Sau golf, tennis hiện là môn thể thao thời thượng trong lòng giới trẻ Hàn Quốc. |
Yu Hyo Sun không thể giấu sự phấn khích của mình dành cho bộ môn tennis trong vài tháng gần đây.
Nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi hiện dành 5 buổi/tuần để ra sân chơi quần vợt. "Mỗi lần ném bóng, vung vợt, tôi giảm bớt căng thẳng tức thì. Cách cơ thể chuyển động khi hoàn toàn tập trung vào trò chơi đem lại cảm giác tuyệt vời", Yu giải thích với Korea JoongAng Daily.
Theo Yu, trên sân, cô không nghĩ tới gì khác ngoài đường bóng, cách ghi điểm. Mỗi lần chơi tốt, tâm trạng của cô cải thiện nhiều.
Giống Yu, nhiều thanh niên ở Hàn Quốc đang chuyển sang thú vui mới là chơi tennis.
Không quá đắt đỏ, đông người trẻ Hàn Quốc lựa chọn chơi quần vợt đều đặn để tập luyện. |
Theo thống kê, doanh số bán các thiết bị quần vợt trong quý II năm nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh số bán vợt tennis trên trang thương mại điện tử SSG tăng gấp 2,3 lần so với kỳ cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2022.
Vẫn sang chảnh, nhưng ít tốn kém
Trong khi chơi golf thịnh hành vào năm ngoái, các chi phí phục vụ chơi bộ môn này đang ngày càng đắt đỏ, khiến những người trẻ Hàn Quốc phải suy nghĩ lại chuyện theo đuổi lâu dài. Trong khi đó, chơi tennis vẫn đảm bảo yếu tố thể thao và giải trí, đi kèm với trải nghiệm "sang trọng" và có mức giá rẻ hơn.
Choi Hyeon-jin, nhân viên văn phòng ở Dongdaemun (Seoul), cho biết: "Tôi chỉ tốn 60.000-70.000 won cho một lớp học tennis 1-1 vào ban ngày và những gì tôi phải mang theo là giày. Tôi bắt đầu quan tâm đến môn này sau khi thấy nhiều bài đăng trên mạng xã hội".
Tennis lên ngôi, các sân tập cũng trở thành nơi thu hút giới trẻ. Một số sân trong nhà có thiết kế nội thất bắt mắt, hợp cho người chơi check-in trên mạng xã hội.
Các hình thức chơi cũng đa dạng: chơi một mình, đánh cặp hoặc chơi theo nhóm.
Lee Ju-young, nhân viên văn phòng ở Yongsan, trung tâm Seoul, bắt đầu chơi tennis cách đây khoảng 7 năm. Theo Lee, nhiều người bạn của cô cũng đang hứng thú với môn thể thao này. Trong câu lạc bộ Lee tham gia ở một trường quản lý kinh doanh, 80% là người mới bắt đầu chơi.
Thời trang khi chơi tennis là một trong các lý do khiến giới trẻ xứ củ sâm bị hấp dẫn bởi môn thể thao này, nhất là với nữ giới. |
Thời trang mới là thứ để đầu tư
Cũng giống như đánh golf, người chơi, đặc biệt là các cô gái trẻ, không thể bỏ qua những bộ đồ thời trang, chuyên dành cho những lúc "lên đồ" ra sân. Tất yếu, các thương hiệu không thể bỏ qua xu hướng này bằng cách tung ra nhiều mẫu quần áo, phụ kiện mới.
Tháng 6, trung tâm Lotte World ở phía Nam Seoul khai trương gian hàng pop-up chuyên bán trang phục chơi tennis. Trong 3 ngày đầu tiên, 50.000 lượt khách ghé qua. Các sân chơi tennis mini, khu chụp ảnh và gian hàng bán quần áo thời trang được giới thiệu trong sự kiện kéo dài một tháng.
Đối với Shin Ji-yeon (37 tuổi), người làm công việc nghiên cứu và chơi quần vợt 3 lần/tuần, ưu tiên hàng đầu khi chơi là những bộ quần áo dễ thương mà cô có thể mặc.
Áo gile len, váy xếp ly thanh lịch, áo thun polo cổ điển, tất cao đến đầu gối kèm đôi giày đi kèm là những yếu tố cần có để tạo ra một tổng thể đẹp mắt.
"Tôi chỉ mới bắt đầu gia nhập tennis và tôi không đầu tư nhiều vào dụng cụ chuyên nghiệp. Tôi đã thử sử dụng nhiều loại vợt khác nhau nhưng không nhận thấy rõ sự khác biệt.
Nếu chưa thể chơi thành thạo, tôi nghĩ rằng mình sẽ có động lực hơn khi mặc những bộ trang phục quần vợt hấp dẫn", Shin giải thích.
Dịch bệnh đã góp phần vào trào lưu chơi tennis ở Hàn Quốc với các điểm lợi như sân trong nhà, lượng người tham gia giới hạn. |
Tương tự, Oh Won-seon (32 tuổi), chủ một cửa hàng trang sức, cũng đề cao diện mạo khi chơi tennis.
"Quần áo chuyên dùng cho môn thể thao này thực sự rất đẹp và khiến tôi muốn sắm sửa thêm. Tôi cảm thấy mình chơi 'sung' hơn khi được mặc đẹp. Hoặc ít nhất, tôi có ảnh ưng ý để khoe lên mạng xã hội", Oh cho biết.
Những người chơi mới, nghiệp dư như Oh thường kết nối, nói chuyện với nhau trên các nền tảng như Instagram, thông qua những bức ảnh "sống ảo" đi kèm hashtag #tennistagram (kết hợp giữa tennis và Instagram).
"Tôi và các cô gái khác thường trao đổi kinh nghiệm và khích lệ nhau tập luyện nhiều hơn", Oh kể.
Còn Shin Ji-yeon thường sử dụng thẻ tìm kiếm này để đọc thêm thông tin về môn thể thao này.
"Nhờ đó, tôi tham gia vào một cộng đồng những người mới chơi quần vợt và biết thêm về cách chơi, các giải đấu cho những cây vợt mới". Với người thường ra sân và chơi một mình như Shin, những thông tin này hữu ích và giúp cô quen biết thêm những người có chung sở thích.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.