Theo Sở NN&PTNT Bình Dương, toàn tỉnh có trên 6.700 ha cây ăn quả nhưng vì ít quảng bá, "thủ phủ công nghiệp" chưa khai thác trọn vẹn tiềm năng du lịch miệt vườn vốn có.
Chiến lược phát triển vườn cây ăn trái gắn với mô hình du lịch sinh thái góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống vùng đất ven sông Sài Gòn, đồng thời đóng góp vào nền kinh tế của Bình Dương.
Miệt vườn Lái Thiêu nổi tiếng vốn là dải đất nằm nép mình bên dòng sông Sài Gòn, trải dài các xã An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm, Lái Thiêu, Vĩnh Phú và An Sơn của thành phố Thuận An. Hàng trăm năm trước, vùng đất này là miệt vườn của Sài Gòn - Gia Định, cũng là thủ phủ “cây lành trái ngọt” nức tiếng cả nước. Đến nay, những vườn cây trĩu quả ở Lái Thiêu vẫn là “đặc sản trăm năm” đi vào ký ức của bao thế hệ người dân Bình Dương.
Thổ nhưỡng ở đây vốn màu mỡ, thích hợp trồng nhiều loại cây ăn trái nhiệt đới như măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, dâu xiêm, chôm chôm…
Trong những thức quả tạo nên danh xưng miệt vườn Lái Thiêu, măng cụt - "nữ hoàng trái cây" đất Thủ là nổi bật nhất. Cứ độ tháng 11-12 Âm lịch, những vườn măng cụt bắt đầu đơm hoa và đến tháng 5 Âm lịch thì bước vào mùa thu hoạch. Măng cụt Bình Dương có da nhẵn, ráo cơm, thịt trắng, thơm ngọt. Ngoài trái cây tươi, chủ vườn còn sáng tạo nên những món ăn độc đáo như gà hoặc tôm trộn gỏi măng cụt lạ miệng, hấp dẫn.
Lái Thiêu là vùng chuyên canh măng cụt lớn nhất Đông Nam Bộ, trong đó diện tích măng cụt trên địa bàn Thuận An là 661 ha, chiếm trên 53,3% diện tích vườn cây ăn trái của thành phố. Măng cụt cũng là một trong những nông sản đầu tiên của Bình Dương được tôn vinh bằng loạt chứng nhận, giải thưởng giá trị.
Năm 2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội trái cây Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ đã đưa măng cụt Lái Thiêu vào top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam. Năm 2013, măng cụt Lái Thiêu được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu tập thể.
Bên cạnh măng cụt, nhiều người tin rằng sầu riêng Lái Thiêu là giống riêng, khác hẳn với chủng loại ở nhiều miền cây trái. Cội nguồn của loại quả này được lý giải bằng một chuyện tình sầu bi giữa cô gái Việt và chàng trai người Hoa. Dù không nổi tiếng như những loại trái cây khác, loại quả này vẫn được nhiều du khách ưa chuộng nhờ vị béo và thơm.
Ngoài Lái Thiêu, xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng) cũng là vùng chuyên canh măng cụt, sầu riêng nổi tiếng với diện tích 193 ha. Hiện, 9 hộ trồng măng cụt tại đây đã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Gắn với vùng cù lao Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) là bưởi xanh - giống quả có vị ngọt dịu, không lẫn với hương vị vùng khác. Đây cũng là một trong những đặc sản được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Hay đặc sản cam, quýt Bắc Tân Uyên cũng được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; vườn cam sành tại xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên đạt chứng nhận hữu cơ USDA Organic của Mỹ và EU Organic của châu Âu…
Nhiều năm trở lại đây, vườn trái cây Lái Thiêu dần trở thành điểm dã ngoại lý tưởng cho du khách thập phương. Vào mùa trái chín, du khách tụ hội về Lái Thiêu để tham gia lễ hội trái cây, chiêm ngưỡng hàng trăm tác phẩm tạo hình nghệ thuật từ quả ngọt, hòa mình vào văn hóa đờn ca tài tử - cải lương, giao lưu ẩm thực Nam bộ… và tâm điểm là thưởng thức những thức quả đặc sản Lái Thiêu. Họ được tiếp đón nồng nhiệt, thỏa thích vui chơi và thưởng thức trái ngọt ngay dưới những tán cây xanh mát.
Sau khi tham quan vườn cây, du khách có thể chọn món ăn để thưởng thức ngay trong các chòi lá giữa vườn hay cù lao nổi. Chính khung cảnh vườn quê cộng với phong cách phục vụ thân thiện, món ăn dân dã kiểu gia đình, không gian xanh yên tĩnh đã níu chân du khách.
Được bao bọc bởi sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính cũng như các kênh rạch, Bình Dương có cảnh quan sông nước cùng miệt vườn cây trái xanh tốt quanh năm. Địa bàn tỉnh có nhiều vùng sở hữu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái nổi tiếng như măng cụt Lái Thiêu (Thuận An), bưởi Bạch Đằng (Tân Uyên), vùng cây ăn quả có múi Hiếu Liêm (Bắc Tân Uyên)…
Tại tâm điểm Thuận An, không gian “văn hóa miệt vườn” Lái Thiêu tạo nên nét độc đáo riêng, trở thành địa danh du lịch nổi tiếng. Đây được xem là “lá phổi xanh” cân bằng sinh thái của thủ phủ công nghiệp, đô thị Bình Dương và khu vực lân cận TP.HCM.
Để phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, vào tháng 10/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, hướng đến mục tiêu vào nhóm tỉnh, thành có du lịch phát triển cả nước.
Trong đó, việc thúc đẩy du lịch sinh thái vườn, du lịch ven sông là một trong những nhiệm vụ mang tính đột phá cho ngành du lịch tỉnh nhà những năm tiếp theo. Thông qua tuyến du lịch đường sông, du lịch sinh thái vườn kết hợp du lịch tâm linh, du lịch lịch sử sẽ được kết nối. Tất cả tạo thành tuyến du lịch chung trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đẩy mạnh liên kết, tỉnh Bình Dương đã khai trương tuyến du lịch đường sông đầu tiên từ bến Bạch Đằng (TP.HCM) đến Thủ Dầu Một. Ngoài ra, UBND tỉnh bàn giao các địa phương xây mới, nâng cấp 10 bến tàu khách đường thủy giai đoạn 2020-2025, xây dựng và thực hiện quy hoạch chi tiết khu cảng Bà Lụa (phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một). Việc đẩy mạnh cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển du lịch đường sông, với các sản phẩm chính là du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan vườn cây ăn trái ven sông, các cù lao nổi trên sông (cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng, hồ Đá Bàn), làng nghề truyền thống gốm sứ…
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và phát triển sản phẩm mới ở vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vườn bưởi Bạch Đằng... Người dân đã triển khai nhiều mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái và đạt được kết quả tích cực. Nổi bật là “vực dậy” khu du lịch Cầu Ngang (Hưng Định) từng nổi tiếng một thời. Nỗ lực của nhà vườn giúp họ tiêu thụ nông sản giá cao, vừa tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nói chung.
Kỳ vọng phát triển thương hiệu vườn cây ăn trái Lái Thiêu, giữ gìn vùng sinh thái cho đô thị Thuận An, nhiều năm qua, UBND tỉnh và UBND thành phố Thuận An đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân là chủ vườn cây ăn trái đặc sản đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn gắn với hoạt động du lịch ven sông.
Địa phương phát động phong trào sản xuất để thu hút nông dân các xã, phường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vườn cây, tham gia đăng ký phát triển thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh nghiên cứu tìm biện pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng để giữ vườn cây và tăng thu nhập cho nông dân, hàng năm, địa phương tổ chức nạo vét, khai thông dòng chảy hệ thống thoát nước để chủ động việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt.
Từ năm 2013, vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch), Bình Dương tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” tại khu vực Cầu Ngang. Thông qua nhiều hoạt động thú vị, lễ hội thu hút khách du lịch đến tham quan, vui chơi, thưởng thức các loại trái ngon và những món ăn đặc sản, góp phần khôi phục giá trị của thương hiệu nhà vườn. Từ đó, hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu được quảng bá rộng rãi đến người dân trong và ngoài nước.
Với những đặc trưng nổi bật là đình làng, nhà cổ và bưởi, cù lao Bạch Đằng trở thành điểm đến của nhiều du khách. Từ trái bưởi, người dân địa phương đã chế biến thành những món ăn, thức uống đặc sản, như gỏi bưởi, nem bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi, tinh dầu bưởi... phục vụ nhu cầu của người dân cũng như khách tham quan.
Đây cũng là địa điểm thích hợp phát triển du lịch sinh thái, sông nước đến miệt vườn hay loại hình du lịch nghỉ dưỡng, MICE (một hình thức du lịch kết hợp tham dự hội nghị, hội thảo, triễn lãm và tổ chức các sự kiện…). Trong những năm qua, nhằm tăng cường quảng bá đặc sản này, thị xã Tân Uyên đã tổ chức lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” (vào 2017 và 2019) thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Nhờ sự quan tâm của địa phương, doanh thu ngành du lịch tỉnh Bình Dương đã có chuyển biến tích cực, đạt 1.140 tỷ đồng năm 2019, lượng du khách khoảng 5,2 triệu lượt, tăng trưởng bình quân về lượt khách đạt 6% và doanh thu 5%.
Nắm bắt, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà, ngành du lịch Bình Dương đang có những bước tiến mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đây là bước chạy đà giúp ngành du lịch tỉnh phát triển mạnh, khởi sắc hơn và thu hút ngày càng đông người dân trong nước cũng như quốc tế.
Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn.
Với mục tiêu trở thành đô thị loại I, thời gian tới Bình Dương tiếp tục tập trung nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ, gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo lộ trình.
Bình luận