Thí sinh trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2024. Ảnh: Thế Bằng. |
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT để các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến (xem tại đây).
Thống nhất có 3 bài thi
Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT dự kiến tuyển sinh THPT với 3 phương thức gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Về số môn thi, dự thảo quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học).
Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Trước đó, trong dự thảo lấy ý kiến của các sở, Bộ GD&ĐT dự kiến kỳ thi diễn ra với ba môn, gồm Toán, Văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên, thuộc chương trình mới. Việc bốc thăm môn thi đã gây tranh cãi dữ dội.
Về thời gian thi, dự thảo quy định Ngữ văn là 120 phút; Toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi tuyển sinh lớp 10 THPT nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Bên cạnh đó, dự thảo quy chế cũng quy định khung một số yêu cầu về việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và công bố kết quả, điểm chuẩn, chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên… để bảo đảm chất lượng, an toàn trong tổ chức kỳ thi tại các địa phương.
Bộ GD&ĐT dự kiến tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp trường THCS có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì được thực hiện tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học. Nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Nếu xét tuyển kết hợp với với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học hướng dẫn việc tuyển sinh.
Hơn 8.200 trường học đồng ý với nội dung dự thảo
Theo Bộ GD&ĐT, dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT được xây dựng từ 3 nguyên tắc cốt lõi.
Thứ nhất là gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém. Thứ hai là phải thúc đẩy hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện, để học sinh có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đủ điều kiện để tiếp tục học lên THPT; hoặc nếu chuyển đổi phân luồng, học nghề cũng có được nền tảng về phẩm chất, năng lực để học, thực hành nghề nghiệp ngay.
Ngoài ra, môn thi, phương thức tuyển sinh cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra đánh giá cuối kỳ; giúp học sinh có đầy đủ phẩm chất, năng lực, phù hợp với xu thế đổi mới và chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ ba, bộ ban hành quy định khung quy chế, bảo đảm mặt bằng chung để phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá; đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THCS, THPT.
Theo bộ, tính đến ngày 7/10/2024, đã có 63 Sở GD&ĐT gửi ý kiến góp ý các nội dung về tuyển sinh THCS và THPT. Gần 8.900 cơ sở giáo dục trung học có ý kiến về nội dung dự kiến sửa đổi. Trong đó, 8.267 ý kiến đồng ý với các nội dung dự thảo, chiếm 92,9%. Hơn 630 ý kiến có đề nghị bổ sung.
Có 60/63 Sở GD&ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.
Bộ dự kiến Thông tư Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ được hoàn thiện và ban hành trước 31/12. Việc ban hành quy chế năm nay sớm hơn 3 tháng so với những năm trước. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, giáo viên, học sinh trong quá trình dạy - học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.