2 concert Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai “say hi” ở TP.HCM giúp Trần Lâm thu về hơn chục triệu phí trang điểm từ khán giả. Anh được tổng cộng 17 khách hàng đặt lịch với giá 800.000-1.000.000 đồng/người.
Trong khi đó, dịch vụ cho thuê điện thoại để quay, chụp trong concert của Mai Ngọc đã kín lịch trước 1 tháng. Khách quá đông, Ngọc phải mang thêm điện thoại từ Hà Nội để cho thuê. Dù vậy, cô vẫn liên tục từ chối khách hàng sau đó vì điện thoại vào bao nhiêu là cho thuê bấy nhiêu.
Thảo Hoàng cho biết cô thu về gần 100 triệu đồng nhờ môi giới vé concert. Sau khi trừ chi phí ăn ở, đi lại, Thảo và đồng nghiệp vẫn “bỏ túi” 80 triệu.
Không chỉ ban tổ chức, nhiều dịch vụ hỗ trợ khách đi dự concert bỏ túi từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng trong ngày 19/10. Không ít người nhìn thấy cơ hội kinh doanh và chuẩn bị đầu tư vào concert tiếp theo vào tháng 12 ở Hà Nội của Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai “say hi”.
Cắm trại ở cửa hàng tiện lợi
Tại một cửa hàng tiện lợi gần khu đô thị Vạn Phúc (TP Thủ Đức, TP.HCM), cô gái trẻ bày đầy dụng cụ trang điểm lên bàn. Từ 7h đến gần 16h, cô làm việc luôn tay, từ làm tóc, đánh phấn, đến kẻ mắt để khách hàng đi dự concert Anh trai “say hi” cách đó 500 m.
Trong ngày 19/10, Ngọc Thảo (25 tuổi, TP.HCM) cho biết cô có 7 khách hàng từ Hà Nội lẫn TP.HCM đặt lịch trang điểm để đi concert. Trung bình, cô phải tốn 60-75 phút/người và phải đảm bảo khách cuối cùng có đủ thời gian check-in nhận vé.
Trần Lâm được 17 khách đặt lịch trang điểm đi concert Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai "say hi". Ảnh: NVCC. |
“Tôi cắm trại ở cửa hàng tiện lợi gần concert để tiết kiệm thời gian di chuyển cho khách. Cả ngày hôm đó tôi làm liên tục, không kịp ăn uống gì”, cô chia sẻ với Tri Thức - Znews. “Số khách đặt lịch trang điểm trong 2 concert Anh trai lần này nhiều hơn hẳn, các bạn chuẩn bị kỹ lưỡng hơn”.
Tương tự Ngọc Thảo, ekip của Trần Lâm chia nhau trang điểm liên tục cho 17 khách hàng đi concert. “Khách hàng của tôi đa số là các bạn trẻ và luôn chỉn chu, chuẩn bị kỹ lưỡng khi đi dự concert. Lịch của tôi kín từ nửa tháng trước. Có bạn đặt trước cả tháng để đi đu idol thật lộng lẫy”, anh cho biết.
Không chỉ thợ trang điểm kín lịch, những chiếc điện thoại chuyên cho thuê của Ngân Hà và Mai Ngọc cũng “có chủ” từ khi Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai “say hi” bán vé.
Giá thuê điện thoại trung bình ở Việt Nam là 250.000 đồng/ngày. Ảnh: NVCC. |
Ngân Hà cho thuê được cả 6 chiếc điện thoại có khả năng quay, chụp và phóng to tốt. Một ngày thuê điện thoại có giá 250.000 đồng và cô sẽ yêu cầu khách đặt cọc tiền hoặc hiện vật giá trị tương đương để hạn chế rủi ro.
Trong khi đó, nhóm của Mai Ngọc phải chuyển thêm điện thoại từ Hà Nội vào TP.HCM vì nhu cầu quá cao. Theo cô, trước đây khách thuê điện thoại chủ yếu tham gia concert của nghệ sĩ quốc tế. Nhưng khi nghệ sĩ quốc nội có nhiều hoạt động thú vị, khán giả chuyển sang “đu idol” Việt Nam. Họ mang theo dịch vụ vốn thịnh hành ở cộng đồng người hâm mộ nghệ sĩ quốc tế, tiêu biểu là thuê điện thoại.
“Mình biết dịch vụ cho thuê điện thoại này nhờ bản thân là người hâm mộ Kpop”, Mai Ngọc chia sẻ. Cô nói thêm lịch thuê điện thoại ngày 7/12 đã kín dù mới có BTC Anh trai “say hi” công bố lịch diễn.
Bỏ túi 80 triệu đồng
“Mình tìm vé Chông gai, hạng nào cũng được. Budget (chi phí - PV) 3tr5 đổ lại. Giao dịch tại concert, lấy vòng vào sân mình chuyển khoản ngay lập tức”.
“Đang ở sân cần mua vé, dẫn qua cổng check-in chuyển khoản liền. Không chuyển khoản được thì mình cùng ra ATM rút tiền mặt thanh toán luôn ạ. Ưu tiên fanzone/Ga1/Ga2”.
“Mình cần tìm 1 vé, zone (khu vực - PV) nào cũng được. Giao dịch trực tiếp tại concert ạ”.
Trước 19/10, không ít người lên mạng tìm mua vé concert Anh trai “say hi” và Anh trai vượt ngàn chông gai ở TP.HCM. Vé concert được bán trên nền tảng trực tuyến thường hết rất nhanh. Người không có kinh nghiệm “săn vé” thường ra về tay trắng. Từ đó, không ít bạn trẻ chấp nhận trả giá cao hơn gấp đôi, gấp ba để có vị trí ưng ý.
Nhiều bạn trẻ chấp nhận bỏ tiền gấp đôi, gấp ba để mua được hạng vé ưng ý. Ảnh: Phương Lâm. |
Thảo Hoàng (Đà Nẵng) bán được hơn 200 vé từ hai concert. Cô cho biết bản thân bán giá gấp đôi, thậm chí là gấp ba đối với hạng “vé hot”. Nhờ bán sang tay vé dự concert, cô “bỏ túi” 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí ăn ở, máy bay.
“Các loại vé nhanh hết thường là vé ngồi và vé khu vực fanzone sát sân khấu. 1 chiếc vé có giá gốc 1.500.000 đồng nhưng mình bán với giá từ 3.000.000-3.500.000 đồng mà vẫn không đủ”, cô nói thêm việc lãi hàng trăm triệu đồng sau mỗi mùa concert là “chuyện bình thường, phổ biến”.
Nhìn thấy cơ hội kinh doanh, chị Như (TP.HCM) bắt đầu dịch vụ “săn vé hộ” từ concert 2 anh trai. Tùy theo giá và độ yêu thích của mỗi hạng vé, chị thu từ 200.000-400.000 đồng/lượt săn hộ. “Mọi người đăng bài tìm mua vé đặc biệt nhiều trong concert Anh trai. Do đó mình muốn kiếm chút thu nhập từ dịp này”, chị chia sẻ.
Thảo Hoàng và chị Như đều mở đặt trước vé của concert Anh trai sắp diễn ra vào tháng 12 tại Hà Nội. Không chia sẻ con số cụ thể nhưng cả hai cho biết sức mua lần này mạnh hơn so với concert tại TP.HCM.
Văn hóa fandom được cho là đã hình thành và phát triển ở Việt Nam, nổi bật là sau ngày 19/10. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo Korea Herald, ngành công nghiệp Kpop đã giúp Hàn Quốc thu về 900 triệu USD từ nước ngoài vào năm 2023, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ concert chiếm đến 47,5%, tương đương 420 triệu USD.
Chuyên gia cho rằng văn hóa fandom tại Việt Nam đang hình thành và phát triển với dấu ấn riêng. Các nghệ sỹ và ban tổ chức concert Việt đã thu về thành công nhất định, tiêu biểu là trong 2 concert Anh trai đêm 19/10. Đây là cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nước nhà.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam gần đây cho thấy nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất của ngành vượt mốc 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD) trong giai đoạn 2018-2022. Đặc biệt, lĩnh vực biểu diễn ở Việt Nam có phát triển đáng kể khi giá trị sản xuất tăng 5,59%/năm và tăng trưởng bình quân đạt 5,67%/năm.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.