Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bị bỏ tù nếu hứa hẹn cưới xin chỉ để quan hệ tình dục ở Ấn Độ

Điều luật mới của Ấn Độ xác định việc đàn ông dùng lời hứa sẽ kết hôn để quan hệ tình dục với phụ nữ mà không thực hiện là hành vi hiếp dâm, có thể bị phạt tù đến 10 năm.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã ban hành bộ luật hình sự mới vào đầu tháng 7, thay thế bộ luật hình sự trước đó đã tồn tại 164 năm của Ấn Độ .

Trong đó, mục 69 của luật mới coi hành vi quan hệ tình dục với phụ nữ "bằng cách hứa sẽ kết hôn với cô ấy mà không có ý định thực hiện", hoặc "bằng cách gian dối" như hứa hẹn giúp đỡ sự nghiệp hoặc kết hôn bằng danh tính giả là phạm tội.

Tội này có thể bị phạt tới 10 năm tù và phạt tiền.

Dù luật này là mới nhưng thực trạng kể trên thì không. Trước đây, nhiều phụ nữ đã đưa các vụ việc tương tự ra tòa, cáo buộc người đàn ông dụ dỗ họ quan hệ tình dục bằng cách hứa hẹn kết hôn.

Ranh giới mơ hồ

Xã hội Ấn Độ nói chung có thái độ bảo thủ đối với tình dục, coi trọng trinh tiết phụ nữ và có các cuộc đàm phán về của hồi môn đắt đỏ. Do đó, quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân vẫn là điều cấm kỵ đối với nhiều người, và hành vi này có thể khiến phụ nữ khó kết hôn.

Audrey Dmello, giám đốc Majlis Lawm - tổ chức phi chính phủ về quyền phụ nữ tại Ấn Độ, ủng hộ luật mới. Bà lập luận rằng các vụ "hiếp dâm bằng lời hứa ​​kết hôn" không được báo cáo đầy đủ và cần được giải quyết thông qua luật pháp.

"Có luật như vậy sẽ giúp phụ nữ biết được những gì đã xảy ra với họ", bà nói với CNN.

phu nu an do anh 1

Quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân là điều cấm kỵ đối với phụ nữ Ấn Độ, có thể khiến họ khó kết hôn. Ảnh: Bloomberg.

Theo bộ luật hình sự cũ, tòa án trước đây đã phán quyết rằng quan hệ tình dục dưới chiêu bài giả vờ hứa kết hôn là không có sự đồng thuận, sẽ bị kết án hiếp dâm.

Nhưng các thẩm phán lại từng đưa ra phán quyết mâu thuẫn về các trường hợp "hứa hẹn kết hôn" khác nhau, đây là vấn đề mà luật mới đang cố gắng giải quyết.

Năm 2019, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã thụ lý một vụ án mà người phụ nữ cáo buộc bị hiếp dâm sau khi có mối quan hệ tình cảm và tình dục lâu dài với một người đàn ông, nhưng anh ta sau đó không muốn cưới cô vì e ngại "khác biệt đẳng cấp".

Phân cấp xã hội ở Ấn Độ đã chính thức bị bãi bỏ vào năm 1950, nhưng hệ thống 2.000 năm tuổi này vẫn tồn tại trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Hệ thống đẳng cấp phân loại người Hindu khi sinh ra, xác định vị trí của họ trong xã hội, công việc có thể làm và người họ có thể kết hôn.

Người đàn ông trong vụ án năm 2019 đã được tuyên trắng án, với phán quyết của tòa án cho rằng lời hứa bị phá vỡ khác với giả vờ hứa kết hôn - có nghĩa người đàn ông phải đưa ra lời hứa mà không có ý định thực hiện ngay từ đầu. Vì người phụ nữ vẫn tiếp tục mối quan hệ ngay cả khi biết rằng có những trở ngại đẳng cấp khiến họ không thể kết hôn, nên tòa án phán quyết rằng hành vi này không được tính là hiếp dâm.

Tuy nhiên, trong cùng năm đó, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đưa ra phán quyết khác trong một vụ án tương tự. Theo các tài liệu của tòa án, tòa đã giữ nguyên bản án hiếp dâm của một nam bác sĩ ở tiểu bang Chhattisgarh miền Trung Ấn Độ vì anh ta đã quan hệ tình dục với một người phụ nữ với lời hứa sẽ cưới cô, nhưng sau đó lại phá vỡ lời hứa và kết hôn với người khác.

Bác sĩ này đã bị kết án 10 năm tù và nộp phạt 50.000 rupee (khoảng 600 USD).

Tanvir Siddiki, luật sư tại Varanasi, cho biết những phán quyết khác nhau này cho thấy "ngay cả các thẩm phán cũng bối rối".

Ý kiến trái chiều

Luật mới phân biệt các trường hợp "hứa kết hôn" với hiếp dâm - nhưng một số luật sư cho rằng các thông số vẫn còn mơ hồ. Một số người đặt câu hỏi về cách thực hiện luật, cho rằng sẽ rất khó để chứng minh hành vi lừa dối và ý định kết hôn tại tòa án.

"Làm sao có thể chứng minh được ý định của một người? Trong thế giới thực, ngay cả khi tình huống như vậy xảy ra, bị cáo cũng chỉ nói ý định thực sự của mình với người bạn tâm giao, anh ta sẽ không nói điều đó với nạn nhân", Gopal Krishna, luật sư tại Varanasi và là điều phối viên pháp lý cho một tổ chức phi chính phủ địa phương dành cho phụ nữ, Guria India, cho biết.

phu nu an do anh 2

Trong khi nhiều người ủng hộ luật mới vì bảo vệ phụ nữ, những người khác cho rằng quy định còn mơ hồ và khó chứng minh. Ảnh: New York Times.

Siddiki nói thêm rằng theo bộ luật hình sự trước đây, nạn nhân bị hiếp dâm - bao gồm cả những người trong các vụ án "hứa ​​hôn" - phải trải qua các cuộc kiểm tra y tế, nhưng không còn bắt buộc theo loại vụ án mới.

"Nếu không có điều này, làm sao bên công tố có thể chứng minh được nạn nhân đã bị bóc lột tình dục?", ông nói.

Hơn nữa, các chuyên gia nói với CNN rằng luật này đã chuyển gánh nặng phải chứng minh sang nạn nhân.

Một số người Ấn Độ trẻ tuổi đã bày tỏ hoài nghi về tính phù hợp của luật này trong bối cảnh hiện nay - nơi mà truyền thống hôn nhân sắp đặt, thái độ bảo thủ trước đây đối với việc hẹn hò và quan hệ tình dục trước hôn nhân đang thay đổi, đặc biệt là ở các cộng đồng thành thị và trung lưu.

Durjoy Biswas (21 tuổi), cư dân Kolkata, bang Tây Bengal, cho biết: "Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi người đang trở nên hiện đại hơn và lựa chọn duy trì các mối quan hệ mà không muốn kết hôn".

Vanshika Bhattad, cư dân 19 tuổi của Delhi, đặt câu hỏi về vai trò của luật pháp khi nói đến vấn đề quan hệ tình dục giữa hai người trưởng thành đồng thuận.

"Ngay cả khi một anh chàng nói dối về việc kết hôn, quan hệ tình dục là sự đồng ý của cả hai bên, điều cần nhấn mạnh phải là sự đồng thuận. Nếu ai đó cưỡng ép quan hệ tình dục với một cô gái thì đó mới là hiếp dâm", anh nói.

Nhưng trong khi nhiều người dùng mạng xã hội lên tiếng lo ngại về khả năng lạm dụng mục 69 đối với nam giới, Dmello của Majlis Law lại lập luận rằng luật này trao quyền cho phụ nữ và đưa họ ngang hàng với nam giới.

"Trong xã hội này, chúng ta luôn bảo phụ nữ làm điều này điều kia - không ra ngoài vào ban đêm, không mặc những bộ quần áo như vậy. Nhưng bây giờ tình thế đã đảo ngược", bà nhấn mạnh.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Chàng trai bị lừa phẫu thuật nâng ngực ở Trung Quốc

Người phụ nữ ở Vũ Hán (Trung Quốc) cáo buộc một phòng khám lừa con trai thiểu năng trí tuệ của bà vay tiền và thực hiện phẫu thuật nâng ngực.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm