"Mời các anh xếp hàng giãn cách, chúng ta tiêm vaccine ngay tại đây"
Nữ điều dưỡng đứng ngay trước cổng khu cách ly Đại học Văn Hóa (TP Thủ Đức), nói vọng vào với một dân quân tự vệ. Vài người khác khẩn trương mang theo thùng vaccine, khuân bàn ghế, chuẩn bị bàn tiêm.
Điểm tiêm vaccine Covid-19 lưu động tại TP Thủ Đức bắt đầu làm việc. Trong thoáng chốc, gần 20 dân quân tự vệ đã hoàn thành mũi tiêm. Đội lưu động tiếp tục lên xe, đến một vùng đang bị phong tỏa.
Chiến dịch mở rộng "vùng xanh"
TP Thủ Đức hiện đứng thứ 5/22 quận, huyện tại TP.HCM về số lượng ca mắc Covid-19 và điểm phong tỏa. Trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, cái khó của TP Thủ Đức là triển khai tiêm vaccine cho người dân, nhất là trong khu vực nguy cơ cao.
"Xuất phát từ nhu cầu đưa vaccine bao phủ toàn bộ thành phố, kể cả khu vực nguy cơ cao như khu cách ly, vùng phong tỏa, TP Thủ Đức đã tổ chức mô hình xe lưu động để tiêm vaccine và tổ cấp cứu phản ứng nhanh", ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết.
Đội tiêm vaccine Covid-19 lưu động tổ chức tiêm cho các chiến sĩ tại khu cách ly Đại học Văn Hóa (TP Thủ Đức). Ảnh: Văn Nguyện. |
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, một trong nhiệm vụ quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19 là đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng bệnh. Bên cạnh việc tiêm chủng diễn ra theo kế hoạch của UBND TP.HCM là ưu tiên người trên 65 tuổi, tuyến đầu chống dịch, đội lưu động sẽ đi đến từng khu phố, tổ dân phố để tiêm vaccine.
Bên cạnh 34 điểm tiêm phòng cố định, thành phố này tổ chức mô hình xe lưu động, ra quân 2 đội tiêm lưu động và sẵn sàng tăng thêm vài chục đội khác trong thời gian tới.
Dự kiến, TP Thủ Đức huy động thêm lực lượng tiêm chủng lưu động từ cơ sở y tế ngoài công lập để tham gia chiến dịch tiêm chủng.
"Thời gian đầu sẽ tập trung cho khu vực nguy cơ cao, vùng phong tỏa, sau khi đánh giá loại trừ F0, chúng tôi sẽ tiêm vaccine theo phương án cuốn chiếu, phủ vaccine toàn bộ, biến khu vực này trở thành vùng xanh, sau đó gỡ phong tỏa và giao người dân chịu trách nhiệm bảo vệ vùng xanh của mình", ông Hoàng Tùng đặt mục tiêu.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Ảnh: Văn Nguyện. |
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện quận 2 cũ), cho biết nhóm người yếu tố, không thể di chuyển được, người trong khu cách ly, vùng phong tỏa, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại bệnh viện dã chiến, trung tâm cách ly..., sẽ được tiếp cận và tiêm chủng vaccine trong đợt này.
Tổ cấp cứu tại nhà cho F0
Bên cạnh việc tổ chức đội tiêm vaccine lưu động, TP Thủ Đức lần đầu ra quân tổ phản ứng nhanh cấp cứu và phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố. Cụ thể, 40 đội phản ứng nhanh gồm 34 đội cấp phường, 6 đội cấp thành phố sẽ đóng chốt tại các vùng.
"Trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhu cầu chăm sóc y tế rất cấp thiết, đặc biệt là người nghi mắc Covid-19, F0 đang cách ly tại nhà, có triệu chứng bệnh. Tổ phản ứng nhanh với hộp thuốc cấp cứu và xe máy, y bác sĩ sẽ đến trực tiếp tại nhà để người dân được tiếp cận y tế sớm nhất", bác sĩ Trần Văn Khanh cho biết.
Mỗi đội phản ứng nhanh gồm 2 người, xe máy, thùng thuốc cấp cứu cơ bản và được trang bị thêm bình oxy.
"Lãnh đạo thành phố kỳ vọng đội hình này sẽ tiếp cận người dân tại hầu hết khu vực trong TP Thủ Đức. Mục tiêu là sau khi người dân gọi tổng đài, đội hình này sẽ lập tức lên đường, trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ y tế, đặc biệt người có triệu chứng với Covid-19", Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nói.
TS.BS Nguyễn Thanh Hà, Phó cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Thủ Đức, cho biết trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM cùng với sự lây lan nhanh của biến thể Delta, tiêm vaccine Covid-19 là giải pháp căn cơ và quan trọng nhất để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
TS.BS Nguyễn Thanh Hà, Phó cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế). Ảnh: Văn Nguyện. |
"Để dập dịch hiệu quả hơn nữa, TP Thủ Đức cần đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân càng sớm càng tốt. Đội cơ động phản ứng nhanh là giải pháp nhanh chóng, kịp thời, giúp việc tiêm chủng hiệu quả, an toàn hơn, tiêm nhanh hơn", TS Hà nhận định.
Theo Sài Gòn Giải phóng, trong chuyến thăm đến "vùng xanh", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang tăng cường tiêm vaccine cho người dân. Mục tiêu là đến hết tháng 8 sẽ có 70% người dân trên 18 tuổi của TP.HCM được tiêm vaccine.
Đặc biệt, sắp tới, thành phố sẽ tổ chức các đội tiêm vaccine, xe tiêm vaccine lưu động đến từng hộ gia đình. Người dân không cần phải đăng ký mà đội hình tiêm vaccine sẽ tới tận nhà, ai chưa tiêm sẽ được ghi tên để tiêm chủng ngay.
Người dân tiêm xong sẽ được lưu lại danh sách để phục vụ tiêm mũi thứ 2 sau một thời gian. Như vậy, sẽ giản tiện rất nhiều và đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.