10 tuổi bắt đầu vào trung học phổ thông, 13 tuổi chính thức trở thành sinh viên trẻ nhất của ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) - đó là những gì miêu tả về thần đồng Toán học Bao Yuyang, ở Hồ Bắc. Nhiều người đã từng đặt kỳ vọng về cậu bé này.
Nhưng “thiên tài chín ép” sau đó gây thất vọng bởi cách cư xử khiếm nhã, thiếu tôn trọng người khác. Cuối cùng, tài năng của Bao Yuyang lóe sáng rồi vụt tắt khiến nhiều người tiếc nuối.
Tài năng gây chú ý
Bao Yuyang sinh năm 1991, ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghiên cứu, cha làm giảng viên đại học, mẹ là nghiên cứu sinh tại nước ngoài, Bao sớm chứng minh được tài năng hiếm có của mình.
Bao Yuyang. Ảnh: Sina. |
Thời điểm những năm 2000, Bao gây chú ý trong cộng đồng cha mẹ và người dân Trung Quốc bởi thành tích đặc biệt. Theo Sina, Bao chỉ mất 8 năm để học toàn bộ kiến thức, chương trình học của ba cấp Tiểu học, THCS và THPT.
Trong đó, Bao học Tiểu học hết 4 năm và THCS chỉ với một năm. Cậu được đặc cách tuyển thẳng vào khối THPT của ĐH Sư phạm Huazhong danh tiếng tại Hồ Bắc.
Bạn bè của Bao chia sẻ cậu bé là người có “trí nhớ siêu phàm”. Đề bài đưa ra Bao chỉ đọc một lần là có thể nhớ hết. “Có lần, cậu ấy còn thuộc lòng hơn 30 bài tập và cách giải của kỳ thi Toán Olympic”, một bạn học không khỏi ngưỡng mộ.
Nhiều người gọi Bao là thần đồng với tài năng thiên bẩm. Tuy nhiên, cha của Bao, ông Bao Liangyan, trong một cuộc phỏng vấn năm 2004, chia sẻ con trai mình chỉ như những đứa trẻ khác. Theo người cha này, điểm khác biệt của Bao chính là việc phát triển trí tuệ tương đối sớm.
Khi học lớp 3, Bao đã bị các cuốn sách hóa học vô cơ trong tủ tài liệu giảng dạy của cha hấp dẫn. Say mê với kiến thức hàn lâm, cậu bé này ngày ngày ôm những cuốn tài liệu, đọc ngấu nghiến. Chỉ sau 10 ngày, đêm, Bao đọc xong cuốn tài liệu hóa học vô cơ của cha.
Bước vào năm thứ 3 trung học, vóc dáng của nam sinh vẫn thấp bé so với các anh chị khác. Chính vì vậy, dù rất say mê hóa học và những thí nghiệm kỳ bí, cậu khó thực hiện được chúng. Bao quyết định chuyển sang theo đuổi ngành Toán học, giải mã những con số bí ẩn.
Cha của Bao dạy con dựa trên phương pháp giáo dục sớm, khai phá khả năng, đam mê từ nhỏ. Ảnh minh họa: Freepik. |
Cha của Bao cũng khẳng định con trai ở trường có thành tích học tập ở mức tốt, không phải người đứng đầu. “Bao không phải thần đồng gì cả. Con trai tôi chỉ là được giáo dục sớm đúng cách tại nhà, khơi dậy hứng thú học tập trong trẻ, để cháu chủ động tìm hiểu kiến thức, khám phá vấn đề”, người cha khiêm tốn nói.
Ông cũng cho biết thêm bản thân là người làm trong ngành giáo dục nên rất chú trọng việc dạy trẻ từ sớm. Từ khi Bao một tuổi, ông và vợ đã dán những từ vựng trên tủ lạnh và đọc to nó hai lần. Ông không ngờ rằng sau đó, con trai có thể phát âm lại theo những gì cha mẹ đã đọc.
“Tôi rất thích thú và cho rằng con có trí nhớ tốt nên đã lên kế hoạch, thử nghiệm các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ”, người cha nói.
Cha của Bao luyện thư pháp mỗi ngày và cậu bé rất thích thú, chăm chú ngồi bên cạnh xem cha viết chữ.
Chính vì thế, đến năm 3 tuổi, Bao đã ghi nhớ hơn 2.000 ký tự và có thể tự đọc sách. 5 tuổi, cậu bé được cho đến thư viện, tự mình tìm kiếm cuốn sách yêu thích và khám phá nó.
Năm 2004, trường ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) đã gửi thư trúng tuyển, đặc cách cho Bao trở thành sinh viên của trường. Thời điểm đó, cậu là sinh viên trẻ nhất của trường ĐH Bắc Kinh. Trước Bao, một thần đồng khác là Tian Xiaofei (sinh năm 1971) cũng lập thành tích này.
Dù ông Liangyan không thừa nhận con là thần đồng nhưng truyền thông Trung Quốc dành không ít lời khen ngợi cho Bao. Họ gọi cậu bé này là “thiên tài Toán học nhí”, “tài năng hiếm có”.
Bi kịch của thần đồng “sớm nổi chóng tàn”
Ngày 14/2/2004, phóng viên của tờ Beijing Youth Daily đã tới và phỏng vấn Bao. Khi phóng viên bước vào nhà, anh ta bắt gặp cậu bé mặc đồ đỏ ngồi trên ghế sofa xem tivi. Thấy có người lạ bước vào, cậu bé lập tức chạy vào phòng và đóng cửa lại, không cất tiếng chào. Một lúc sau, Bao trở lại và toe toét cười với phóng viên. Cậu bé không nói chuyện mà thỉnh thoảng quay sang ngắt lời cha: “Cha đừng nói nữa, dừng lại đi, cha lại nói sai rồi”.
Sau đó, phóng viên phỏng vấn riêng “thần đồng nhí”. Có lẽ vì chưa quen và vẫn còn là một thiếu niên hiếu động, Bao đưa câu trả lời cụt lủn, thiếu kính ngữ.
Beijing Youth Daily cũng phỏng vấn giáo viên trong lớp của Bao. Vị giáo viên giấu tên cho rằng cậu bé này rất thông minh nhưng vẫn còn rất nhiều thiếu sót. “Em ấy là nhà khoa học chân chính, ngoài kiến thức thông thường còn có nhiều hiểu biết về triết học. Tuy nhiên, những môn như tiếng Trung, Anh văn, nghệ thuật kém đến mức thảm hại. Điều này rất bất lợi cho Bao khi tiếp xúc xã hội sau này”, vị giáo viên nói.
Ông cũng cho rằng Bao sớm phải sống tự lập, một mình, làm quen với môi trường đại học đòi hỏi tính tự lập cao. Tuy nhiên, sự chuẩn bị của cậu bé là chưa đủ. “Bao vẫn có tâm lý tự cao, điều mà nhiều đứa trẻ sớm có chút thành tựu hay mắc phải. Cậu bé cũng thường xuyên bỏ học, vắng mặt tại giảng đường. Nếu cứ như thế, tôi e rằng Bao khó lòng hòa nhập và tiến xa hơn trong tương lai”, thầy giáo cảnh báo.
Bị ép trưởng thành quá nhanh, nhiều trẻ thiếu hụt kỹ năng sống, trở thành những "thần đồng chín ép". Ảnh minh họa: Freepik. |
Một số người tại Đại học Bắc Kinh, khoa mà Bao theo học cho rằng cậu bé khá cô đơn và không có nhiều mối quan hệ. “Khoảng cách tuổi tác khiến chúng tôi khó giao tiếp với nhau. Bao còn rất nghịch ngợm, thường xuyên gây sự, làm ồn, ảnh hưởng người khác. Thậm chí, có lần, trong phòng tự học, Bao bất ngờ hét lên, gây ồn ào rồi khóc", nam sinh nói.
Tuy nhiên, những người này cũng thừa nhận khả năng của Bao trong lĩnh vực Toán và Hóa học rất đáng ngưỡng mộ. Tiếng Anh và tiếng Trung của Bao lại kém nhất lớp.
“Các bài luận ở trường đều là đề mở, mang hướng tranh luận, bày tỏ quan điểm. Bao không đạt yêu cầu cũng hợp lý bởi cậu bé mới 13 tuổi, chưa thể hiểu hết về cuộc sống và các vấn đề xung quanh để nói ra suy nghĩ của mình”, hiệu trưởng Ye Xinian của trường ĐH Bắc Kinh lý giải.
Đây không phải lần đầu tiên một thần đồng, thiên tài tại Trung Quốc khó có thể phát triển tiếp khi thành công quá sớm. Trường hợp điển hình là Tô Lưu Dật (20 tuổi, ở Sơn Đông). Cậu bé hoàn thành chương trình bậc tiểu học trong 2,5 ngày và học xong cấp hai sau 1,5 năm. 10 tuổi, Lưu Dật đã đỗ đại học.
Tuy nhiên, Tô Lưu Dật hiếu động, nghịch ngợm, có nhiều hành động kỳ quặc. Em không tập trung lắng nghe giảng viên mà đùa nghịch, làm phiền anh chị xung quanh. Vì thế, sau đó, Lưu Dật phải tạm dừng việc học vì thấy chưa phù hợp lứa tuổi.
Tô Lưu Dật hay Bao Yuyang là những "thần đồng chín ép". Các em có tài năng hiếm có nhưng lại thiếu khuyết kỹ năng sống. Chính điều đó khiến những đứa trẻ này như ngôi sao băng vụt sáng rồi chợt tắt, khó lòng tiến xa trong tương lai.