Thời gian qua, công an các địa phương khởi tố nhiều bị can về tội Gây rối trật tự công cộng liên quan tới những vụ cầm hung khí đi diễu phố. Trong số này, nhiều bị can còn ở độ tuổi học sinh. Trường hợp đã bị khởi tố, những người này có được tiếp tục đến trường hay không?
Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon
Hành vi cầm đao, kiếm đi ngoài phố của những thanh niên dưới 18 tuổi nếu không thực hiện các hành vi như cố ý gây thương tích hay đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác… có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.
Mức cao nhất của khung hình phạt đối tội phạm này là 7 năm tù. Như vậy, tùy theo mức độ hành vi phạm tội, những bị can bị khởi tố về tội này sẽ thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Căn cứ Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và tình hình thực tế xử lý các vụ án có tính chất như trên, thanh thiếu niên phạm tội nếu có nơi ở rõ ràng, không có dấu hiệu của hành vi bỏ trốn thì sẽ không áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ, chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đối với biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bị áp dụng biện pháp này có các nghĩa vụ như không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hay không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội... Nếu vi phạm, bị can sẽ bị bắt tạm giam.
Trường hợp bị can do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Như vậy, nếu không bị áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ thì các thanh thiếu niên phạm tội vẫn được quyền đi học, đi thi. Trường hợp trường học không nằm tại địa phương nơi học sinh cư trú, cần xem xét việc những học sinh đó phải đến trường có thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc được coi là trở ngại khách quan hay không. Nếu có, những người này cần có sự chấp thuận của chính quyền cấp xã và người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Pháp luật hình sự không có quy định cấm học sinh đi học nếu không bị tạm giam hoặc chấp hành án phạt tù, song theo Điều 20 Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh, sinh viên sẽ bị đình chỉ học tập 1 năm nếu đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp kỷ luật cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi học sinh sinh, viên không được làm.
Điều 6 Quyết định này quy định các điều học sinh, sinh viên không được làm, trong đó có các hành vi như Gây rối an ninh, trật tự trong trường hoặc nơi công cộng; Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường, học sinh sinh viên khác; Đánh bạc hay Đua xe, cổ vũ đua xe trái phép...
Trường hợp học sinh sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù (kể cả trường hợp bị xử phạt tù được hưởng án treo) thì bị buộc thôi học.
Như vậy, nếu gây rối trật tự công cộng và bị xét xử, tuyên phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ, học sinh vẫn có quyền đi học. Tuy nhiên, nhà trường có thể xem xét áp dụng biện pháp kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm đối với học sinh đó. Trường hợp bị phạt tù (tù giam hoặc tù treo), học sinh vi phạm pháp luật có thể bị buộc thôi học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…