Bi hài… chính tả
Như một… thuật ngữ dân gian, từ lâu, món canh hẹ thường được dùng để chỉ những sự tình rối rắm. “Món” chính tả trong nhà trường hiện nay cũng đang trong tình trạng lung tung như thế.
Theo nhận định của nhiều giáo viên (GV) ngữ văn thuộc Phòng GD-ĐT huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), có khoảng 70% học sinh (HS) sai từ 5 đến 8 lỗi chính tả trong một trang viết trên giấy học trò. “Đó là chưa kể những bài viết mà chữ như một mớ kẽm gai bùng nhùng, đọc không ra nên không thể nói gì đến chính tả”, một GV Trường THCS Phổ Châu (Đức Phổ) nói. Rõ ràng tình trạng viết sai chính tả trong HS là rất đáng lo ngại.
Có dịp tập trung về huyện tập huấn, các GV ngữ văn thường mở… hội nghị hành lang về chính tả. Sau một hồi kể cho nhau nghe chuyện bi hài chính tả trường mình, các GV kết thúc “hội nghị” với những cái lắc đầu ngao ngán.
Một GV có gần 20 năm dạy ngữ văn mỉm cười đưa ra lời khuyên cho GV trẻ. Chẳng hạn như các thầy cô cứ nói với những HS thường viết sai những từ có tính lặp đi lặp lại là hãy viết ngược với thói quen. Ví dụ, chữ nào em thường đánh dấu hỏi thì nay em đánh dấu ngã và ngược lại. Với những trường hợp t/c, g/không g… cũng thế. “Phương pháp” hài hước này nói lên tình trạng gần như là “bó tay” trước việc sai chính tả nặng nề của HS hiện nay.
Người ta nói “lỗi thầy mặc sách” nhưng sách vẫn cứ vênh nhau (là nói vênh về chính tả) thì biết dựa vào đâu? Không thiếu những trường hợp i, y cứ rối cả lên. Bạn tôi, một ông thời “cựu học” khẳng định với con rằng viết “hi sinh”, “vật lí” là chưa thỏa đáng, phải viết “hy sinh”, “vật lý” mới đúng. Và anh đưa ra cuốn sách “lưu cữu” để chứng minh. Thằng nhỏ mở cuốn sách giáo khoa “hiện đại” ra, nói đây, từ nào cũng viết i “đàng hoàng”, bố thì cứ “bảo lưu” mãi.
Ngay như cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Tây Ban Nha Cesvantes, một trong những tiểu thuyết xuất hiện sớm nhất châu Âu, tên nhân vật chính khi thì viết Đôn Kihôtê, lúc thì Đôn Ki-hô-tê, rồi Đông-ki-sốt hoặc Đôngkisốt. Còn tên những con vật cũng thế, có sách viết hoa: Hươu, Hổ, Voi…cũng có sách viết thường: nai, gấu, chồn… Sự không thống nhất dẫn đến lối viết tùy hứng, tùy tiện khiến HS không biết đâu mà lần.
Còn chuyện này không biết là bi hay hài. Trong giờ trả bài, cô giáo phàn nàn HS viết sai chính tả quá nhiều làm giảm đáng kể sự trong sáng của tiếng Việt. Cô nói chính tả phản ánh trình độ học vấn và “văn hóa viết” của một người. Rồi cô quay lên bảng vừa nói vừa ghi: “III. Sữa chửa lổi chính tả”! (Đúng ra phải là Sửa chữa lỗi chính tả - NV).
Theo Thanh Niên