Bộ GD&ĐT cho biết đầu tháng 10 sắp tới sẽ chính thức công bố đề thi minh họa trên website. Thời gian này, để có bộ đề thi trắc nghiệm và chuẩn hóa với yêu cầu đánh giá và phân loại học sinh, Bộ cần thời gian chuẩn bị, sử dụng thử và điều chỉnh.
Bộ GD&ĐT đang phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội rà soát, đánh giá, chuẩn bị đề thi cho phù hợp mục đích của kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời bổ sung ngân hàng câu hỏi để xây dựng đề thi minh họa cho kỳ thi năm tới.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, hình thức câu hỏi trắc nghiệm hay tự luận không ảnh hưởng cách dạy và học. Dù thi theo hình thức nào, học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kỹ năng mới tìm hay chọn được đáp án đúng và nhanh nhất.
Gần 10 năm nay, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đều thi theo hình thức trắc nghiệm, giáo viên và học sinh vẫn sử dụng SGK hiện hành để dạy và học, cho kết quả tốt. Từ đó, Bộ GD&ĐT cho rằng chương trình SGK hiện hành không ảnh hưởng việc thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn. |
Bộ GD&ĐT đánh giá việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể mới với Việt Nam nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu.
Ví dụ, ở các bài thi SAT hay ACT của Hoa Kỳ, mỗi bài thi có khoảng trên 50 câu hỏi Toán bằng hình thức trắc nghiệm. Hàng năm, mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường đại học của Hoa Kỳ.
Bộ GD&ĐT khẳng định hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sáng tạo của học sinh. Các chuyên gia đã tính toán thí sinh phải trải qua bao nhiêu bước mới giải được đề? Thí sinh mất tối thiểu bao nhiêu thời gian? Nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian, thí sinh có thực sự có năng lực bậc cao không?
Trước đó, Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2017, với 3 điểm khác biệt lớn so với năm 2016.
Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia 2017 dự kiến giao về các Sở GD&ĐT chủ trì, cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng cử người về hỗ trợ coi thi và có trách nhiệm giám sát. Từ năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của các trường đại học, cao đẳng không còn.
Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp một số môn thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tất cả chỉ còn 5 bài thi là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trừ Ngữ Văn vẫn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến từ năm 2017, các trường đại học, cao đẳng xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT, kết quả các bài thi THPT quốc gia, sơ tuyển kết hợp thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác.