Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Bộ trưởng Y tế: Mục tiêu lớn nhất là giảm tỷ lệ F0 tử vong tại TP.HCM

Người đứng đầu Bộ Y tế nhấn mạnh tổng lực tất cả trang thiết bị của ngành y tế đang được huy động.

Chiều 1/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế có chuyến khảo sát tại các bệnh viện dã chiến chuẩn bị thành lập trung tâm hồi sức Covid-19. Các cơ sở này được giao cho lãnh đạo bệnh viện Trung ương vận hành.

4 trung tâm hồi sức Covid-19 tại TP.HCM

Trao đổi với phóng viên trong chuyến khảo sát Bệnh viện dã chiến số 6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh quan điểm và mục tiêu lớn nhất hiện nay của Bộ cũng như thành phố là giảm tử vong ở người mắc Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng.

Để thực hiện mục tiêu này, trước đó, Bộ Y tế đã điều các lãnh đạo cục/vụ liên quan và giám đốc bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương của Bộ Y tế vào thành phố để chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19.

may tho dieu tri Covid-19 anh 1

Bộ trưởng Y tế trao đổi về tổng quan xây dựng Trung tâm hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16. Ảnh: Chí Hùng.

Qua khảo sát, Bộ Y tế quyết định thành lập thêm 4 trung tâm hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch trên địa bàn TP.HCM.

Đối với Bệnh viện dã chiến số 16 (Đào Trí, quận 7), Bộ trưởng giao Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều hành với quy mô lên tới 2.300 giường, trước mắt sẽ thiết lập ít nhất 500 giường hồi sức tích cực cho bệnh nhân nặng. Dự kiến, 2 ngày nữa, trung tâm này đi vào hoạt động.

Đối với các khu vực khác, lãnh đạo Bộ Y tế giao Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị 500 gường hồi sức, trong vòng 5 ngày nữa sẽ hoạt động.

Đồng thời, Bộ Y tế giao Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân từ sáng mai (2/8) với khoảng 70 giường tại cơ sở bệnh viện ở Hoa Lâm. Song song đó, Bệnh viện Trung ương Huế cũng được giao chuẩn bị ít nhất 500 giường để tiếp nhận bệnh nhân điều trị.

Người đứng đầu Bộ Y tế nhấn mạnh tổng lực tất cả trang thiết bị của ngành y tế đang được huy động.

"Về cơ bản, hiện nay, chúng tôi đáp ứng đủ trang thiết bị cho hoạt động của những trung tâm này. Bộ Y tế đang tăng tốc trong tìm kiếm tất cả nguồn, đồng thời mua thêm để làm sao đảm bảo đủ cho người dân, khi cần máy thở sẽ có máy thở. Còn về oxy, chúng tôi đã chuẩn bị theo kịch bản trang bị oxy cho tất cả khu vực này", Bộ trưởng nói.

may tho dieu tri Covid-19 anh 2

Hệ thống thiết bị hồi sức bên trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức). Ảnh: Duy Hiệu.

Một số bệnh nhân Covid-19 đang mang thai sắp đến kỳ sinh, Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị nơi có thể sinh, sẵn sàng phòng mổ trong tình huống như vậy. Bộ trưởng cho biết vừa rồi, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiến hành mổ thai cho bệnh nhân Covid-19, đảm bảo mẹ tròn con vuông, vừa điều trị cho cả mẹ cả con.

"Đây là tín hiệu rất mừng cho việc điều trị", lãnh đạo Bộ Y tế nói.

Ở lại đến khi nào TP.HCM bình yên

TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ kinh nghiệm xây dựng trung tâm điều trị Covid-19 trong các đợt dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang và Bắc Ninh, đợt bùng phát ở TP.HCM là điểm nóng nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, do số bệnh nhân tại TP.HCM cao hơn nhiều so với đợt bùng phát trước đó, lượng bệnh chuyển biến nặng tại thành phố cũng đông hơn.

"Chúng tôi sẵn sàng phục vụ nhân dân TP.HCM đến khi cuộc sống bình yên trở lại", TS Sơn nói.

may tho dieu tri Covid-19 anh 3

TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Chí Hùng.

Đánh giá về cơ sở Bệnh viện dã chiến số 16 để chuẩn bị thành lập Trung tâm hồi sức Covid-19, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 nhấn mạnh cơ sở này được xây dựng khá tốt, nhưng cần phải xây dựng thêm hệ thống oxy, khí nén trung tâm cho đơn vị hồi sức lớn nhất từ trước đến nay. Nguồn cung khí nén đầy đủ cho đơn vị ICU đã được trang bị đẩy đủ.

"Chúng tôi từng hỗ trợ cho các điểm nóng trước đây, TP.HCM có lẽ là điểm nóng nhất từ trước đến nay. Sự phát triển của dịch nằm ngoài những gì thấy trước đó. Do vậy, chúng tôi sẵn sàng tâm thế chiến đấu và sẽ chiến đấu với tinh thần cao nhất", TS Sơn nói thêm.

Theo TS Sơn, sau khi khảo sát toàn bộ thực trạng tại Bệnh viện dã chiến số 16, ở đây triển khai rất tốt cho một bệnh nhân dã chiến, tuy nhiên, để thành lập một đơn vị ICU cần rất nhiều công đoạn phải triển khai.

Sáng nay, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM và thống nhất các hạng mục cần cải tạo để bổ sung cho bệnh viện 500 giường. Dự kiến, trong vòng từ 48-72 giờ tới, toàn bộ hạng mục sẽ hoàn thành và có thể triển khai tiếp nhận bệnh nhân hồi sức cấp cứu ngay sau đó.

may tho dieu tri Covid-19 anh 4

Bên trong Bệnh viện dã chiến số 16, nơi chuẩn bị vận hành Trung tâm hồi sức Covid-19 quy mô 2.800 giường. Ảnh: Chí Hùng.

Về nhân sự để vận hành hệ thống hồi sức, TS Sơn cho biết lực lượng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 sẽ cần rất nhiều.

Dự kiến, Trung tâm hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16 cần khoảng 400 bác sĩ, 1.000 điều dưỡng và khoảng 500 người phục vụ. Tổng nhân lực có thể cần đến 1.500-2.000 người. Hiện nay, lực lượng của bệnh viện có sẵn khoảng 300-400 người.

Bệnh viện dã chiến số 16 đang điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân Covid-19. Các chuyên gia sẽ nhanh chóng lên phương án chuyển bệnh nhân đang điều trị đến cơ sở khác. Sau khi khử khuẩn toàn bộ các khu vực phòng điều trị, lực lượng thi công sẽ bắt đầu bố trí và nâng cấp thành Trung tâm hồi sức Covid-19.

Cách tự lấy mẫu test nhanh Covid-19 Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng việc lấy mẫu test nhanh đơn giản nhưng người dân và nhân viên y tế cần cẩn trọng khi vệ sinh và kiểm tra chất lượng dụng cụ.

Dịch Covid-19

Chí Hùng - Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm