9 năm trước, chính quyền Bình Liêu còn băn khoăn liệu địa phương có làm du lịch được hay không. 9 năm sau, đến 2023, huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh đón 150.000 lượt khách, đạt 150% chỉ tiêu tỉnh giao, tổng thu du lịch đạt hơn 76 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm nay từ Phòng Văn hóa Thông tin Bình Liêu cho thấy lượng khách đến với huyện bị chững lại. Rẻo cao Bình Liêu đón 115.000 lượt khách, chưa chạm ngưỡng 50% kế hoạch năm (250.000 lượt khách). Số khách quốc tế đến địa phương chỉ đạt 2,8% mục tiêu đề ra.
Sa Pa cũng chứng kiến cảnh đìu hiu từ giữa tháng 9, đặc biệt là sau bão Yagi. Phòng ốc vào ngày trong tuần còn trống nhiều, theo ghi nhận của PV.
Điểm chung hút khách của 2 nơi nằm ở khía cạnh cảnh quan. Bình Liêu nằm ở Đông Bắc Quảng Ninh nhưng sở hữu địa hình tương đồng với Sa Pa. Bởi lẽ đó, nhiều du khách gọi huyện là "Sa Pa thu nhỏ".
Xét về quang cảnh nổi bật như ruộng bậc thang, Bình Liêu được xem là điểm đến thay thế các địa danh phía Bắc, kéo dài thời gian ngắm lúa thay màu của du khách. Ở Tây Bắc, mùa lúa chín rơi vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9. Còn Bình Liêu là từ tháng 9-10.
Cảnh đông đúc hôm 6/10 ở đồi Móng Ngựa, Mù Cang Chải. Ảnh: Bạn Chù. |
Song, hình thức canh tác trên đất dốc là đặc điểm dễ nhận thấy tại các vùng núi Tây Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang... hoặc nơi có địa hình chủ yếu là sườn núi giống Bình Liêu.
Thêm nữa, ruộng bậc thang ở Sa Pa và Bình Liêu chưa thể "ăn đứt" Mù Cang Chải về quy mô, sự kỳ vĩ. Việc sử dụng hình ảnh này để hút khách e là khó cạnh tranh, ông Phạm Tiến Hợi, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Wild Adventure (đơn vị tổ chức tour trekking khu vực miền Bắc), nói với Tri Thức - Znews.
Điều hút khách còn lại ở Bình Liêu, Sa Pa
Theo ông Hợi, điểm "ăn tiền" của Bình Liêu nằm ở các con đường trekking (đi bộ đường dài) giữa đồng cỏ lau trắng, "sống lưng khủng long", cột mốc 1305, 1297, bên cạnh đó còn có rừng hồi, Cao Sơn (xã Hoành Mô), Khe Tiền - Sông Moóc (xã Đồng Văn)...
Độ cuối tháng 10, đầu tháng 11, mùa cỏ lau Bình Liêu lại về. Hai bên cung đường tuần tra biên giới được phù màu trắng cỏ đuôi chồn (tên gọi khác của cỏ lau).
Loài cây thuộc dạng thân thảo nhẹ tênh đung đưa trước gió, kết hợp cùng địa hình đồi núi trập trùng rộng mở, lộng gió, tạo cho du khách cảm giác tự do, hòa mình với thiên nhiên. Đây là một trong số đặc điểm ít nơi nào có ở khu vực phía Bắc.
Chưa hết, con đường ngoằn nghoèo ngăn cách Việt Nam - Trung Quốc hay còn được biết đến là "sống lưng khủng long", sở hữu 1305 (cột mốc cao nhất tỉnh Quảng Ninh) cũng là một "đặc sản" du lịch tại Bình Liêu. Cuối thu - đầu đông là khoảng thời gian thích hợp để du khách chinh phục 2.000 bậc thang tại đây.
Bình Liêu đã vào mùa cỏ lau. Trong ảnh là "sống lưng khủng long" (ảnh 1) và cột mốc 1297 lúc chiều tà. Ảnh: @_im.rot_. |
Còn ông Phan Văn Tuấn, Giám đốc Ha Long Tourism, lại cho rằng Bình Liêu, Sa Pa có thể đẩy mạnh hơn nữa sản phẩm du lịch cộng đồng.
Cả 2 địa điểm đều sở hữu văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc văn hóa.
Tại Sa Pa, du khách có thể ghé xã Tả Van tìm hiểu nếp sống sinh hoạt người Giáy, đến xã Bản Hồ thăm người Tày, lên bản Tả Phìn tham gia các điệu múa dân tộc Dao... Bình Liêu nổi bật là cộng đồng người Sán Chỉ với loại hình nghệ thuật hát soóng cọ (một lối hát giao duyên ra đời cách đây 300 năm) hoặc dân tộc Dao Thanh Phán, Sán Chay...
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch Sa Pa, cho biết cộng đồng dân tộc thiểu số ở Sa Pa đã bắt đầu quan tâm đến mảng du lịch.
"Một nhóm bạn trẻ người dân tộc thiểu số của Sa Pa tự thành lập nhóm Sa Pa Local với slogan "Go Sa Pa - Go Local, think Sa Pa - think local"... mục đích để giới thiệu về những vùng đất, những sản phẩm du lịch vẫn còn rất Bản địa của Sa Pa", bà Vượng cho hay.
Tuy nhiên, trong khi Sa Pa chứng kiến sự quan tâm đông đảo từ du khách quốc tế, Bình Liêu lại khó ghi nhận sự bùng nổ khách ngoại tương tự.
Điểm nghẽn của Bình Liêu
Theo ông Tuấn từ Ha Long Tourism, Bình Liêu đang "khát" khách ngoại. Nút thắt nằm ở quy trình xét duyệt giấy thông hành cho khách nước ngoài.
"Đây là thách thức lớn nhất của ngành du lịch tại huyện. Địa phương sở hữu nội tại có thể phát triển hơn nữa", vị giám đốc nói với Tri Thức - Znews.
Sa Pa là một trong số điểm đến miền Bắc hút khách trong và ngoài nước. Ảnh: @charming.duong, @konaction. |
Hiện, chính sách du lịch vùng biên giới buộc du khách không có quốc tịch Việt Nam phải xin cấp phép đến Bình Liêu tại trụ sở công an tỉnh Quảng Ninh (nằm tại TP Hạ Long).
Trong trường hợp khách không có lịch trình đến Hạ Long, việc xin giấy thông hành tốn nhiều thời gian, thậm chí nhiều người hủy kế hoạch tham quan Bình Liêu.
Thời hạn đợi xét duyệt kéo dài khoảng một ngày, theo chính quyền tỉnh.
Một đơn vị lữ hành chuyên tour miền Bắc nhận định việc khơi thông giấy cấp phép khách ngoại nhằm tạo điều kiện cho Bình Liêu đón khách. Song, địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ lượng người nhập cư để giữ gìn cảnh quan vốn có, hướng đến du lịch bền vững, đặc biệt là điểm đến còn hoang sơ như Bình Liêu.
Bên cạnh đó, Bình Liêu là điểm đến chưa nhận được sự quan tâm đông đảo từ du khách trong nước. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch cơ bản, đội hướng dẫn viên địa phương còn khiêm tốn, chưa thể sánh ngang với Sa Pa.
Về phía chính quyền địa phương, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch huyện Bình Liêu, tin rằng một khi khách quốc tế đến đông, cơ chế sẽ thông thoáng. Ngoài ra, huyện cũng lên kế hoạch đào tạo nghiệp vụ cho người dân tộc thiểu số, mở rộng cơ hội đón khách.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.