Anh Danh Hoàng Xa (30 tuổi, công nhân ở quận 7, TP.HCM) bước nhanh về phía bậc thang, đứng sát cổng Bệnh viện Hồi sức Covid-19, hít lấy hít để khí trời.
Hơn một tuần kể từ ngày hôn mê vì Covid-19, lần đầu tiên anh được nhìn thấy mặt trời, thứ ánh sáng gần như xa xỉ với những F0 nguy kịch, phải chiến đấu từng phút trong phòng hồi sức tích cực.
24 giờ trước khi nguy kịch vì Covid-19
Cuối tháng 6, khu nhà trọ của anh Xa bất ngờ bị phong tỏa do liên quan ca mắc Covid-19. Bất đắc dĩ trở thành F1, nam công nhân phải nghỉ việc để vào Bệnh viện quận 7 cách ly suốt 23 ngày.
Hoàn thành cách ly với kết quả âm tính với SARS-CoV-2, anh trở về nhà trọ. Cùng thời gian này, TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận. Anh Xa vui mừng khi nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm vaccine.
Sau 3 ngày sốt do phản ứng phụ của vaccine, anh Xa trở lại công ty và bắt đầu công việc. Tuy nhiên, sau một tuần, nam công nhân tiếp tục sốt, ho không ngừng. Linh cảm không lành, anh tìm đến nhiều bệnh viện đề nghị được test nhanh Covid-19 nhưng thời điểm này không được xét nghiệm.
"Tôi gom ít quần áo bỏ vào balo rồi chạy lên công ty xin được test nhanh. Kết quả dương tính. Tôi không bất ngờ vì đã gần như chắc chắn mình nhiễm virus. Nếu mắc bệnh, cơ thể thay đổi rõ lắm, ai nhiễm sẽ biết", anh Xa nói.
Trên đường đến Bệnh viện dã chiến số 3 (An Khánh, TP Thủ Đức), dù cơ thể đang sốt và nóng bừng, anh Xa vẫn tỉnh táo huýt sáo, sát mặt vào kính xe để ngắm thành phố.
Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ chuyển đến phòng bệnh viện dã chiến, nam công nhân dần đuối sức. Bụng đói cồn cào nhưng anh phải bỏ dở phần cơm vì không nhận biết được mùi vị.
"Người tôi nóng như lửa đốt, mặt nóng, cả mắt cũng nóng rát. Hơi thở bắt đầu gấp, tôi càng gắng sức để thở càng thấy đuối sức, phải thở dốc. Tôi nhớ lúc đó mình đã bấm số gọi cho nhân viên y tế, họ lên khám cho tôi, đo SpO2 rồi sau đó tôi lơ mơ", anh kể.
Thời điểm anh Xa rơi vào suy hô hấp, các bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 3 đã liên lạc bác sĩ Trần Thanh Linh và được chấp thuận chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức).
Hồi sinh
"Trong thời gian thở oxy tại phòng Cấp cứu của bệnh viện dã chiến, tôi bấm máy gọi về cho gia đình vì sợ sẽ không thể qua khỏi. Tôi nghe rõ tiếng khóc của cha mẹ, anh chị em ở đầu dây bên kia. Sau đó, tôi chỉ còn nghe tiếng alo của mẹ. Nghe rõ bên tai nhưng mắt nhắm nghiền, không còn sức để trả lời", nam công nhân kể lại giây phút trước khi hôn mê.
Anh Danh Hoàng Xa nhận giấy ra viện từ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, anh Xa được hỗ trợ thở oxy dòng cao kết hợp truyền thuốc liên tục và chăm sóc tích cực. May mắn do thể trạng khỏe, không có bệnh lý nền, nam công nhân vượt qua cửa tử sau một tuần điều trị tại phòng Hồi sức cấp cứu.
"Tỉnh lại, tôi thấy quanh mình quấn đầy dây dợ. Những ngày sau đó, cơ thể tôi bất động, mọi việc phải nhờ điều dưỡng chăm sóc. Có lần tôi chảy nước mắt vì chị điều dưỡng lấy từng túi nylon cho tôi đi vệ sinh, sau đó dọn dẹp tất cả. Sao mà họ tốt với tôi quá", người đàn ông quê Sóc Trăng thật thà nói.
Ngày 26/7, anh Danh Hoàng Xa chính thức xuất viện sau khoảng một tuần điều trị. Anh là một trong 17 bệnh nhân Covid-19 từng tiên lượng nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được trao giấy ra viện.
"Được sống là kỳ tích, tôi cứ ngỡ mình đã chết. Tôi như tái sinh lần 2. Không có y bác sĩ tôi đã không thể qua khỏi", anh nói.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19, cho biết bệnh nhân Xa cùng nhiều người khác từng trải qua giai đoạn rất nặng, thậm chí nguy kịch tính mạng. Ngày xuất viện của các bệnh nhân là "quả ngọt" giúp nhân viên y tế có thêm động lực để chăm sóc, điều trị cho hàng trăm người đang nguy kịch.
Theo bác sĩ Linh, có những bệnh nhân rất nặng, tình trạng nguy kịch phải thở máy, đặt ống thở..., trong tình thế nhân lực chuyên môn chưa đáp ứng, nhân viên y tế phải gồng gánh công việc của nhau. Đội cấp cứu lưu động phải di chuyển liên tục đến các bệnh viện tuyến dưới để can thiệp, sau đó đưa bệnh nhân về điều trị.
"Mỗi ngày, chúng tôi phải đối đầu với sự sống và cái chết, chạy đua với tình trạng nguy kịch của người bệnh. Và khi họ hồi phục, được rút ống thở, không còn gì hạnh phúc bằng, quên hết mọi mệt mỏi", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.
Thông tin từ Bộ Y tế sáng 1/8, cả nước có 441 bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng đang phải điều trị tại phòng Hồi sức cấp cứu. Trong đó, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 21.
Hôm qua, Việt Nam 3.250 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy đến nay, tổng số người khỏi Covid-19 và xuất viện tại Việt Nam là 38.734. Theo quy định của Bộ Y tế, sau khi được công bố khỏi bệnh, những người này sẽ tiếp tục cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe và báo ngay với cơ quan y tế khi có biểu hiện bất thường.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.