Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Bộ trưởng Y tế: Không 'thả lỏng' người đi từ vùng dịch về

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao mức độ cảnh giác, triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống Covid-19 và kiểm soát người đi từ vùng dịch về.

Sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều. Hiện, các tỉnh, thành xuất hiện những ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ người trở về từ các vùng dịch.

Thực tế, các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan người trở về từ vùng dịch.

Đó là đánh giá chung của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ chiều 24/10.

Theo ông Long, đây là tình trạng lo ngại dù về cơ bản, hiện nay, chúng ta kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác.

“Chúng tôi bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch”, Bộ trưởng Y tế.

Ông đề nghị các địa phương phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Về việc theo dõi, cách ly người trở về từ vùng dịch, Bộ trưởng Y tế nêu rõ: "Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát và triển khai biện pháp phòng, chống dịch với các trường hợp này. Người đi từ vùng dịch về đã đủ điều kiện theo dõi sức khỏe tại nhà, nhưng không có nghĩa là 'thả lỏng' mà phải dựa vào tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát".

Quyết liệt đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Tại hội nghị đã có trên 20 ý kiến tham luận, trao đổi của các địa phương về thực hiện các biện pháp chuyên môn như cách ly phòng, chống dịch, tiêm chủng vaccine, xét nghiệm, điều trị… và các vấn đề khác như đi lại, lưu thông hàng hoá.

Lắng nghe ý kiến của các tỉnh, thành, ông Long nhấn mạnh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, nếu các địa phương có vấn đề phát sinh, liên hệ ngay với Bộ Y tế. Quan trọng là phải kiểm soát được tình hình, tránh để xảy ra đợt dịch tiếp theo.

phong chong Covid-19 anh 1

Tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cho người trên 18 tuổi tại TP.HCM đã đạt 99%. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo người đứng đầu ngành y tế, một trong những tiêu chí phân loại cấp độ dịch là độ bao phủ vaccine. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã chỉ rõ việc cố gắng bao phủ mũi 1 theo đúng đối tượng. Trong tháng 10, mục tiêu là đạt bao phủ mũi 2 cho người trên 65 tuổi ở mức tối thiểu 80%. Tháng 11, đạt mức bao phủ tương tự đối với người trên 50 tuổi. Hiện, nhiều địa phương làm tốt nhưng có những nơi chưa đạt được tốc độ tiêm như mong muốn.

Do đó, Bộ trưởng Y tế đề nghị các địa phương đã được phân bổ vaccine phải tăng tốc tiêm chủng. Đồng thời, các địa phương khi triển khai tiêm chủng phải tuân thủ việc cập nhật dữ liệu thông tin người tiêm lên nền tảng theo đúng hướng dẫn.

Một tiêu chí quan trọng khác là các địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điều trị, giường bệnh, máy thở, thiết bị cấp cứu, oxy…, để khi dịch xảy ra thì kiểm soát được và giảm tối đa số ca tử vong. Đồng thời, họ phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực điều trị cho cán bộ y tế.

Theo ông Long, nước ta vẫn còn địa phương có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ từ tuyến trên.

"Đề nghị địa phương phải chuẩn bị đủ các yêu cầu tiêu chí này. Trong Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đều nêu nếu không đảm bảo tiêu chí này, sẽ phải nâng cao cấp độ dịch để ứng phó phù hợp", ông Long lưu ý.

Khoanh vùng phong toả nhỏ nhất

Về đánh giá cấp độ dịch, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh trong Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã nêu việc tiến hành đánh giá cấp độ dịch theo quy mô xã/phường để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó, các địa phương cần thực hiện theo hướng dẫn.

Về lưu thông, vận chuyển hàng hoá và đi lại của người dân, các cấp độ dịch đều được thực hiện…, nhưng phải đảm bảo tuân thủ 5K và những biện pháp phòng, chống dịch.

phong chong Covid-19 anh 2

Mỗi ngày tỉnh An Giang đón hơn 1.000 người về quê. Ảnh: Tiến Tầm.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, ông Long đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 4800. Trong xét nghiệm phải lưu ý gộp mẫu, kể cả rRT-PCR cũng có thể gộp đến 20 mẫu.

Các bệnh viện chỉ xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng, nếu có BHYT thì BHYT thanh toán, nếu không, ngân sách nhà nước chi trả. Các cơ sở không được thu tiền xét nghiệm của người bệnh.

Liên quan đến việc cách ly, phong toả phòng chống dịch, Bộ trưởng Y tế lưu ý các địa phương cần phong tỏa và cách ly nhỏ nhất có thể, chỉ vài nhà trong một ngõ hay một vùng nhỏ trong một xã, phường.

"Xác định khoanh vùng nhỏ nhất để dập dịch và không ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của người dân và không lãng phí nguồn lực chống dịch", ông Long nhấn mạnh.

Khỏi Covid-19, F0 có cần khám sức khỏe định kỳ? F0 có thể đi khám nếu triệu chứng kéo dài. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe sau khi khỏi Covid-19 chủ yếu là chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và lối sống lành mạnh.

Nhiều ổ dịch Covid-19 phức tạp xuất hiện tại các tỉnh phía Nam

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện nhiều trường hợp mắc Covid-19 trong cùng một gia đình. Trong khi đó, ổ dịch liên quan công ty thủy sản tại Bạc Liêu tiếp tục lây lan rộng.

Dịch Covid-19

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm