phải làm. Hàng tháng, công ty sẽ gửi cho khách hàng bảng đánh giá, nhận xét về người giúp việc, để công ty biết mà “điều chỉnh” lại nhân viên của mình.

Khi chúng tôi đến các công ty này, thì có vài khách hàng đang được nhân viên ở đây tư vấn, giới thiệu người giúp việc. Qua lời giới thiệu của các nhân viên, có vẻ như người giúp việc của công ty rất “chuyên nghiệp”, có thể sử dụng được các thiết bị hiện đại trong gia đình, nấu ăn ngon, công ty đã xác minh lý lịch, khám sức khoẻ của người giúp việc… Nói thế, nhưng “chất lượng” người giúp việc ra sao, thì chỉ có… "trời" mới biết được!

Về vấn đề bản hợp đồng với khách hàng và đào tạo người giúp việc, chúng tôi đã được Phó giám đốc một công ty về lĩnh vực này giải thích: “Học viên sẽ được học miễn phí từ lý thuyết và thực hành. Nhưng sau một thời gian học, học viên phải ký hợp đồng với công ty, chấp nhận làm việc tại đây một năm, nếu nghỉ nửa chừng thì sẽ phải đền bù phí đào tạo. Việc làm này để tránh tình trạng một số học viên sau thời gian đào tạo đi làm cho nơi khác, hay là người của công ty “bạn” đưa vào học. Còn công ty chúng tôi chấp nhận đổi người giúp việc khác cho khách hàng, nếu họ cho chúng tôi biết lý do, những sai phạm mà nhân viên công ty chúng tôi đã làm.

Còn khi khách hàng làm sai cam kết thì công ty chúng tôi không thể hoàn tiền lại được. Nhiều khách hàng khi ký hợp đồng với công ty thì chỉ thuê người giúp việc để trông em bé. Nhưng cuối cùng, bắt người giúp việc làm cả công việc bếp núc, giặt giũ quần áo cho cả nhà. Những trường hợp đó hoàn toàn do lỗi của khách hàng khi không thực hiện đúng cam kết của hợp đồng”.

Như vậy, trước khi ký hợp đồng với các công ty dịch vụ tìm người giúp việc, các gia đình nên cân nhẵc kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ các thoả thuận về quyền lợi và trách nhiệm của bản thân. Khách hàng nên hỏi rõ giá cả, giai đoạn thử việc có tính phí hay không, như thế nào mới được đổi người, mới được hoàn trả tiền dịch vụ… Tuỳ theo từng công ty mà giá thuê người giúp việc và phí dịch vụ khác nhau, còn “chất lượng” thì hên xui.

Theo Mỹ Thuật

Theo Mỹ Thuật

Bạn có thể quan tâm